Kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán

Theo Đầu tư Chứng khoán

Lãi suất huy động giảm không những tăng sự hấp dẫn của các cổ phiếu có cổ tức cao, mà còn giúp doanh nghiệp (DN) có cơ sở đàm phán giảm lãi suất vay.

Kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán
Lãi suất huy động giảm tăng sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán. Nguồn: Internet
Đầu tuần này, Vietcombank đã chính thức áp dụng mức lãi suất huy động mới 6%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, giảm đáng kể so với mức 7,3% trước đó. Các kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng giảm về tương ứng 6,5% và 6,8%; kỳ hạn 1 năm giảm về 8%/năm.

8%/năm cũng là mức lãi suất vay vốn ngắn hạn thấp nhất mà các DN sản xuất lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) đang được tiếp cận. Mức lãi suất ngắn hạn 8%/năm cũng không phải chỉ áp dụng trong diện hẹp, mà đã khá phổ biến trong nhóm DN có doanh thu và lợi nhuận tốt. Sau động thái giảm lãi suất huy động ngắn hạn xuống 6%/năm của Vietcombank, lãi suất vay ngắn hạn kỳ vọng có thể giảm tiếp xuống 7 - 7,5%/năm sau đó, vì mức lãi suất 8%/năm đã được áp dụng khi lãi suất huy động là 7,3% cho kỳ hạn 1 tháng.

Động thái giảm lãi suất của một ngân hàng lớn đã ngay lập tức tác động tích cực tới TTCK phiên thứ Hai tuần này. Với mức lãi suất mới, tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt ở mức 2 con số của nhiều DN trở nên hấp dẫn hơn. Xa hơn, khi lãi suất huy động ngắn hạn giảm và thời gian đáo hạn của các khoản tiền gửi 1 năm vào thời điểm lãi suất ở mức 12%/năm đang đến trong tháng này và tháng sau, thì khả năng giảm lãi suất trung và dài hạn sẽ tiếp tục diễn ra.

Theo khảo sát, lãi suất vay trung và dài hạn điều chỉnh không mạnh như lãi suất vay ngắn hạn thời gian qua, do chi phí huy động của ngân hàng còn cao. Với xu hướng điều chỉnh lãi suất ngắn hạn và cả lãi suất 1 năm xuống 8%/năm thì vào thời điểm kết thúc quý II, nhiều DN có cơ sở để đàm phán với ngân hàng trong việc giảm thêm lãi suất vay trung và dài hạn.

Lãi suất vay vốn đang dần tiếp cận với mặt bằng lãi suất trước khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và chịu áp lực lạm phát năm 2008. Điều này chắc chắn sẽ khiến các DN cảm thấy “dễ thở” hơn. Khó khăn lớn nhất hiện nay với các DN trong tiếp cận vốn vay là tình trạng nợ xấu, DN không có phương án kinh doanh khả thi, chứ không phải do lãi suất quá cao.

Nhưng với mặt bằng lãi suất hợp lý hơn, liệu tăng trưởng tín dụng có khả quan trong các tháng tới và là tiền đề cho đà tăng trưởng chung của nền kinh tế? Chưa có đủ điều kiện để tin tưởng vào điều này, do các ngân hàng vẫn còn rất e ngại nợ xấu và thận trọng với các DN sức khỏe không thực sự tốt.

Vì vậy, trong khi các DN tốt, khỏe tha hồ kén chọn ngân hàng có lãi suất thấp nhất để nhận vốn vay, thì rất nhiều đơn vị không có cửa tiếp cận vốn kể cả khi chấp nhận lãi suất cao hơn. Trong khi đó, việc thành lập công ty xử lý nợ xấu, theo đánh giá của giới quan sát, còn chậm trễ và việc xử lý nợ xấu dự kiến sẽ còn mất nhiều thời gian.

Sau phiên tăng mạnh, TTCK đã trở lại trạng thái thận trọng khi các nhà đầu tư không mua đuổi cổ phiếu ở giá cao. Nhưng với mặt bằng lãi suất huy động mới 6 - 8%/năm thì các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao dự kiến sẽ được nhà đầu tư tăng cường nắm giữ ở mặt bằng giá hiện nay.