Lãi suất huy động xuống còn 4,5%/năm

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Ngày 25/8, mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng đang đồng loạt giảm khá mạnh.

 Lãi suất huy động xuống còn 4,5%/năm
Mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng đang đồng loạt giảm khá mạnh. Nguồn: internet
Cụ thể, lãi suất huy động VND của Vietcombank đã giảm thêm 0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Sau điều chỉnh, kỳ hạn 1 tháng còn 4,8%/năm; các kỳ hạn ngắn 2-9 tháng chỉ còn từ 5%-5,7%/năm; mức cao nhất 6,8%/năm áp cho các kỳ hạn từ 24-60 tháng.

Như vậy, một lần nữa Vietcombank giảm lãi suất huy động VND, khi rút các kỳ hạn ngắn xuống sâu dưới mức trần quy định của ngân hàng Nhà nước (hiện tối đa 6%/năm cho các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng).

Mức lãi tiền gửi VND thấp nhất hiện nay thuộc về Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi kỳ hạn gửi 1 tháng của ngân hàng này giảm về còn 4,5%/năm, giảm 1,3%/năm so với hồi đầu năm.

Ở mức kỳ hạn gửi 2 tháng, BIDV cũng giảm lãi suất về còn 5%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng được BIDV áp dụng mức lãi 5,75 -6,5%/năm. Kỳ hạn gửi 12 tháng tại BIDV hiện cao hơn Vietcombank 0,3%/năm, ở mức 6,8%/năm. 

Mức lãi cao nhất mà BIDV đang áp dụng trên toàn hệ thống chỉ còn 7%/năm ở các kỳ hạn gửi tiền dài từ 12 tháng đến 36 tháng, giảm 1% so với thời điểm đầu năm 2014. 

Một trong những mức lãi cao nhất trên thị trường thuộc về Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank), 6%/năm đối với kỳ hạn gửi 1 tháng và 8,5%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi 36 tháng.

Theo thống kê của ngân hàng Nhà nước, tuần giao dịch từ 11-15/8 cho thấy, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,1%/năm. 

Việc giảm lãi suất của các ngân hàng lớn kể từ ngày 25/8 được cho là bình thường khi các ngân hàng đang trong tình trạng dư thừa thanh khoản khi lượng vốn huy động lớn hơn khá nhiều so với cho vay.

Thực tế, 7 tháng năm 2014, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ở mức thấp (3,68%), trong khi thời gian năm tài chính 2014 đã đi qua hơn nửa. Các ngân hàng thương mại phải sử dụng kênh đầu tư là mua trái phiếu Chính phủ để đẩy bớt vốn ra. Mức lãi suất trái phiếu hiện chỉ còn 4-5%, vẫn thấp hơn so với lãi suất huy động vốn tiết kiệm.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc giảm lãi suất huy động sẽ giúp giảm chi phí hoạt động và có thể tạo điều kiện để các ngân hàng duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất cho vay luôn có một độ “trễ” nhất định so với việc giảm lãi suất tiền gửi.