Lãi suất tạo đà phục hồi sản xuất

Theo thongtinthuongmai.vn

(Tài chính) Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, điều hành lãi suất là điểm sáng nhất trong chính sách vận hành kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng qua.

Lãi suất tạo đà phục hồi sản xuất - Ảnh 1
Ông Tô Duy Lâm
Phóng viên: Thưa ông, kinh tế thành phố trong quý III tăng 10,3%, sự phục hồi sản xuất kinh doanh đó do DN tự điều chỉnh hay cơ chế chính sách tác động vào thị trường?

Ông Tô Duy Lâm: Trước hết phải nhìn nhận, chính sách tiền tệ nói chung và cách điều hành lãi suất của NHNN nói riêng, từ đầu năm 2013 đến nay đã tác động rất lớn lên thị trường. Thông qua các giải pháp cụ thể, đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất đã giảm dần và trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm bớt chi phí vốn trong sản xuất kinh doanh.

Nếu năm 2012 trở về trước, kết quả khảo sát của các hiệp hội, ngành hàng cho thấy, lãi suất tín dụng chiếm một tỷ trọng khá lớn trong giá thành hàng hóa, dịch vụ. Thì đến nay, chi phí lãi suất giảm hơn 50% so với hai năm trước, thậm chí có DN chi phí lãi vay giảm đến 70% do chỉ phải trả lãi vay thấp hơn lãi suất huy động vì có phương án bán hàng tốt.

Tôi cho rằng điều hành công cụ lãi suất là điểm sáng nhất trong bức tranh chung của nền kinh tế 9 tháng qua, quá trình giảm lãi suất đã tác động vào sản xuất kinh doanh của các DN, khuyến khích sức mua trên thị trường. Điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh. Trong đó phải kể đến chính sách “tín dụng giá rẻ” dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên đã tạo điều kiện cho DN mở rộng đầu tư, duy trì sản xuất kinh doanh.

Mặc dù số lượng DN đang khó khăn về thị trường tiêu thụ còn lớn, nhưng số DN thành lập mới đang có mức “dương” nếu so sánh với lượng DN ngưng hoạt động và giải thể. Tại TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 9/2013 có khoảng 19,2 ngàn DN được cấp phép thành lập mới, ngoài ra hơn 26,6 ngàn DN tái hoạt động trở lại thể hiện qua việc đăng ký bổ sung vốn và lĩnh vực ngành nghề kinh doanh.

Tuy nhiên cũng phải nói sức vươn của DN trong 9 tháng qua rất đáng kể, trong đó phải nói đến khu vực kinh tế tư nhân đã có những chuyển biến thích ứng với thị trường, thoát ra khỏi những khó khăn để tạo ra một khuôn mặt hoàn toàn mới để tiếp cận vốn ngân hàng. Điều này có thể thấy trong 9 tháng qua các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã đưa ra thị trường khoảng 44.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng của khối DNNVV tăng nhanh nhất chiếm 20.000 tỷ đồng. Chính những điều này đã tác động vào tăng trưởng GDP 10,3% của TP. Hồ Chí Minh trong quý III vừa qua.

Ông cảm nhận thế nào về cách điều hành lãi suất của NHNN thời gian qua?

Từ việc ấn định lãi suất trần huy động 14%/năm vào năm 2011, đến tháng 5/2012 NHNN cho phép các Ngân hàng thương mại (NHTM) “cộng” thêm 3%/năm vào để ra một mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Nhưng đó cũng chỉ là gợi ý “khung cho phép” của NHNN chứ không phải áp đặt thành công thức có tính quy chuẩn trong việc tính giá thành của lãi suất đối với từng NHTM cụ thể. Sau đó, NHNN liên tục có những điều chỉnh lãi suất huy động giảm xuống đến 8%/năm và khuyến khích các ngân hàng cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên xuống còn 11%/năm trở xuống và đến nay lãi vay cho các lĩnh vực ưu tiên đã xuống mức chỉ còn 9%/năm.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý nhất trong điều hành lãi suất giảm dần là vào cuối tháng 7/2013, khi NHNN chỉ quy định trần lãi suất huy động 7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, lãi suất trên 6 tháng các TCTD tự thỏa thuận với người gửi tiết kiệm. Có thể khẳng định đây là điểm mốc quan trọng trong chính sách điều hành lãi suất của NHNN khi thị trường ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng đảm bảo thì trả lãi suất về cho thị trường tái lập đường cong lãi suất và hướng đến tự do hóa lãi suất.

Chính việc điều hành lãi suất ưu tiên hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã đảm bảo ổn định được nguồn thu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh của những khoản vay gần đây. Nếu mức độ nợ xấu chung của các TCTD trong thời gian qua tăng đều do hậu quả của các khoản vay cho đầu tư, đầu cơ các lĩnh vực phi sản xuất, bất động sản…, thì nợ xấu trong các khoản cho vay sản xuất kinh doanh của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu tăng chậm lại và chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Chẳng hạn nợ xấu trong hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh tính đến tháng 8/2013 chỉ chiếm hơn 4%, trong khi đó nợ xấu toàn hệ thống chiếm trên 5% so với tổng dư nợ. Việc hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh thời gian qua không chỉ duy trì, phục hồi và phát triển trong điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn mà còn đưa vốn đến đúng địa chỉ. Qua đó điều chuyển vốn từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, giúp cho các ngân hàng Việt Nam có hướng phát triển hiệu quả, tăng trưởng bền vững và hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu hệ quả từ nhiều năm trước.

Lãi suất giảm dần có tác động gì đến hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn không, thưa ông?

Xu hướng điều hành lãi suất giảm dần không chỉ đã tác động tích cực vào DN, như tôi đã phân tích ở phần trên, mà nó còn tác động trở lại đối với các TCTD. Đó là nó đã làm cho dòng tiền cho vay có hiệu quả hơn và tỷ lệ lượng vốn huy động dài hạn đã tăng đáng kể, tạo sự ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thời gian qua. Từ chỗ một số ngân hàng mất thanh khoản phải hút vốn bằng mọi giá, đến nay tình trạng chạy đua cạnh tranh lãi suất không còn.

Ví như cuối năm 2011 mỗi khi các NHTM cổ phần chạy đua lãi suất huy động, lập tức lôi kéo cả các NHTM Nhà nước vào cuộc đua. Mặc dù khối NHTM Nhà nước không quá khát vốn như một số NHTM cổ phần, nhưng vì phải giữ chân khách hàng tiếp tục gửi tiền, không bị rút ra đột ngột, nên những ngân hàng lớn cũng tham gia cuộc đua lãi suất, gây ra nhiều biến động trên thị trường tiền tệ. Đến nay, dù rằng lãi suất huy động đã giảm đến 50% so với cách đây 2 năm nhưng người gửi tiền vẫn chọn ngân hàng.

Có thể thấy rất rõ là mặc dù trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhiều kênh đầu tư tài chính nhưng tốc độ tăng trưởng tiền gửi từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao.

Tính đến cuối tháng 9/2013, tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó mức tăng thêm vốn huy động 9 tháng qua khoảng 7,34%. Đặc biệt tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng mạnh: hơn 15% so với cuối năm 2012. Đây là điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn, trong quá trình khai thác và sử dụng vốn bởi sự ổn định của loại tiền gửi này. Kết quả quan trọng này phản ánh hiệu quả của chính chính sách lãi suất và niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, cơ chế điều hành lãi suất của NHNN đã và đang định hướng thị trường và phản ánh sự phù hợp với diễn biến thị trường: sự thay đổi trần lãi suất kỳ hạn tiền gửi trong ngân hàng từ cuối tháng 7/2013 đã tạo ra sự linh hoạt, không bị bó buộc bằng mệnh lệnh hành chính trong điều hành lãi suất, tạo ra dư địa rất lớn về vốn cho nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!