Lạm phát - Dự báo và kiểm soát

Theo Báo điện tử Tổ quốc

Cho dù trong tháng 2 vừa qua giá tiêu dùng đã tăng chỉ kém kỷ lục của cùng kỳ năm 2008 trong vòng 11 năm trở lại đây, nhưng chừng đó cũng chưa đủ để cho rằng, chúng ta sẽ khó hoàn thành mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng ở mức 7% trong năm nay.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, thực tế này hoàn toàn không vượt ra ngoài “tập quán” của nền kinh tế nước ta. Các số liệu thống kê từ năm 1993 cung cấp ba căn cứ cho nhận định này:

Thứ nhất, đây là hiện tượng thường thấy nhất trong khoảng thời gian diễn ra Tết Nguyên đán của mỗi năm.

Cụ thể, trong 17 năm đó, trong khi chỉ có 4 năm có mức tăng giá bình quân của hai tháng này trên 2%/tháng (hai năm 1994-1995 và gần đây nhất là hai năm 2008-2009) và cũng là bốn năm có tổng mức tăng giá tiêu dùng cả năm vượt qua ngưỡng hai con số, thì 13 năm còn lại đều có mức tăng dưới ngưỡng 2%/tháng (dao động trong khoảng 0,35-1,90%/tháng) và đồng thời cũng là 13 năm có tổng mức tăng giá tiêu dùng cả năm nằm dưới ngưỡng hai con số.

Thứ hai, không những vậy, điều còn đáng chú ý hơn rất nhiều là, trong số 13 năm có mức tăng giá bình quân của hai tháng này theo “thông lệ” và cũng có tổng mức tăng giá tiêu dùng cả năm nằm dưới ngưỡng hai con số, thì có tới sáu năm giá tiêu dùng cả năm tăng ở mức “lý tưởng” đối với nền kinh tế nước ta.

Thứ ba, tuy vẫn theo “thông lệ” trong hai tháng đầu năm đó, nhưng thực tế còn cho thấy hai hiện tượng hoàn toàn trái ngược nhau, cho nên chúng ta cũng không thể không cảnh giác trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng ở ngưỡng 7% trong năm nay.

Trong đó, nếu như giá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm 1999 và 2000 cũng chỉ tăng 1,80%/tháng và 1,00%/tháng, nhưng đây chính là hai trong số ba năm ít ỏi được coi là sốt lạnh của nền kinh tế nước ta với mức tăng cả năm chỉ là 0,10%, thậm chí giảm 0,60%), trong khi mức tăng bình quân trong hai tháng đầu năm 2007 rất gần đây cũng chỉ là 1,61%/tháng, nhưng cả năm lại tăng tới 12,63%, tức là chỉ kém kỷ lục 19,89% của năm 2008 trong vòng 18 năm trở lại đây.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, chỉ trừ một số “biệt lệ”, giá tiêu dùng hai tháng đầu năm có Tết Nguyên đán trong mỗi năm đều tăng cao, cho dù giá cả 10 tháng sau đó là như thế nào.

Nguyên nhân của tình trạng “đến hẹn” lại tăng cao như vậy của giá tiêu dùng hoàn toàn không có gì “bí hiểm” đối với tất cả những người Việt Nam chúng ta từ hàng chục năm nay. Đó là nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến khiến giá cả cũng tăng đột biến mỗi khi Xuân về, Tết đến.

Với tổng mức tăng 3,35% chỉ trong hai tháng đầu năm là bước khởi đầu khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế ở mức tăng lạm phát 7% trong năm nay.

Do vậy, câu hỏi có ý nghĩa mấu chốt ở đây là, những điều gì đã giúp chúng ta thành công vượt quá xa mong đợi trong việc kiềm chế giá tiêu dùng ở mức 6,52% trong năm 2009.

Từ thực trạng và triển vọng kinh tế trong nước và thế giới, có thể nhận diện bốn tác nhân quan trọng nhất cộng hưởng lẫn nhau sau đây:

Thứ nhất, giá nguyên liệu thế giới gần như chắc chắn sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm nay, cho nên thay vì yếu tố giúp chúng ta thành công vượt rất xa mong đợi trong việc thực hiện nhiệm vụ kiềm chế giá tiêu dùng trong năm 2009, nhưng sẽ là thách thức khó vượt qua nhất không chỉ trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng tăng không quá 7%, mà cả trong việc hạn chế nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu ở ngưỡng 20% trong năm nay.

Trước hết, như các số liệu thống kê của IMF cho thấy, giá nguyên liệu thế giới bình quân trong năm 2009 đã giảm 31% trong năm 2009 xuống chỉ còn 118,8 điểm phần trăm (ĐPT) so với 172,1 ĐPT năm 2008, tức là đã xuống thấp hơn mặt bằng giá cả thế giới năm 2006 (120,7 ĐPT).

Thế nhưng, theo dự báo của định chế tài chính quốc tế này, do sự hồi phục của kinh tế thế giới, giá nguyên liệu thế giới trong năm nay sẽ tăng khoảng 16% và đạt khoảng 137,8 ĐPT, tức là sẽ cao hơn chút ít so với mặt bằng giá năm 2007 (135,0 ĐPT).

Trong điều kiện của một nền kinh tế có cả độ mở ở đầu ra và đầu vào rất lớn như nước ta, đặc biệt là trong đó nhóm hàng nguyên liệu hiện vẫn chiếm khoảng 46,6% trong rổ hàng hóa xuất khẩu và tỷ trọng này trong rổ hàng hóa xuất khẩu còn chiếm tới khoảng trên 60%, cho nên tác nhân này ảnh hưởng đặc biệt lớn không chỉ đến quy mô xuất nhập khẩu, mà còn đến cả mặt bằng giá cả trong nước.

Trong năm nay, do giá thế giới tăng mạnh trở lại, đương nhiên chúng ta cũng buộc phải “nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới” với quy mô cũng không hề nhỏ vào thị trường trong nước, cũng như giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng tất yếu cũng sẽ kéo giá hàng hóa trong nước tăng theo.

Thứ hai, cho dù xuất khẩu năm nay chỉ tăng 7% như dự kiến, còn để kiềm chế nhập siêu ở ngưỡng 20%, cho nên nhập khẩu sẽ chỉ tăng vỏn vẹn 4,7%, nhưng rõ ràng đó vẫn là những khoảng “âm dương” cách biệt chưa từng có kể từ năm 1992 trở lại đây cả ở đầu ra xuất khẩu lẫn đầu vào nhập khẩu của nền kinh tế.

Trong điều kiện như vậy, sự tăng tốc về lượng cả trong xuất khẩu lẫn nhập khẩu đương nhiên sẽ cộng hưởng với yếu tố giá cả tăng như đã nói ở trên làm cho quy mô nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới vào thị trường trong nước tăng mạnh thêm, còn sức mua của thị trường trong nước do doanh thu xuất khẩu tăng đương nhiên cũng tăng.

Thứ ba, năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp chúng ta vẫn còn phải “trả món nợ ứng trước” trong các năm sốt nóng giá cả thế giới trước đây. Chính vì thế, các DN cần tiên liệu trước để ứng phó.

Điển hình nhất trên phương diện này có lẽ là việc thực hiện cơ chế thị trường đối với điện và than.

Thứ tư, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm nay cũng không quá vượt trội so với thành tựu rất đáng tự hào trong năm đầy thách thức 2009, nhưng chắc chắn là tốc độ tăng thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư cũng sẽ cao hơn, nên sức mua cũng sẽ tăng cao hơn.

Mặt khác, thay vì trạng thái tụt dốc năm thứ hai liên tiếp, cho nên đương nhiên cũng làm cho tâm lý “thắt lưng buộc bụng” mạnh thêm trong năm 2009, sự đi lên của nền kinh tế trong năm nay đương nhiên sẽ làm cho đông đảo những người tiêu dùng lạc quan hơn, cho nên sẽ mạnh tay chi tiêu hơn. Cả hai yếu tố này chắc chắn sẽ cộng hưởng lẫn nhau làm cho thị trường tiêu dùng năm nay sẽ sôi động hơn năm 2009.

Nói tóm lại, việc giá tiêu dùng rất có thể sẽ cộng hưởng với các yếu tố lạm phát do chi phí đẩy và lạm phát do cầu kéo cùng mạnh lên trong năm nay khiến cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng hết sức khó khăn nếu không có sự điều chỉnh kịp thời các chính sách vĩ mô.

TS.Nguyễn Đình Bích

Nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, PV báo Điện tử Tổ quốc đã có các cuộc trao đổi ngắn với một chuyên gia kinh tế khác xung quanh vấn đề tăng giá tại thời điểm hiện nay.

TS.Vũ Đình Ánh (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính)

Theo lẽ thông thường, tháng 1,2 giá cả thường tăng do trùng vào dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, các chỉ số kinh tế nói chung, lạm phát nói riêng của tháng 3 sẽ đưa lại hình ảnh sát thực hơn để từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của tăng giá và việc điều hành chính sách.

Theo tôi, giá điện nên tăng vào thời điểm hết tháng 3, vì khi đó các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó có kiềm chế lạm phát sẽ rõ ràng hơn và đó là chỉ dấu quan trọng cho việc điều hành sắp tới.

Năm nay chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, kiềm chế lạm phát tăng dưới 7%. Với mục tiêu tăng trưởng GDP tôi nghĩ sẽ đạt được, nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ rất khó.

TS.Nguyễn Minh Phong (Viện Phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội)

Việc tăng giá điện và một số mặt hàng thiết yếu có thể làm cho CPI tháng 3 khó giảm hơn so với 2 tháng đầu năm. Với xu hướng đó, cộng với các yếu tố tiên định và bất định khác của thị trường trong nước và thế giới, mức CPI ôn hoà của năm 2009 sẽ chuyển hoá thành “bão” giá của năm 2010 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kế hoạch kiềm chế CPI năm 2010 của Chính phủ sẽ khó thực hiện được.

Thực tế cho thấy cần kết hợp đồng bộ giữa tiến độ thực hiện giá cả thị trường với tiến độ đảm bảo cạnh tranh thị trường. Nếu chỉ đẩy nhanh thực hiện giá cả thị trường trong khi ì ạch tiến trình cạnh tranh thị trường, chỉ có lợi cho doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ độc quyền. Hơn nữa, việc này sẽ “lợi bất cập hại” cho toàn bộ xã hội, môi trường kinh doanh và mục tiêu điều hành chung của Chính phủ.

Ông Lê Đức Thuý (Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia- Phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ chiều 3/3)

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, CPI hai tháng đầu năm sẽ chiếm 40-50% mức tăng giá cả năm. Như vậy mặc dù chúng ta không được chủ quan, nhưng chưa có gì phải quá lo lắng về mức tăng giá hai tháng đầu năm 2010. Đây cũng là nhận xét chung của Chính phủ.

Mặc dù CPI của tháng 3 trong các năm vừa qua đều tăng rất thấp hoặc giảm, nhưng ủy ban đánh giá chiều hướng giá cả tháng 3-2010 có khả năng tăng cao hơn mức bình thường của các năm khoảng 0,5-1% vì ba lý do:

Thứ nhất, chúng ta vừa trải qua thời kỳ liên tục điều chỉnh tăng giá xăng.

Thứ hai là hai lần điều chỉnh tỉ giá hối đoái gần đây.

Thứ ba là việc Chính phủ cho phép tăng giá than (cung cấp cho điện) và giá điện.

Tuy nhiên, dù CPI của tháng 3/2010 ở mức 0,5-1% thì CPI của quý 1 năm nay cũng chỉ ở mức 4%. Như vậy lạm phát của cả năm sẽ ở mức 8-9% và cũng có thể gần hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 7%.”