Lại xuất hiện “sóng” cổ phiếu nhỏ!

PV.

(Tài chính) Sự hưng phấn của thị trường chứng khoán (TTCK) kéo dài từ cuối năm 2013 đến thời điểm này khiến làn sóng đầu cơ ngắn hạn xuất hiện trở lại trên thị trường. Minh chứng là nhiều cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu thị giá thấp trên hai sàn có chuỗi phiên tăng trần liên tiếp, bất chấp kết quả kinh doanh.

Nhà đầu tư cần cảnh giác với những cổ phiếu tăng trần bất thường để tránh bị dính “bẫy làm giá”. Nguồn: internet
Nhà đầu tư cần cảnh giác với những cổ phiếu tăng trần bất thường để tránh bị dính “bẫy làm giá”. Nguồn: internet

“Đội lái” trở lại?!

Ngày 20/1/2014, lần đầu tiên chỉ số VN- Index vượt 550 điểm sau 4 năm, ghi dấu bước phục hồi mới của TTCK Việt Nam trong năm 2014. Tuy nhiên, nếu như các blue - chips vẫn là “trụ đỡ” của thị trường với sự tăng trần của STB, BVH và một số cổ phiếu lớn kéo VN - index tăng tốc thì trên hai sàn, không ít cổ phiếu nhỏ lại có xu hướng điều chỉnh, thậm chí là điều chỉnh sâu. Đơn cử như tại sàn HNX, chỉ mới chưa hết phiên giao dịch buổi sáng đã có gần 2 triệu cổ phiếu “nóng” SHN được “xả” ở các mức giá thấp.

Có thể khẳng định sự phục hồi của thị trường đã khiến làn sóng đầu cơ cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu thị giá thấp kèm theo rủi ro và cơ hội khá lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Đơn cử là SHN, cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic), một doanh nghiệp năm 2011 đứng trước nguy cơ phá sản và thị giá đã đi từ “đỉnh” 74.000 đồng/cổ phiếu xuống đến 600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi của thị trường, SHN đã “chạy” từ mức giá 800 đồng/cổ phiếu hồi tháng 10/2013 lên mức 4.700 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch ngày 20/1/2014. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, SHN đã liên tục được “gom, xả” mãnh liệt và đã tăng gần 600%, quả là một kỷ lục!

Mới đây, khi phải giải trình về hàng chục phiên tăng trần liên tiếp, ông Đinh Hồng Long, Tổng giám đốc SHN cho biết tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện vẫn đang rất khó khăn. Do thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án đầu tư trước đó tiếp tục chưa đem lại hiệu quả, nỗ lực tái cơ cấu của Ban lãnh đạo doanh nghiệp mới dừng ở... kỳ vọng. Đến thời điểm hiện nay, SHN vẫn đang nợ thuế, nợ lương người lao động. Bởi vậy, tình trạng này cổ phiếu liên tục tăng trần trong thời gian gần đây là do sự kỳ vọng của NĐT và nằm ngoài tầm kiểm soát của ban lãnh đạo Công ty!

Tuy không lập kỷ lục tăng “khủng” như SHN nhưng một loạt cổ phiếu nhỏ có “tiền sử” đầu cơ cao cũng đã “lặp lại” điệp khúc tăng trần hàng chục phiên liên tiếp như thời chứng khoán hưng phấn. Đó là cổ phiếu SJM của Công ty cổ phần Sông Đà 19 cũng trên sàn HNX có chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp trước đó, bất chấp kết quả kinh doanh yếu kém, là cổ phiếu GGG của Công ty cổ phần Ô tô Giải Phóng đã tăng trên 250% chỉ trong vòng 2 tháng qua, hay trên sàn HoSE là cổ phiếu TNT có thời điểm cũng tăng trần bất thường rất nhiều phiên…

Rủi ro hiện hữu

Theo một số nhà chuyên môn tại các công ty chứng khoán, sự “lên hương” của cổ phiếu nhỏ rất có thể xuất phát từ sự trở lại của những “đội lái”. Minh chứng là cùng với nhịp điệu tăng giá bất thường của những cổ phiếu nói trên là sự xuất hiện những tin đồn hỗ trợ trên các diễn đàn chứng khoán như các công ty này sắp có lãi “khủng”, sắp đòi được nợ hoặc sẽ được mua bán, sáp nhập…

Giới chuyên gia cho rằng, kiểu “bơm vá” cổ điển này không nằm ngoài mục đích lôi kéo sự “đu theo” của các nhà đầu tư cá nhân. Và chắc chắn rủi ro sẽ đến với không ít nhà đầu tư khi bất chấp xu hướng của thị trường, các cổ phiếu nóng có thể bị “xả” bất cứ lúc nào. Như phiên giao dịch sáng 20/1/2014, VN - Index tăng mạnh gần 15 điểm nhưng SHN bị bán giá sàn và trên giá sàn hàng triệu đơn vị.

Không thể phủ nhận đầu cơ là một phần của TTCK và với một thị trường còn khá non trẻ như của Việt Nam, cứ mỗi khi TTCK tăng trưởng sẽ có nhóm các cổ phiếu bị yếu tố đầu cơ chi phối. Kinh nghiệm đã cho thấy khi yếu tố minh bạch của doanh nghiệp còn hạn chế, các cổ phiếu không có tin hỗ trợ mà vẫn tăng giá nhiều phiên, các nhà đầu tư, nhất là giới đầu tư cá nhân cần tỉnh táo để tránh bị mắc “bẫy”. Rủi ro với “hàng nóng" là khá hiện hữu và các nhà đầu tư trước hết hãy tự bảo vệ chính mình!