Lãi vay chưa thể giảm ngay

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Từ đầu năm 2014 đến nay, các ngân hàng thương mại đã có 3 đợt hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn giá rẻ vẫn chưa khả quan và khả năng mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống vẫn còn bỏ ngỏ.

Lãi vay chưa thể giảm ngay
Từ đầu năm 2014 đến nay, các ngân hàng thương mại đã có 3 đợt hạ lãi suất huy động. Nguồn: internet

Thanh khoản dồi dào

Khởi đầu năm 2014, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên hạ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 5%/năm. Tiếp theo, trong tháng 2, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã hạ lãi suất huy động với mức giảm 0,3-0,5%. Và mới đây, một số ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục hạ lãi suất 0,1-0,4% đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, đặc biệt BIDV tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25% đối với các khoản tiền gửi 3-11 tháng.

Theo chia sẻ của tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, việc các ngân hàng thương mại đua nhau cắt giảm lãi suất do đầu năm 2014, tình hình tín dụng vẫn chưa khởi sắc. Qua 2 tháng, tăng trưởng huy động của ngân hàng này đạt 6% nhưng tăng trưởng tín dụng mới đạt 1%.

Hiện yếu tố cung - cầu đang tác động mạnh đến việc huy động vốn của các ngân hàng do đầu vào dồi dào nhưng đầu ra hạn chế nên ngân hàng buộc phải hạ lãi suất huy động.

Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho rằng nhiều khả năng xu hướng giảm lãi suất huy động sẽ tiếp diễn trong thời gian tới do thanh khoản của ngân hàng đang rất dồi dào. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/2, huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 0,83% so với cuối năm 2013, thanh khoản của hệ thống được đảm bảo và lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.

Thực tế hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Nguồn vốn giá rẻ dồi dào nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được, bởi cho vay hay không còn tùy thuộc vào mức độ rủi ro các ngân hàng đánh giá đối với từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế đã giảm 1,66%, trong khi 2 tháng đầu năm 2013 chỉ giảm 0,23%, trong đó riêng tín dụng bằng VNĐ giảm đến 1,94%. Trước đây, các ngân hàng thương mại lớn dù thanh khoản dồi dào, thậm chí dư thừa cũng không dám hạ lãi suất huy động vì sợ mất khách hàng.

Còn hiện nay ngân hàng huy động nhiều nhưng cho vay ra chưa đến 50-60% tổng nguồn vốn huy động, nên các ngân hàng hạ lãi suất là điều bình thường. Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp cũng không lớn bởi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn đang co lại, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu vốn số lượng đạt chuẩn để được vay ngày càng hạn hẹp.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng tuyên bố phát triển dịch vụ để bù tín dụng, nhưng đến thời điểm này tín dụng vẫn chiếm đến 70% lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, để đảm bảo an toàn ngân hàng thương mại phải cắt giảm lãi suất huy động, không chạy đua cạnh tranh như trước.

Hạ lãi vay còn chờ

Trong bối cảnh ngân hàng dư thừa thanh khoản, lãi suất huy động giảm, kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ sớm giảm xuống đang dấy lên. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp năm 2014 có thể giảm lãi suất cho vay 1-2%.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã tiên phong bằng việc điều chỉnh giảm 1%/năm mức lãi suất của ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ các khoản cho vay hỗ trợ mua nhà ở từ mức 6%/năm của năm 2013 xuống 5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết hiện mức lãi suất cho vay phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 7-9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 11,5-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn, trong đó một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6-7%/năm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản vay cũ về 13%/năm. Song song đó, trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại cũng đua nhau tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất 8-9%/năm, thậm chí có ngân hàng thương mại còn áp dụng lãi suất ưu đãi đặc biệt 5%/năm.

Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay thực tế của các ngân hàng thương mại vẫn cao hơn mức Ngân hàng Nhà nước công bố. Đại diện một công ty chế biến gỗ tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh, cho biết mới đây doanh nghiệp này đã tìm đến một ngân hàng thương mại cổ phần yêu cầu vay ngắn hạn 800 triệu đồng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhưng ngân hàng cho biết lãi suất vay 13%/năm.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cũng chia sẻ việc các ngân hàng thương mại đưa ra hàng loạt gói tín dụng giá rẻ, nhưng để tiếp cận được nguồn vốn này hoàn toàn không dễ. ngân hàng kinh doanh cần có lợi nhuận, trong khi nhiều gói tín dụng, lãi suất cho vay thấp hơn cả lãi suất huy động.

Vì vậy, chỉ một phần trong tổng gói tín dụng đến với doanh nghiệp và đó là những doanh nghiệp “ruột”, có quan hệ kinh doanh lâu dài, sử dụng dịch vụ của ngân hàng đó để họ có thể bù lại chi phí. Còn nếu cho vay vài ngàn tỷ đồng trong gói tín dụng ưu đãi dù chỉ 3 tháng hoặc trong năm đầu là áp lực không nhỏ đối các ngân hàng thương mại.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mặt bằng lãi suất cho vay chung có giảm hay không còn phụ thuộc vào tiến độ xử lý nợ xấu và các giải pháp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại trong năm nay. Nhiều chuyên gia tài chính cũng nhận định phải chờ đến khi Thông tư 02 được áp dụng, nợ xấu của ngân hàng thương mại được minh bạch, công khai rõ ràng.

Theo đó, nếu nợ xấu tăng lên, ngân hàng thương mại đó buộc phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, tức phải duy trì lợi nhuận cao để bù đắp lại. Nếu rơi vào trường hợp đó, lãi suất cho vay sẽ khó hạ xuống, còn nếu ngược lại, lãi suất có thể giảm.