Lãi, lỗ từ đầu tư trái phiếu của ngân hàng

Theo Thời báo Kinh doanh

Thời gian qua, dù lãi suất huy động đã giảm mạnh, nhưng huy động vốn vẫn tăng gần 4% khiến nhiều ngân hàng "bội thực" dòng tiền. Trong khi đó, mức độ hấp thu tín dụng của nền kinh tế còn rất thấp, ngân hàng không biết xử trí sao nên nguồn tiền bị tắc nghẽn. Một số ngân hàng buộc phải đẩy mạnh mua trái phiếu và như vậy, Chính phủ lại phải trả lãi cho ngân hàng, mà nguồn vốn không thể chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 3/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tín dụng toàn ngành đã tăng dương ở mức... 0,1%! Một số ngân hàng thừa tiền đã nhanh chóng giảm lãi suất tiền về mức thấp để tìm cách tiêu thụ nguồn vốn tồn kho.

Lãi từ trái phiếu

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù ngân hàng thừa tiền, không tìm được nguồn tiêu thụ hợp lý vì lãi suất cho vay còn cao, nên doanh nghiệp rất ngại vay. Một số ngân hàng hạ lãi suất cho vay thì lựa chọn những doanh nghiệp phát triển ổn định, có nguồn trả nợ tốt để nâng cao tín dụng, chứ không mở rộng đối tượng khách hàng như trước đây.

Chính vì vậy, nhiều ngân hàng tiếp tục đầu tư vào kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP) để tiêu thụ lượng tiền tồn kho như những năm trước, nhằm giảm áp lực trả lãi vay.

Trong những năm trước đây, TPCP trở thành kênh trú ẩn an toàn khi nền kinh tế bị khủng hoảng. Một số ngân hàng còn thu lợi rất lớn từ nguồn này, nhưng cũng không ít đơn vị bị thua lỗ. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, lãi suất sẽ tiếp tục giảm, nhiều ngân hàng kỳ vọng lượng trái phiếu nắm giữ sẽ sinh lời.

http://thoibaokinhdoanh.vn/upload/441/fck/bieu%20do%201.jpg

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, các ngân hàng lớn đang nắm hàng trăm nghìn tỷ đồng TPCP sẵn sàng để bán ra. Tính đến cuối năm 2012, Vietinbank có khoảng 44.500 tỷ đồng chứng khoán nợ của Chính phủ, chủ yếu là TPCP, còn BIDV và MBBank cùng có khoảng 35.000 tỷ đồng.

Vietcombank chỉ có lượng TPCP để bán trị giá 15.700 tỷ đồng, nhưng lượng tín phiếu mà ngân hàng này nắm giữ lên tới 43.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị nắm giữ chứng khoán nợ của Chính phủ lên 58.700 tỷ đồng. Các ngân hàng này đã tham gia mua rất nhiều TPCP trên thị trường, nhưng họ chỉ giữ một lượng TPCP và tín phiếu trị giá một vài ngàn tỷ đồng giữ đến ngày đáo hạn.

Một số ngân hàng khác như Agribank, Maritimebank và Techcombank cũng tham gia mua khá nhiều TPCP. Techcombank hiện đang nắm giữ lượng TPCP khiêm tốn là 5.700 tỷ đồng, còn Maritimebank luôn dành khoảng 15% tổng tài sản cho đầu tư TPCP, có thể lên tới 17.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng đã thu lợi nhuận lớn từ đầu tư TPCP khi mua vào ở mức giá thấp hồi đầu năm 2012. Trong đó, BIDV và MBBank đã mạnh tay nhất trong việc tăng giá trị danh mục đầu tư, với mức tăng lần lượt là 64% và 111%.

Vào thời điểm cuối năm 2012, MBBank đã tiếp tục mua gom thêm TPCP, tăng thêm 68% giá trị danh mục, còn Vietcombank mua vào lên hơn 400%, duy chỉ có Techcombank giảm giá trị đầu tư xuống gần 58% trong nửa đầu năm 2012.

Xu hướng vẫn đầu tư trái phiếu

Theo báo cáo tài chính, Vietinbank đã lãi khoảng 517,5 tỷ đồng từ đầu tư TPCP trong năm 2012 so với con số lỗ 497 tỷ đồng trong năm 2011.

Vietcombank cũng lãi cao 226,7 tỷ đồng, tăng vọt so với con số lãi chưa đầy 50 tỷ đồng của năm trước đó. Ngược lại, MBBank chỉ đạt 1,9 tỷ đồng lãi mảng chứng khoán đầu tư, giảm mạnh so với mức 19,3 tỷ đồng năm 2011. Techcombank thậm chí lỗ 118 tỷ đồng ở mảng này sau khi lãi 410 tỷ đồng trong năm 2011.

Trong năm 2013, xu hướng các ngân hàng tiếp tục đầu tư vào trái phiếu khi dòng tiền dư thừa không có đầu ra. Tính đến giữa tháng 3, lượng TPCP được phát hành và bảo lãnh phát hành đã lên tới 43.000 tỷ đồng, vượt 13.000 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Các NHTM vẫn đang mua vào rất mạnh, chiếm gần 90% giá trị trúng thầu.

Trong khi đó, lãi suất TPCP đang gia tăng khá mạnh từ mức 8,24%/năm lên tới 9,7%/năm phiên ngày 27/3 vừa qua. Với mức lãi suất như trên, ngân hàng đang thừa vốn hoặc huy động ở mức thấp 7,5% thì vẫn lựa chọn đầu tư vào TPCP.

Theo kế hoạch của Kho bạc Nhà nước, tổng lượng TPCP dự kiến phát hành năm 2013 là 150.000 tỷ đồng, bao gồm bù đắp bội chi ngân sách 90.000 tỷ đồng, đầu tư các dự án, công trình giao thông thủy lợi… 60.000 tỷ đồng.

Một chuyên gia kinh tế cho biết, nếu kéo dài tình trạng này thì dòng tiền đi theo vòng tròn là từ tích trữ trong dân đi vào hệ thống ngân hàng rồi ra Kho bạc Nhà nước chứ không chảy vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không đầu tư vào TPCP thì không biết xử trí thế nào với lượng tiền dư thừa lớn khi chưa tìm được kênh tiêu thụ hiệu quả.

Doanh nghiệp sản xuất ngại mở rộng kinh doanh, nên khả năng hấp thụ vốn kém, thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản vẫn ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Hơn nữa, đầu tư vào TPCP đảm bảo an toàn nguồn vốn, khi cần có thể thế chấp cho vay, hoặc tái chiết khấu với NHNN.

Trước tình trạng vốn khả dụng dư thừa như hiện nay, các ngân hàng sẽ tiếp tục tham gia mua tín phiếu NHNN, TPCP... để cân đối với lãi suất huy động trên thị trường. Chưa biết lãi, lỗ năm nay sẽ như thế nào, nhưng trong tình cảnh không cho vay được thì ngân hàng buộc phải tìm cách đẩy tiền ra ngoài để giảm bớt gánh nặng chi phí cho nguồn vốn tồn kho.