Lệch pha báo cáo tài chính và giá cổ phiếu

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Khi cổ phiếu (CP) tăng giá sẽ đi kèm với một số kỳ vọng, một trong số đó là báo cáo tài chính (BCTC) với những con số tích cực. Thời gian qua, một số CP dù tăng giá nhưng khi công bố BCTC lại khiến nhà đầu tư chưng hửng.

Lệch pha báo cáo tài chính và giá cổ phiếu
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhiều khi khiến nhà đầu tư phạm sai lầm khi ra quyết định bán, mua cổ phiếu. Nguồn: internet

Phi lý và kỳ vọng

Từ mức giá 7.000 đồng/CP vào cuối tháng 1, HAP (Hapaco) đã có một loạt phiên tăng và đến ngày 19/2 đã tạo đỉnh 8.600 đồng/CP. Nhưng vào ngày 20/2, HAP đã giảm sàn và kèm theo đó là thông tin công ty lỗ 1,4 tỷ đồng trong quý IV/2013.

Tháng 11/2013 là tháng “hot” nhất của MCG (Meco Jsc) khi tăng từ 4.000 đồng/CP lên gần 7.000 đồng/CP, sau đó CP này điều chỉnh về mức giá hơn 5.000 đồng/CP trong tháng 1/2014, rồi lại tiếp tục tăng lên 6.600 đồng/CP trong những ngày gần đây. Sóng mạnh là vậy nhưng BCTC quý IV/2013 của MCG lại khiến nhiều người choáng váng khi lỗ đến 184 tỷ đồng và rốt cuộc cả năm 2013 công ty này lỗ hơn 170 tỷ đồng.

3 quý đầu năm 2013, Long Giang Land (LGL) đều lỗ, tuy nhiên giá CP vẫn tăng khá tốt. Từ mốc 2.500 đồng/CP vào tháng 11/2013, LGL tăng lên hơn 4.000 đồng/CP vào những ngày đầu tháng 2 năm nay. Tưởng như BCTC quý IV/2013 của LGL có điểm gì đó tích cực, rốt cuộc công ty vẫn công bố… lỗ tiếp, dẫn đến cả năm 2013 thua lỗ gần 50 tỷ đồng. 

Những trường hợp trên đây có thể tạo ra suy nghĩ về việc giá CP diễn biến một cách thái quá, phi lý, thậm chí… điên rồ nhưng dưới lăng kính thị trường thì khác. Thứ nhất, câu chuyện thua lỗ của doanh nghiệp đã trở nên bình thường nên có thêm một hay vài quý lỗ cũng không ai ngạc nhiên.

Nhưng nếu theo dõi 3 CP nói trên sẽ thấy có điểm chung ít nhiều đều liên quan đến bất động sản, một ngành đang hot trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Mua CP bất động sản tiêu chí hiện giờ là tài sản, cứ giá trị sổ sách (BV) cao hơn nhiều so với giá CP được cho là rẻ.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán có diễn biến thuận lợi, nước lên thuyền lên, nên các CP đều được hưởng lợi. Cứ tạm cho những CP trên vẫn ở trạng thái nghi ngờ, hoặc kỳ vọng thái quá về cơ bản (thể hiện qua việc thua lỗ trong quý IV/2013), yếu tố thị trường lại mạnh mẽ và áp đảo hơn hẳn và giá CP cứ vậy tăng. 

Toan tính của doanh nghiệp?

Nếu xem xét trên vị thế của doanh nghiệp cũng như diễn biến của CP, lại cho ra một vấn đề khác. Đó là báo lãi chưa chắc đã hay, còn báo lỗ không đồng nghĩa với thảm họa. Thử lấy trường hợp của MCG làm minh chứng, trong 2 năm 2011 và 2012, lĩnh vực bất động sản - xây dựng gặp khó khăn, công ty vẫn có lãi, dù con số rất khiêm tốn (2011 lãi gần 4 tỷ đồng, 2012 lãi chưa đầy 500 triệu đồng).

Những con số này không lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cũng không thể tạo ra mức cổ tức cao. Người nào cẩn trọng còn đặt giả thiết phải chăng công ty đã cố gồng để có lãi chiếu lệ? Vì thế, khi MCG báo lỗ khá nặng trong năm 2013, ai bi quan cho rằng các yếu kém của công ty giờ mới lộ ra, nhưng cũng có cái nhìn tích cực hơn rằng MCG đã thay đổi, chấp nhận để lộ các vấn đề của mình, để từ đó tiến hành tái cấu trúc.

Còn một quan điểm mang tính thị trường khác là dù tốt hay xấu cũng phải rõ ràng, không “lờ đờ nước hến”, giả như có xấu quá sẽ phải tốt lên. Không rõ trong số những lập luận trên, lập luận nào phù hợp với ý định cũng như thực trạng của doanh nghiệp?

Trường hợp của HAP lại đặt ra câu hỏi khác: Phải chăng đã có sự kìm giữ theo hướng để dành những cái có lợi cho doanh nghiệp? HAP là một trong những CP niêm yết lâu năm nhất trên sàn chứng khoán và công ty này biết điều gì là tốt cho cổ đông, cho doanh nghiệp, cho cả thị trường. Mặc dù lỗ quý IV/2013, nhưng tính ra cả năm HAP vẫn lãi đến 23 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra 18 tỷ đồng.

Ở đây, HAP đã lãi khá tốt, vượt kế hoạch và nhiều khi có lãi thêm nữa chưa chắc đã tạo ra hiệu ứng. Trong chừng mực cho phép, việc doanh nghiệp có thể hạch toán theo hướng thận trọng hoặc lạc quan để đảm bảo lợi ích cho mình là điều có thể hiểu được. Giả sử một công ty nào đó chủ động hạch toán thận trọng, có lãi năm 2013 nhưng tạm gác sang năm 2014 cũng là điều dễ hiểu.

Bởi lẽ, dù tình hình có sáng sủa hơn, nhưng vẫn còn một số rủi ro, nên doanh nghiệp sau một giai đoạn khó khăn cũng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Về mặt thị trường, nhà đầu tư thích những CP thông tin ra theo hướng tích cực, nhưng cũng phải có chút biến động, bi kịch, khó khăn, có lãi, rồi lỗ nhẹ, rồi lãi lớn, khả quan… Có như vậy CP mới tạo được sóng, giá tăng tích cực, không chỉ công ty có lợi, mà cổ đông cũng có lợi.

Một tay lướt sóng kỳ cựu đã từng nhận định, CP thông tin minh bạch quá nhiều khi… ít sóng, phải mờ mờ ảo ảo mới thu hút nhà đầu tư. Câu chuyện giá CP, kết quả kinh doanh đến giờ cũng chỉ là giả thiết của dân chứng khoán nói với nhau, việc hạch toán BCTC sao cho có lợi nhất cũng tương tự, không dễ gì xác định được.

Thậm chí có lãnh đạo của doanh nghiệp niêm yết còn không biết phân biệt được lệnh ATO và lệnh ATC làm sao hiểu rõ được thị trường chứng khoán để chơi chiêu. Mỗi người mỗi cách suy nghĩ nhưng điều quan trọng nhất là diễn biến giá CP như thế nào, có đúng như kỳ vọng của người mua hay không.