Làm gì để chuẩn hóa năng lực tín dụng cho nhân viên ngân hàng?

Mai Linh

(Tài chính) Con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn được đánh giá là khá cao so với chuẩn quốc tế. Nguyên nhân khiến nợ xấu cũng như rủi ro tín dụng tăng cao, một phần là do chủ quan của cán bộ ngành ngân hàng gây nên. Vậy làm gì để chuẩn hóa năng lực tín dụng cho cán bộ ngân hàng?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Nguyên nhân dẫn tới các rủi ro tín dụng

Nguyên nhân dẫn tới rủi ro tín dụng thường được chia thành ba nhóm: nguyên nhân thuộc về ngân hàng, nguyên nhân thuộc về người vay, nguyên nhân khác. Cụ thể, về phía ngân hàng, chính do sự yếu kém của đội ngũ cán bộ, nhân viên của hệ thống ngân hàng bao gồm cả về năng lực và phẩm chất đạo đức. Cụ thể, nếu cán bộ tín dụng non kém về trình độ, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm thì sẽ không có khả năng thẩm định và xử lý thông tin khách hàng một cách chính xác, dẫn đến chất lượng tín dụng thấp, rủi ro cao. Chưa kể, nếu cán bộ tín dụng không tuân thủ theo đúng quy trình tín dụng thì việc mất vốn rất dễ xảy ra. Đặc biệt, cán bộ tín dụng có mà phẩm chất đạo đức kém, rất dễ bị cám dỗ, gây nên những thiệt hại lớn cho ngân hàng. Trong khi công tác giám sát của các cấp quản lý trong ngân hàng lỏng lẻo, dẫn đến không có những chỉ đạo kịp thời để ngăn ngừa và xử lý rủi  ro xảy ra…

Còn về phía khách hàng, do trình độ yếu kém trong dự đoán các vấn đề kinh tế, năng lực quản lý nên khả năng xảy ra tổn thất với ngân hàng là rất lớn. Một mặt, do khách hàng cố tình chiếm dụng vốn của ngân hàng để đạt mục đích thu được lợi nhuận, Trường hợp này rất dễ xảy ra bởi ngân hàng sẽ rất khó đánh giá về khả năng tài chính của khách hàng và cho vay vốn với khối lượng và thời hạn không hợp lý, dẫn đến rủi ro tiềm ẩn là rất cao. Cũng có trường hợp người kinh doanh có lãi song vẫn không trả nợ cho ngân hàng đúng hạn mà cố tình kéo dài với ý định chiếm dụng dụng vốn vay càng lâu càng tốt.
 
Ngoài những nguyên nhân trên những rủi ro tín dụng còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác xuất hiện từ môi trường xung quanh như chất lượng thông tin, biến động kinh tế, chính sách pháp luật…

Cần thiết chuẩn hóa khung năng lực của cán bộ ngân hàng

Hiện cả nước có khoảng 40 cơ sở đào tạo ngành tài chính - ngân hàng, trong đó có 24 trường đại học với số lượng sinh viên ra trường mỗi năm khoảng 11.000, và khoảng 7.000 sinh viên ra trường mỗi năm của 16 trường cao đẳng.

Kết quả khảo sát của Trung tâm đào tạo và tư vấn ngân hàng  năm 2009 về trình độ và năng lực của tân cử nhân tài chính - ngân hàng Việt Nam cho thấy rõ vấn đề này: Thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về ngân hàng như một ngành kinh doanh; Không ít tân cử nhân không rõ tầm quan trọng của khách hàng, không hiểu rõ rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận; Thiếu tự tin trong giao tiếp, dẫn đến thiếu khả năng trình bày một cách thuyết phục; Thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, đặt biệt khi đặt vào tình huống giải quyết với khách hàng khó tính hoặc mâu thuẫn về lợi ích; Thiếu khả năng tư duy sáng tạo, dẫn đến gặp khó khăn khi đặt vào tình huống cần sự chủ động đưa ra giải pháp; Trình độ tiếng anh chưa đạt yêu cầu nếu phải phục vụ các khách hàng nước ngoài tại quầy….

Trên thực tế, để nâng cao sức cạnh tranh, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã tiến hành đánh giá toàn diện thực trạng chất lượng dịch vụ trên toàn hệ thống hoặc tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ, không định kỳ để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo tư duy mới cho cán bộ nhân viên cũng như xây dựng bản sắc văn hóa riêng của mình. Tuy nhiên, trong toàn hệ thống thì lại chưa có một khung đánh giá năng lực cán bộ tín dụng thống nhất và đồng bộ. “Việc cấp tín dụng còn rất nhiều rủi ro, cho nên cần khung pháp lý, cạnh tranh lành mạnh để giảm bớt rủi ro. Đồng bộ hóa mọi khâu từ chính sách, thực hành, chuẩn mực chung…”, Bà Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện BTCI nói.

Chia sẻ về vấn đề này, trong một tọa đàm gần đây, ông Nelson Salita, Giảng viên của Tập đoàn Omega Performance – đơn vị hàng đầu trên thế giới về đào tạo kiến thức thực tế cho cán bộ ngành Ngân hàng cho rằng: Chuẩn hóa khung năng lực cán bộ tín dụng tựu chung về những hành động triển khai trong thực tế, chứ không chỉ mang tính lý thuyết. cán bộ tín dụng phải chấp nhận rủi ro, cho nên chúng ta phải đào tạo cho họ ý thức chấp nhận và phải dự phòng rủi ro (tức là nâng cao kiến thức tài chính).

Tại sao quan điểm về khẩu vị rủi ro giữa bộ phận bán hàng, thẩm định rủi ro, phê duyệt luôn luôn không nhất quán? Nêu ra vấn đề này, ông Nelson Salita chia sẻ: Đó là cả một chặng đường thay đổi văn hóa tín dụng. Nhân viên tín dụng phải biết khai thác thông tin khách hàng để có được thông tin chính xác và khi đó mới có thể phân tích được dữ liệu một cách chính xác.

Vấn đề là số lượng nhân viên tín dụng lại rất trẻ. Vậy làm thế nào các ông chủ ngân hàng yên tâm? Không có cách nào khác là phải đào tạo cho họ những kinh nghiệm thực tế từ khâu tìm kiếm khách hàng cho đến phân tích dữ liệu… “Bằng cấp không quan trọng bằng kiến thức. Việc chuẩn hóa quan trọng hơn là trang bị cho họ cái nhìn tổng quát về điều tra trực tiếp khách hàng, số liệu. Khi có nền tảng kiến thức vững chắc thì rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Vijay Pillai, đại diện của Tập đoàn Omega Performance khẳng định.