Lãi suất huy động “tạo sóng” dịp cuối năm

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Khảo sát thị trường cho thấy có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dịp cuối năm. Hiện, lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng có quy mô nhỏ vẫn có sự cách biệt khá lớn.

 lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng có quy mô nhỏ vẫn có sự cách biệt khá lớn. Nguồn: Internet
lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng có quy mô nhỏ vẫn có sự cách biệt khá lớn. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, thị trường lãi suất tiền gửi đang xuất hiện hai xu hướng trái ngược nhau là do phụ thuộc vào thanh khoản của từng ngân hàng. Tuy nhiên, dù tăng hay giảm thì vẫn ở mức chấp nhận được và không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay.

Tăng – giảm đan xen

Trong khi một số ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi, một số nhà băng lại đang chủ động giảm. Điều này khiến không ít người cảm thấy lạ.

Tại khối ngân hàng thương mại nhà nước, từ đầu tháng 10, VietinBank và BIDV công bố biểu lãi suất mới.

Theo đó, lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn ngắn đã nhích nhẹ lên 0,2 – 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước. Cụ thể, BIDV tăng 0,2 điểm phần trăm cho các kỳ hạn 1 – 5 tháng, riêng kỳ hạn 3 tháng lên 5%/năm tăng 0,4 điểm phần trăm so với trước đó.

Tại VietinBank, các kỳ hạn từ 1 tháng đến 1 năm đều tăng 0,2 điểm phần trăm. Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3-4 tháng lãi suất 4,8%/ năm và kỳ hạn 5-6 tháng lãi suất lên 5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng lên 5,5%/ năm… Các mức lãi suất này được điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước.

Có thể thấy từ tháng 9 đến nay, các ngân hàng thương mại nhà nước đã hai lần tăng lãi suất tiền gửi, song lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng này và ngân hàng cổ phần vẫn có sự cách biệt khá lớn.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, từ ngày 5/10, Maritime Bank công bố biểu lãi suất mới theo hướng tăng ở một số kỳ hạn so với mức công bố của tháng 9.

Theo đó, tiền gửi kỳ hạn 2 tháng là 5,1%/ năm (tăng 0,95 điểm phần trăm); 4 – 5 tháng là 5,4%/năm (tăng 0,05 điểm phần trăm).

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhà băng này cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn như: Kỳ hạn 1 tháng có lãi suất là 5% (giảm 0,15 điểm phần trăm), 3 tháng là 5,2% (giảm 0,15 điểm phần trăm), 6 tháng là 6,6% (giảm 0,3 điểm phần trăm) 7 – 8 tháng là 6,9% (giảm 0,1 điểm phần trăm), 9 tháng là 6,8%/ năm (giảm 0,1 điểm phần trăm).

Trước đó, cuối tháng 9, VPBank giảm lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn. Khách hàng gửi kỳ hạn 6 –11 tháng chỉ được hưởng lãi cuối kỳ là 6,6% thay vì mức 6,7% như trước. Riêng kỳ hạn 18 – 36 tháng, VPBank cũng giảm 0,2%, đưa lãi suất xuống 7,2%/năm, là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này.

Trong khi đó, OCB đã hạ lãi suất ở một số kỳ hạn: 1 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống còn 5,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 6,8%/năm…

Không tác động lớn đến thị trường

Dữ liệu cuối tháng 9 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 4,3- 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 5,3- 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ. Theo công bố từ NHNN, lãi suất VND ngày 3/10 qua đêm lên 3,3%/năm, 1 tuần lên 3,39%/năm, 2 tuần lên 3,56%/năm, 1 tháng lên 3,88%/năm… So với cuối tháng 9, lãi suất VND tăng 0,2 – 0,8%/năm.

NHNN cho hay, lãi suất liên ngân hàng phụ thuộc vào cung – cầu vốn ngắn hạn trên thị trường này, nên việc tăng giảm là bình thường và mang tính chất ngắn hạn.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng khoảng 9,52%; huy động vốn tăng khoảng 9,15%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải cho việc tăng – giảm lãi suất đan xen giữa các ngân hàng thời điểm này, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng khoảng 12-14%, một số ngân hàng còn dư địa cho vay sẽ tăng lãi suất để cân đối lại nguồn vốn, thu hút thêm nguồn huy động đầu vào nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cao từ thị trường, dân cư dịp cuối năm.

Ngược lại, ngân hàng nào đã "đụng trần" và dư địa cho vay những tháng cuối năm không còn nhiều sẽ phải cân đối giảm lãi suất đầu vào để giảm chi phí huy động vốn, cũng tạo cơ hội giảm lãi vay, vì vậy không có tác động lớn đến thị trường.

Thực tế, so với tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng như LienVietPostBank, VPBank…, hiện nay room của VietinBank, BIDV… vẫn còn nhiều dư địa hơn.

Ngoài ra, so với mặt bằng chung của thị trường, lãi suất huy động của các ngân hàng này vẫn còn thấp hơn nhiều, nên việc điều chỉnh tăng lãi suất liên tục cũng nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách và hút khách.

Theo đánh giá của các công ty phân tích thị trường, động thái tăng-giảm lãi suất huy động ở một số ngân hàng gần đây chỉ mang tính chất cục bộ, do nhu cầu về vốn, thanh khoản của từng ngân hàng chứ chưa tạo thành xu hướng chung của thị trường. Do đó, động thái này sẽ không tác động đến lãi suất cho vay trong thời gian tới.