Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến đúng hướng

Thu Hà.

TCTC Online - Chiều ngày 31/7/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Họp báo thường kỳ Chính phủ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến đúng hướng, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện.

Trong 7 tháng qua, các bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; nhất là Nghị quyết 01/2012/NQ-CP và Nghị quyết 13/2012/NQ-CP của Chính phủ. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, các giải pháp tập trung vào thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả.

Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt  động sản xuất kinh doanh của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã dần phát huy tác dụng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định. Trong tháng 7/2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 7/2012 xuất siêu 100 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khá cao (62,9 tỷ USD), tăng 19% so cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.327,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2012 tăng 11,6% so với tháng 6/2012, tính gộp 7 tháng đạt khoảng 3,83 triệu lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,25 tỷ USD, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Vốn ODA giải ngân ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ.

Chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm 2012, tuy vậy, so với tháng 12/2011, CPI vẫn tăng 2,22% và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước.

Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực điều hành giảm lãi suất cho vay về 15%/năm đối với các khoản vay cũ. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-16%/năm, góp phần tạo niềm tin của thị trường. Thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/7/2012 ước đạt 49% dự toán và chi NSNN ước đạt 50,3% dự toán.

Từ đầu năm đến 20/7/2012, cả nước có gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 247,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,7% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, tính đến nay, cả nước có trên 663,8 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó có trên 468,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 70%. Đồng thời có trên 30,3 nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Thực hiện Nghị  quyết 13 của Chính phủ đã thực hiện gia hạn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 4,5 và 6/2012 cho khoảng 208.250 lượt DN, với tổng số tiền thuế gia hạn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng; giải quyết gia hạn nợ thuế thu nhập DN cho khoảng 8.260 DN, với tổng số thuế được gia hạn là 347,5 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho hơn 3 nghìn DN với tổng số tiền thuê đất được giảm là 339 tỷ đồng; giải quyết miễn thuế môn bài cho hơn 40 nghìn hộ đánh bắt hải sản.

Trong 7 tháng đầu năm, ước giải quyết việc làm cho khoảng 825 nghìn lao động, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy đạt được những kết quả khá toàn diện như nêu trên nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 7 tháng chỉ bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Chỉ số CPI đã giảm liên tiếp 2 tháng (-0,26% và -0,29%). Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng 0,93%. Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2012 nhập siêu 58 triệu USD). Điều này phản ánh sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn còn chậm.

Chính phủ đề ra nhiệm vụ  trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành các tháng cuối năm 2012 là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để cùng doanh nghiệp xử lý hai điểm nghẽn là “hàng tồn kho” và “nợ xấu”. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư từ ngân sách; bảo vệ, phát triển thị trường nội địa cho hàng Việt Nam. Tăng cường phòng chống hàng lậu, hàng giả; kiểm soát chặt chẽ hàng tạm nhập tái xuất và các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng lộ trình của Đề án đã được duyệt. Tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Khẩn trương xử lý các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa hệ thống. Thực hiện điều hành lãi suất và kích thích tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và từ tín dụng nhà nước theo đúng kế hoạch, nhất là trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP hỗ trợ các doanh nghiệp đúng đối tượng. Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đẩy mạnh xuất khẩu, ưu tiên hỗ trợ tín dụng đối với những mặt hàng có thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Bằng nhiều biện pháp linh hoạt tranh thủ sự phục hồi từng bước của các thị trường chính để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Khẩn trương rà soát, cơ cấu lại lại doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề chính của doanh nghiệp.

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Trong đó thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, vùng chịu thiên tai,... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham ô, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.