Lấp “khoảng trống” đối với hộ mới thoát nghèo

Thái Hằng

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). "Mức cho vay dự kiến sẽ không khác so với hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như quá trình bình xét đối tượng được vay”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý thông tin.

Sẽ có “trần mềm” đối với cho vay hộ mới thoát nghèo

Nhiều năm qua, khi thực hiện các chương trình giảm nghèo, nhất là đối với những giải pháp tín dụng ưu đãi của Chính phủ vẫn còn một “khoảng trống” đối với hộ mới thoát nghèo. Cụ thể, những hộ này không tiếp tục được thụ hưởng chính sách ưu đãi cũng như không còn đủ tiêu chuẩn để tiếp cận đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi khác, dẫn đến làm giảm tác dụng của giải pháp giảm nghèo, dẫn tới giảm nghèo không bền vững, nhiều hộ tái nghèo. Trước tình hình đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể và NHCSXH đã có văn bản phản ánh. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, để lấy ý kiến đóng góp của cá nhân và tổ chức. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Lấp “khoảng trống” đối với hộ mới thoát nghèo - Ảnh 1
Nguồn lực bố trí cho đối tượng chính sách sau khi đã thoát nghèo nằm trong chiến lược dài hạn của NHCSXH, hiện nguồn vốn ngân hàng có khoảng 130 nghìn tỷ đồng với tăng trưởng tín dụng hàng năm được Chính phủ duyệt là 8 - 10%.
  Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết: Tiêu chí đối với hộ mới thoát nghèo rất rõ ràng, đó là các hộ đã từng là hộ nghèo mới thoát nghèo. Đây sẽ là bước phát triển cao trong các giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững. Chủ trương này được toàn xã hội cũng như NHCSXH hoan nghênh và ngân hàng sẽ đi đầu trong việc thực hiện chính sách này. Ngoài đối tượng hộ nghèo mới thoát nghèo, NHCSXH cũng đang nghiên cứu đề xuất hộ đã từng là cận nghèo mới thoát cận nghèo cũng được vay vốn hộ mới thoát nghèo, nhằm đảm bảo bình đẳng trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững, các chính sách ưu đãi phải được phủ kín và chặt chẽ. “Hiện mức cho vay đang được Chính phủ xem xét, nhưng nhìn chung sẽ xấp xỉ với mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Điều đặc biệt là các hộ sẽ tiếp tục được hưởng cách thức phực vụ của NHCSXH và sự tài trợ của toàn xã hội để thoát nghèo bền vững. Theo đó, NHCSXH sẽ có “trần mềm” đối với mức cho vay hộ mới thoát nghèo”, ông Lý nhấn mạnh.

Ngoài lãi suất còn ưu đãi cả dịch vụ

Được biết, hiện ngân hàng đang triển khai gần 20 chương trình của Chính phủ và 5 - 7 chương trình của tổ chức nước ngoài. Trong những hoàn cảnh nhất định về nguồn lực, Chính phủ đã có chiến lượng phát triển dài hạn cho NHCSXH, hàng năm bổ sung 8% - 10% nguồn vốn, các chương trình sẽ căn cứ vào đó để bố trí vốn hợp lý, còn nguồn lực từ phía ngân hàng đó là cách thức phục vụ. Trước đây, khi mới ra đời, ưu đãi chủ yếu của NHCSXH là lãi suất, nhưng sau 11 năm hoạt động đã chuyển từ không chỉ ưu đãi lãi suất nay thêm ưu đãi về phục vụ, đó là thực hiện cho vay tại địa phương, ưu đãi về thủ tục, giấy tờ, xử lý nợ, rủi ro, đồng thời kết hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở giúp hộ vay làm ăn hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, khi chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo được triển khai, NHCSXH dự kiến định kỳ hạn nợ theo đối tượng và thời hạn đó được cam kết. Như hộ vay đã thoát nghèo bền vững nhưng còn thời hạn vay luân chuyển theo chu kỳ sản xuất thì NHCSXH sẽ tôn trọng, vừa là tôn trọng sự phát triển tự nhiên của nuôi trồng và tôn trọng tự nhiên của luân chuyển tài chính, đặc biệt là để tránh cho hộ vay có sự đột biến gây cho họ tái nghèo. Với đối tượng vừa thoát nghèo mà vẫn còn dư nợ chưa đến kỳ trả thì NHCSXH đang xem xét để quyết định có cho vay hay không. Nếu họ là hộ nghèo nay đã thoát nghèo và nguồn vốn của ngân hàng còn dồi dào thì sẽ xem xét cho vay theo chính sách hộ mới thoát nghèo, nhưng nếu nguồn vốn không dồi dào thì phải điều chỉnh theo hướng ưu tiên vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được vay, và hộ thoát nghèo phải trả hết nợ thì mới được vay theo chính sách mới này, để đảm bảo công bằng trong toàn xã hội để tránh trường hợp người được vay nhiều người cần vốn lại không được tiếp cận.

Thực tiễn các đối tượng chính sách sau khi đã thoát nghèo, khi chưa có chính sách này sẽ rất khó tiếp cận với các ngân hàng thương mại (NHTM) khác, đặc biệt trong thời điểm chênh lệch lãi suất rất lớn giữa NHCSXH và NHTM, cũng đã có hiện tượng sự chây ỳ của người vay vốn đó không chịu trả nợ NHCSXH mặc dù đã đến hạn và thoát khỏi đối tượng thụ hưởng vốn chính sách. Tuy nhiên, với hệ thống hoạt động của NHCSXH là xã hội hóa, bám vào dân chủ, sự làm chủ của các hộ dân, các tổ chức chính quyền, thì ngân hàng đều đấu tranh và thu nợ tốt, hiện nợ quá hạn của ngân hàng chỉ khoảng 0,55% tổng dư nợ, đây là một tỷ lệ rất nhỏ và bền vững.