Lạm phát và tỷ giá sẽ ổn định đến cuối năm

Theo tapchithue.com.vn

Nhận định này xuất phát từ diễn biến của chỉ số tiêu dùng, tỷ giá, giá vàng trong 9 tháng qua và những yếu tố tác động trong những tháng còn lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Cụ thể, chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8 và tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước. Tuy cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ các năm từ 2004 đến 2013. Với diễn biến của 9 tháng, có thể dự báo CPI cả năm 2016 sẽ đạt được mục tiêu (tăng dưới 5%) theo Nghị quyết của Quốc hội và gần như chắc chắn thấp xa so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhận định này dựa trên các yếu tố tác động đến CPI trong những tháng cuối năm. Theo đó, tầm quan trọng nhất do giá cả thế giới tính bằng USD trong 8 tháng 2016 và dự báo cả năm nhìn chung đã và đang tiếp tục giảm.

So với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu cà phê giảm 13,3%, chè giảm 6,2%, hạt tiêu giảm 13,6%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 14,2%, quặng và khoáng sản khác giảm 64,6%, clanke và xi măng giảm 12,3%, dầu thô giảm 25,9%, phân bón các loại giảm 22,1%, cao su giảm 13,5%, sắt thép giảm 20,1%...

Giá nhập khẩu tính bằng USD của lúa mì giảm 20,2%, ngô giảm 13,3%, đậu tương giảm 9%, quặng và khoáng sản khác giảm 20,6%, than đá giảm 28,7%, xăng dầu giảm 32%, khí đốt hóa lỏng giảm 24,3%, phân bón các loại giảm 10,7%, bông các loại giảm 3,1%, xơ sợi dệt các loại giảm 5,7%, phế liệu sắt thép giảm 22,1%, sắt thép các loại giảm 24,3%, kim loại thường khác giảm 18,9%.

Do giá nhập khẩu giảm, nên một mặt kéo giá cả trong nước giảm theo, mặt khác lượng nhập khẩu đã tăng khá, làm tăng cung, giảm sức ép tăng giá ở trong nước.

Một yếu tố cơ bản tác động đến lạm phát là cầu vẫn ở trạng thái thấp hơn cung, biểu hiện ở chỗ nhập khẩu tăng thấp so với cùng kỳ (tăng 0,3% so với tăng 16,5%), nhập siêu do cầu trong nước còn thấp. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại giá) tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (7,3% so với 9,2%). Nội dung quan trọng khác là tài chính, tiền tệ- yếu tố trực tiếp của lạm phát đã có những cải thiện.

Thu ngân sách nhà nước có bước tăng trưởng khá, đáp ứng được nhu cầu chi tiêu trong nước; bội chi được kiểm soát theo xu hướng giảm dần; việc bù đắp bội chi bằng vay trong nước và nước ngoài (không phát hành thêm tiền) nên không gây sức ép lớn đối với lạm phát. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng tiền gửi (nhất là tiền gửi bằng VND) cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng, nên cũng không gây sức ép đối với lạm phát.

Về tỷ giá, giá USD tháng 9 tăng 0,07% so với tháng 8 và giảm 0,99% so với tháng 12/2015, trong khi cùng kỳ năm trước tăng cao. Đây là diễn biến có ý nghĩa tích cực về mặt tỷ giá nói riêng và tiền tệ nói chung, góp phần nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ.

Kết quả này có được là nhờ cán cân thương mại đã chuyển từ nhập siêu lớn trong cùng kỳ năm trước (3614 triệu USD) sang xuất siêu trong kỳ này (2865 triệu USD). Lượng ngoại tệ vào Việt Nam tăng và đạt quy mô khá từ các nguồn (FDI, FII, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam).

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển phương thức điều hành bằng tỷ giá trung tâm vừa linh hoạt, vừa ngăn chặn đầu cơ bằng phương thức đưa lãi suất gửi ngoại tệ tề 0%, trong khi lãi suất gửi VND đạt thực dương trong nhiều tháng. Từ đó, dự trữ ngoại tệ đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay, làm tăng sức mạnh tài chính và tính thanh khoản của quốc gia.

Dự báo khi Fed tăng lãi suất cơ bản đồng USD có thể làm cho tỷ giá VND/USD tăng vào cuối năm, nhưng mức tăng sẽ rất thấp. Tính chung cả năm nay sẽ không tăng, thậm chí vẫn còn giảm- mức giảm lần đầu tiên sau 3 năm, tính từ năm 2013.

Riêng giá vàng tháng 9 giảm 0,36% so với tháng 8 và tăng 17,11 so với tháng 12/2015. Việc giá vàng tăng cao trong 9 tháng chủ yếu từ giá thế giới. Trong khi, giá trên thế giới tăng nên giá vàng tính bằng USD sẽ giảm; song do giá USD ở trong nước ổn định, nên sẽ không tác động cộng hưởng làm giá vàng tăng.

Từ diễn biến và các yếu tố tác động tích cực, có thể đưa ra nhận định về việc yên tâm hơn với diễn biến của chỉ số lạm phát, tỷ giá, giá vàng để tập trung hơn cho phục hồi tăng trưởng.