Lãi suất huy động tăng, người vay nhấp nhổm

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong những ngày qua, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đang có sự điều chỉnh tăng nhẹ. Tuy nhiên, động thái này cũng khiến nhiều người vay lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng theo.

Trước động thái tăng lãi suất huy động, một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khả năng lãi suất cho vay tăng. Nguồn: Internet
Trước động thái tăng lãi suất huy động, một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khả năng lãi suất cho vay tăng. Nguồn: Internet

Biểu lãi suất huy động mới cập nhật của ba “ông lớn” ngân hàng thương mại Nhà nước đang có sự đối nghịch. Ngay khi ngân hàng Vietcombank điều chỉnh hạ lãi suất huy động thì Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) lại đang điều chỉnh theo hướng ngược lại.
 

Nhu cầu vốn khác nhau
 
Thời điểm hiện nay đã cận kề cuối năm tài chính 2017, cũng là lúc nhu cầu về vốn của nền kinh tế thường tăng lên rất cao. Vì vậy, động thái hạ lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn thêm không 0,1% của Vietcombank khiến thị trường bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng có thể xảy ra hiệu ứng “dây chuyền”, tạo ra một mặt bằng lãi suất huy động mới trong thời gian tới.

Trái với nhận định trên, từ đầu tuần, một số “ông lớn” điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng 0,5%. BIDV áp dụng biểu lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng là 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Lãi suất áp dụng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng trước đây. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 364 ngày trở lên, BIDV áp dụng mức lãi suất từ 6,8 – 6,9%/năm.

Đồng thời, VietinBank mới đây cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 – 9 tháng được hưởng lãi suất 5,8%/năm (thay vì 5,5 – 5,7% như trước đó); kỳ hạn 12 tháng cũng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 7% đối với kỳ hạn trên 36 tháng. Còn ở các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng, VietinBank vẫn giữ nguyên lãi suất với mức từ 4,8-5,2%/năm.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng ghi nhận Sacombank có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Theo đó, kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng đều được ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,2%, lên mức lần lượt là 5,3%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 6,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng được Sacombank tăng mạnh hơn, lên 6,4%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,1%, lên 6,9%/năm.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc thay đổi lãi suất huy động của các ngân hàng có thể xuất phát từ nhu cầu về vốn và kế hoạch kinh doanh của từng đơn vị. Đối với nhóm ngân hàng tăng lãi suất là do vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn tăng lên nên các ngân hàng phải tranh thủ hút tiền gửi để có nguồn cho vay.

Còn những ngân hàng giảm là do ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng huy động vốn tốt. Vì vậy, xu hướng tăng lãi suất để hút tiền gửi và sẵn sàng cho nguồn vốn vay cũng không có gì bất thường.

Thực tế cho thấy, nhận định này cũng có cơ sở khi tăng trưởng huy động của Vietcombank trong 9 tháng của năm 2017 đã lên tới 16,6%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống vào khoảng 10%.

Doanh nghiệp lo lãi suất vay
Trước động thái tăng lãi suất huy động, một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khả năng lãi suất cho vay tăng. 

Khảo sát trên thị trường cho thấy dấu hiệu tăng lãi suất chưa xảy ra. Cụ thể, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 – 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 – 5%/năm.

Nhận định về xu hướng lãi suất cuối năm 2017, các chuyên gia nhận định, khả năng tăng lãi suất cho vay vào cuối năm là gần như không có, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ giữ ổn định và nếu có thể, phấn đấu giảm lãi suất trong những tháng cuối năm.

Mới đây, tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu tại Quốc Hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định: “Giảm lãi suất luôn là một trong những mục tiêu Ngân hàng Nhà nước hướng đến trong tương lai. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất theo hướng giữ ổn định và giảm được lãi suất cho vay trong thời gian tới”.

Theo báo cáo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, huy động vốn 10 tháng đầu năm 2017 ước tăng 12% so với cuối năm 2016. Trong đó, huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động. 

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm (bình quân giảm khoảng 0,2 điểm% so với tháng trước) và tiếp tục được duy trì ở mức thấp (lãi suất O/N ở mức 0,9%/năm, lãi suất 1 tuần là 0,9%/năm, lãi suất 1 tháng là 1,5%/năm). 

Thanh khoản hệ thống ổn định do Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ, và cung ứng tiền ròng khoảng 130 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống giảm nhẹ so với tháng trước, đạt khoảng 86,75% (giảm khoảng 0,21 điểm % so với tháng 9/2017). 

Các chuyên gia cho rằng đây là những yếu tố giúp ngân hàng giữ ổn định lãi suất cho vay trong thời điểm nhu cầu vốn tăng cao cuối năm.