Kỳ vọng từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

PV.

Với mức độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam trong thời gian qua và các điều kiện kinh tế và điều kiện chính sách hiện nay, dự báo thị trường TPDN sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Cùng với đó, hoạt động phát hành TPDN ra thị trường quốc tế cũng sẽ sôi động hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giữa đầu năm 2018, Tập đoàn Novaland vừa công bố huy động thành công 160 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế được chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Trong đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi này, với việc Credit Suisse (Singapore) Limited là bên tư vấn và thu xếp chính, Tập đoàn Novaland thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư tại châu Á và châu Âu. Trái phiếu chuyển đổi được phát hành bằng đồng USD, đáo hạn vào năm 2023, có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với giá chuyển đổi ban đầu là 74.750 VND/cổ phần, cao hơn 15% so với giá cổ phần tham chiếu tại ngày phát hành. Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 6 năm, một DN Việt Nam phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi trên sàn giao dịch quốc tế, phá vỡ sự trầm lắng kéo dài kể từ giao dịch tương tự trước đó đã diễn ra vào năm 2012, đồng thời cũng mở ra cơ hội phát hành TPDN ra thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị phát hành TPDN của Việt Nam là 79.515 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2015 là 43.500 tỷ đồng, và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 1,48% GDP. Như vậy, quy mô và số lượng TPDN không ngừng được mở rộng hàng năm, thể hiện tính tất yếu phát triển của thị trường TPDN. Tuy nhiên, khi so sánh thị trường TPDN Việt Nam với một số quốc giá trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Phillipines, Malaysia cho thấy còn nhiều bất cập, cụ thể: Quy mô thị trường TPDN của Việt Nam khá èo uột so với các nước qua tỷ trọng so với GDP như Thái Lan là 21,33% GDP, Malaysia 46,3% GDP, Phillipines gần 7% GDP; Kỳ hạn phát hành tập trung ở ngắn hạn từ 1 – 3 năm, ở Việt Nam chiếm 63%, Thái Lan 43%, Phillipines 28,5%, Malaysia dưới 16%...

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, với mức độ tăng trưởng của thị trường TPDN và các điều kiện kinh tế và điều kiện chính sách hiện nay thì thị trường TPDN dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Đồng thời, hoạt động phát hành TPDN ra thị trường quốc tế cũng có thể sẽ sôi động hơn. Một điểm đáng chý ý là mới đây, nhằm thúc đẩy thị trường TPDN nói chung và hoạt động phát hành TPDN ra thị trường quốc tế nói riêng, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành TPDN thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 nhằm tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới cho các DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. 

Theo đó, về điều kiện phát hành trái phiếu, đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền: DN phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; Đáp ứng điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định tại thị trường phát hành;

Bên cạnh đó, phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định. Cụ thể, đối với công ty cổ phần, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu thực hiện theo Điều lệ của công ty. Trường hợp Điều lệ của công ty không quy định khác thì HĐQT có quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất theo quy định tại khoản 4 Điều 127 Luật DN. Riêng đối với phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, phương án phát hành trái phiếu kèm theo chứng quyền phải được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Trong khi đó, đối với công ty TNHH, cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án phát hành trái phiếu là Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty theo Điều lệ của Công ty. Đối với DNNN, ngoài thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Nghị định này, phương án phát hành trái phiếu phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận theo quy định của pháp luật về việc huy động vốn nước ngoài của DNNN. Bên cạnh đó, DN cũng cần phải đáp ứng quy định về quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của DN; Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền: DN phát hành là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện phát hành quy định tại khoản 1 Điều này; Đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật; Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu tháng.

Về công tác tổ chức phát hành trái phiếu, DN phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước phát hành và công bố thông tin kết quả phát hành theo quy định. Cụ thể, đối với việc công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu, tối thiểu 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành ra thị trường quốc tế, DN phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt phát hành theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử đến Sở Giao dịch Chứng khoán. Nội dung công bố thông tin trước đợt phát hành bao gồm: Thông tin về DN phát hành; Mục đích phát hành trái phiếu; Khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành; Thời điểm dự kiến phát hành; Thị trường, địa điểm tổ chức phát hành; Điều kiện, điều khoản của trái phiếu; Xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về khối lượng trái phiếu phát hành năm trong hạn mức vay thương mại quốc gia.

Về công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu, chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt phát hành trái phiếu, DN phát hành phải gửi nội dung công bố thông tin về kết quả phát hành theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử đến Sở Giao dịch Chứng khoán. Nội dung công bố thông tin về kết quả phát hành bao gồm: Thông tin về DN phát hành; Khối lượng trái phiếu phát hành thành công; Lãi suất phát hành; Các điều kiện, điều khoản chính của trái phiếu (khối lượng, mệnh giá, đồng tiền, kỳ hạn, phương thức thanh toán gốc, lãi, ngày phát hành, ngày đáo hạn trái phiếu); Thị trường, địa điểm phát hành. Quy trình, thủ tục tổ chức phát hành trái phiếu thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.