Lãi suất có cơ hội ổn định
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, muốn giảm lãi suất, NHNN sẽ phải mở rộng chính sách tiền tệ, tăng tái chiết khấu, tăng cho vay… Nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính vì thế, năm nay nếu giữ được mức lãi suất như cuối năm 2017 đã là tương đối tốt.
Trái phiếu bớt cạnh tranh với ngân hàng
Giữa tháng 3 lãi suất huy động trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp về mức 3% loại kỳ hạn 5 năm, thấp kỷ lục so với cùng kỳ những năm gần đây. Bên cạnh đó, biểu hiện tỷ trọng tiền gửi liên tục tăng tại nhiều NHTM trong suốt quý I đang cho thấy cơ hội ổn định lãi suất được hỗ trợ thuận chiều.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, khi lãi suất huy động trái phiếu chính phủ thấp, cơ bản sẽ mang đến một số điểm tích cực cho nền kinh tế. Theo đó, trái phiếu chính phủ có hệ số rủi ro bằng 0 tại thị trường trong nước. Do vậy khi lãi suất trái phiếu thấp và bán thành công nghĩa là thị trường đang chấp nhận rủi ro thấp hơn. Biểu hiện này cho thấy các chỉ số “sức khỏe” nền kinh tế đang phản ánh thực chất hơn. Nhờ đó khi đi vay vốn từ nước ngoài, Việt Nam sẽ được hưởng lợi tốt hơn về mặt lãi suất bởi độ tín nhiệm càng cao thì mức lãi suất vay vốn sẽ càng có cơ hội giảm.
Ở góc độ ngân hàng, khi lãi suất trái phiếu chính phủ thấp, các NHTM sẽ có cơ hội huy động vốn lãi suất thấp, chi phí huy động giảm đi một mặt sẽ tạo điều kiện để giữ hoặc cải thiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM). Mặt khác sẽ tạo tiền đề để các nhà băng xem xét giảm lãi suất cho vay ở một số kỳ hạn và nhóm khách hàng nhất định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời gian qua NHNN rất chủ động linh hoạt bơm hút tiền, đảm bảo thanh khoản dồi dào, hỗ trợ đáng kể cho hệ thống giúp các NHTM giữ được ổn định mặt bằng lãi suất. Việc cơ quan điều hành giảm 25 điểm phần trăm mức lãi suất trên thị trường mở - OMO, từ mức 5% trong nhiều năm qua xuống mức 4,75% ngay tại thời điểm đầu năm. Đồng thời chỉ đạo các NHTM phấn đấu giảm lãi suất cho vay chính là những động thái thuận chiều để ổn định lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Vẫn cần trù tính rủi ro tích lũy
Đánh giá về tác động của xu hướng giảm lãi suất trái phiếu chính phủ, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) cho rằng, hiện tại lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm ở mức thấp, nếu các NHTM muốn lãi suất cao thì có thể mua các kỳ hạn dài.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn không được như hiện tại do những thay đổi có tính chu kỳ thì các ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy, cần tạo ra độ linh hoạt để các NHTM có thể chuyển trái phiếu ngắn hạn thành dài hạn và ngược lại. Việc này phụ thuộc vào thị trường thứ cấp. Trong đó bao gồm nhiều yếu tố, uyển chuyển và đa dạng nguồn vốn chứ không chỉ dựa vào các NHTM và một số nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, ở góc độ kỹ thuật, đại diện HSBC cho rằng trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ xuống thấp như hiện nay các thành viên thị trường cần lưu ý khi những rủi ro tích lũy. Mặt bằng lãi suất nói chung và lợi suất trái phiếu chính phủ nói riêng có thể có những biến động trong thời gian tới khi đứng trước ảnh hưởng từ một số yếu tố nội tại và trên thế giới. Vì tuần qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất của đồng USD từ 1,5% lên 1,75%; Giá dầu và giá hàng hóa đang có dấu hiệu phục hồi và những bất ổn về địa chính trị cũng như chủ nghĩa bảo hộ lan rộng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam và gián tiếp tạo áp lực lên lạm phát và giá cả hàng hóa trong nước.
Trong chừng mực liên quan đến khả năng giảm lãi suất cho vay, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, mặc dù mục tiêu giảm lãi suất là mong muốn của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện nay vẫn chủ yếu là kinh doanh trên nợ. Nhà nước muốn đầu tư phải đi vay thông qua phát hành trái phiếu, DN muốn đầu tư phải đi vay ngân hàng. Muốn giảm lãi suất, NHNN sẽ phải mở rộng chính sách tiền tệ, tăng tái chiết khấu, tăng cho vay… Nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính vì thế, năm nay nếu giữ được mức lãi suất như cuối năm 2017 đã là tương đối tốt.
“Nếu năm nay có giảm lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động. Nhưng hạ rồi lại lo có thu hút được tiền gửi nữa hay không, hay tiền lại sẽ chuyển ra các kênh khác?” – TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu ý kiến.