Lập sàn giao dịch hàng hóa để “chống đầu cơ giá”

Theo Thời Báo Kinh tế Việt Nam

Bộ Công Thương vừa trao giấy phép thành lập Sở Giao dịch Hàng hóa INFO. Đây là sàn giao dịch hàng hóa thứ hai tại Việt Nam được cấp phép nhằm mục tiêu phát triển kinh tế hàng hóa của Việt Nam hội nhập và liên thông vào thị trường hàng hóa toàn cầu.

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, sàn giao dịch hàng hóa ra đời sẽ đáp ứng các yêu cầu như xóa bỏ khoảng cách giữa sản xuất và thị trường, chống đầu cơ giá…
Lập sàn giao dịch hàng hóa để “chống đầu cơ giá” - Ảnh 1
Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Các sàn giao dịch hàng hóa đã xuất hiện trên thế giới hàng trăm năm qua nhưng tại Việt Nam, số lượng sàn giao dịch được cấp phép mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà đánh giá như thế nào về thực tế này?

Trên thế giới, việc thành lập các sàn trung gian giao dịch hàng hóa đã có từ rất lâu, chính xác là từ năm 1848 đến nay. Hiện trên toàn thế giới đang có khoảng 50 sàn giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, các sàn giao dịch này chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á với khoảng 30 sàn.

Đối với Việt Nam, loại hình sàn giao dịch hàng hóa còn rất mới mẻ. Năm 2005, Việt Nam mới bắt đầu có quy định về việc thành lập và tổ chức sàn giao dịch hàng hóa và cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng mới chỉ cấp phép cho 2 sàn giao dịch hàng hóa và 1 trung tâm giao dịch cà phê. Cả hai sàn giao dịch và một trung tâm này đều là các mô hình thí điểm.

Cũng vì là loại hình kinh doanh còn rất mới mẻ với Việt Nam nên số lượng các đơn vị được cấp phép thành lập sàn giao dịch hàng hóa còn rất ít và rất hạn chế. Tuy nhiên, việc thành lập các sở giao dịch hàng hóa thể hiện một bước đột phá trong hội nhập quốc tế của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa Việt Nam vào hệ thống kinh tế thế giới.

Cụ thể, sàn giao dịch hàng hóa ra đời sẽ đáp ứng các yêu cầu: xóa bỏ khoảng cách giữa sản xuất và thị trường; chống đầu cơ giá và hiện tượng tư thương ép giá nông dân; xóa bỏ tình trạng được mùa mất giá; chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam; huy động vốn phục vụ sản xuất; gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế.

Theo bà, sự ra đời của Sở giao dịch hàng hóa INFO, sàn giao dịch hàng hóa thứ hai của Việt Nam, có ý nghĩa như thế nào?

Với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trước mắt, tại Sở giao dịch hàng hóa Info do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) thành lập sẽ thực hiện giao dịch 3 mặt hàng cà phê, cao su, sắt thép. Để được cấp phép, Ocean Group đã cung cấp đầy đủ các thông tin chứng minh năng lực và khả năng của Tập đoàn, trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đã xem xét và quyết định trao giấy phép thành lập Sàn giao dịch hàng hóa INFO.

Một điểm cần lưu ý là trong giấy phép quy định rất rõ: trong vòng một năm, nếu đơn vị được cấp phép vẫn không tổ chức thành lập được sàn giao dịch hàng hóa thì giấy phép sẽ hết hiệu lực.

Do đó, Ocean Group cần khẩn trương phát huy những thế mạnh hiện có để triển khai ngay những hoạt động cần thiết, sớm đưa sàn giao dịch hàng hóa vào hoạt động. Khi đó, Sở giao dịch hàng hóa INFO sẽ có một vị thế thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là nông dân Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính cùng sự chuẩn bị chu đáo, tôi tin rằng Sở giao dịch hàng hóa INFO sẽ mở ra con đường mới kết nối người sản xuất hàng hóa Việt Nam tới thị trường quốc tế.

Bên cạnh những lợi ích hứa hẹn mang lại cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh thì việc thành lập, đưa vào hoạt động sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?

Với tốc độ phát triển nhanh của các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới, việc kinh doanh hàng hóa qua sàn giao dịch được các nhà đầu tư, nhà sản xuất trên thế giới rất quan tâm và tất nhiên phải có lợi thì họ mới tham gia vào.

Thế giới đã chứng minh việc giao dịch hàng hóa qua sàn mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là từ khi có thương mại điện tử thì việc giao dịch hàng hóa qua sàn càng phát triển. Trên thế giới, các nhà sản xuất, các nhà thương mại tiến hành, tham gia kinh doanh qua sàn rất đông đảo.

Việc kinh doanh hàng hóa qua sàn sẽ mang lại lợi ích cho cả các nhà đầu tư, các nhà sản xuất, giúp ích cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thử thách đối với Việt Nam khi đây là một kênh giao dịch hàng hóa còn rất mới. Kể cả những nước xung quanh Việt Nam đã có những lúc mở tới hàng chục sàn giao dịch hàng hóa nhưng cuối cùng cũng phải thu hẹp chỉ còn lại một số sàn.

Vì là mô hình mới nên các nhà đầu tư thành lập sàn giao dịch hàng hóa của Việt Nam cần học hỏi, rút kinh nghiệm của thế giới, cũng như của các sàn đã có ở Việt Nam để thực hiện có hiệu quả, có lợi ích cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà thương mại.

Đồng thời, các chủ đầu tư sàn giao dịch cần xác định rõ làm sao phát triển sàn giao dịch thành một kênh kinh doanh uy tín để có thể nhân rộng, phát triển mô hình này mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tất nhiên sẽ có những khó khăn nhưng tôi hy vọng Việt Nam sẽ hội nhập được với thế giới, làm cho giao dịch hàng hóa trong thị trường Việt Nam cũng như liên thông hàng hóa của Việt Nam với thế giới sẽ được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện. Để từ đó, hình thức kinh doanh qua Sở giao dịch hàng hóa sẽ trở thành một kênh quan trọng trong thương mại của cả nước.