Lãi suất đồng loạt giảm kể từ ngày mai

Thái Hằng

(Tài chính) “Trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống còn 6%/năm, thay vì mức 7%/năm như trước đây. Lãi suất tái cấp vốn được hạ xuống mức 6,5%/năm và mức lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm. Quyết định điều chỉnh này có hiệu lực kể từ ngày 18/3”, Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách – Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) khẳng định.

Lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 8%. Nguồn: internet.
Lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 8%. Nguồn: internet.

Lãi suất huy động giảm về mức 6%/năm

Công bố tại cuộc họp báo chiều ngày 17/3, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ điều chỉnh các mức lãi suất chủ chốt kể từ ngày mai (18/3). Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; Lãi suất tái chiết khấu từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.

Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm; Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Trong thời gian tới NHNN sẽ quy định mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thực hiện thu mua tạm trữ vụ Đông Xuân 2014 tối đa là 7%/năm; Mức lãi suất cho vay trong chương trình thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tối đa là 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và tối đa là 10-10,5%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. 

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Song song với việc cắt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức là người cư trú, tổ chức là người không cư trú (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0,25%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là người cư trú, cá nhân là người không cư trú giảm từ 1,25%/năm xuống 1%/năm.

Như vậy, đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 9 và là lần đầu tiên trong năm 2014 của cơ quan điều hành. Theo nhận định đây là bước giảm lãi suất phù hợp với diễn biến của thị trường. Trong 8 lần điều chỉnh trước, các quyết định cắt giảm lãi suất đều được đưa ra một cách thận trọng, chỉ khi “nắm chắc” được tỷ lệ lạm phát, nhằm hạn chế những xáo trộn và rủi ro trên thị trường.

“Quyết định điều chỉnh lãi suất lần này cũng vậy, diễn ra trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng 1/2014 và tăng 1,24% so với cuối năm 2013); Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo trước và sau dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ, lãi suất, tỷ giá và thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng cao. Mặc dù hoạt động sản xuất – kinh doanh vẫn còn khó khăn”, NHNN khẳng định.

Lãi suất cho vay còn giảm tiếp?

Chia sẻ với giới báo chí tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, trong nền kinh tế thị trường không thể chủ quan ấn định lãi suất mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Lãi suất huy động giảm là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Giảm lãi suất chỉ là một trong những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ tạo tiền đề cho tăng trưởng tín dụng. Gắn kết hệ thống TCTD với doanh nghiệp, ngân hàng tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn. Hiện NHNN đang xem xét cơ cấu lại nợ, thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để tăng tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Vậy giảm lãi suất huy động có làm giảm khả năng huy động vốn? Trả lời về vấn đề này, đại diện NHNN cho rằng, giảm lãi suất huy động sẽ có khả năng làm giảm hoạt động huy động vốn, tuy nhiên với các điều kiện và kỳ vọng lạm phát hiện nay thì mức lãi suất này vẫn khuyến khích khách hàng gửi tiền và hệ thống. Mặt khác trong bối cảnh hiện nay, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh an toàn hiệu quả.“Cho vay sản xuất trung và dài hạn chúng tôi không xem xét áp trần mà để các TCTD tự quyết định. Lãi suất ngắn hạn cũng sẽ tác động tới lãi suất trung và dài hạn”, ông Tiến thông tin.

“Lãi suất cho vay vẫn có thể tiếp tục giảm nếu chỉ số giá cả trong vài tháng tới vẫn tiếp tục giảm”, nhấn mạnh điều này, TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Lienviet Post Bank cho rằng: Việc NHNN đồng loạt hạ các mức lãi suất chủ chốt là hợp lý với các chỉ số kinh tế trong những tháng đầu năm 2014.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, trước thời điểm NHNN chính thức đưa ra quyết định điều chỉnh trần lãi suất chủ chốt, nhiều ngân hàng đã liên tiếp hạ lãi suất cả huy động và cho vay, mặt bằng lãi suất hiện dao động quanh mức 6,5%/năm ở cả kỳ hạn ngắn và dài.

Nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng đưa ra nhận định, việc cắt giảm trần lãi suất sẽ tạo sự "hào hứng: cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực khác. Bởi giảm lãi suất huy động đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ cắt giảm chi phí vốn vay, qua đó kích thích doanh nghiệp vay vốn và như vậy khả năng cắt giảm lãi suất đầu vào sẽ không chỉ dừng lại ở mức như hiện tại và có thể thấp hơn nữa!