Lệch pha dòng tiền vào chứng khoán

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Trong những phiên giao dịch đầu tháng 11, cùng với đà bứt phá của các chỉ số, dòng tiền cũng đang đổ mạnh vào thị trường nhưng lại thiếu sự lan tỏa khi chỉ tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã đẩy mức định giá các mã này cao hơn mặt bằng chung. Lo ngại rủi ro cho thị trường khi nhóm này bị chốt lời là hoàn toàn có cơ sở.

 Dòng tiền đang có sự lệch pha khi chỉ tập trung vào nhóm vốn hóa lớn. Nguồn: Internet.
Dòng tiền đang có sự lệch pha khi chỉ tập trung vào nhóm vốn hóa lớn. Nguồn: Internet.

Trong giai đoạn cuối tháng 10, giá trị khớp lệnh trên cả 3 sàn giao dịch chỉ dao động quanh mức dưới 3.000 tỷ đồng/ phiên, nhưng bước sang tháng 11 đã tăng vọt lên đáng kể với mức trung bình khoảng gần 4.000 tỷ đồng/phiên. Chỉ số Vn-Index cũng xuất sắc vượt qua ngưỡng 1.000 điểm.

Mặc dù điểm số và thanh khoản cùng tăng, nhưng không đồng nghĩa nhiều nhà đầu tư (NĐT) có lãi.

Tập trung vào bluechip

Quan sát thị trường những phiên bứt phá vừa qua cho thấy sự đột biến về thanh khoản chủ yếu tập trung tại các mã vốn hóa lớn và thiếu đi sự lan tỏa. Ngay cả khi thị trường tăng điểm thì số cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm áp đảo.

Chỉ tính riêng 10 mã cổ phiếu ROS (FLC Faros), FPT (Tập đoàn FPT), VNM (Vinamilk), MWG (Thế giới Di động), MBB (MB), CTG (VietinBank), HPG (Hòa Phát),VRE (Vincom Retail), PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận), VHM (Vinhomes) và VCB (Vietcombank) đã chiếm tới hơn 50% giá trị giao dịch toàn sàn. Đa phần trong số này đóng vai trò dẫn sóng cho thị trường bứt phá những phiên vừa qua.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã nâng đỡ chỉ số và hấp thụ trạng thái bán ròng của khối ngoại. Vận động giá tích cực từ nhóm cổ phiếu Vingroup và ngân hàng đã giúp Vn-Index vượt 1.000 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), cho biết thị trường từ đầu năm đến nay đã rất khó khăn để vượt ngưỡng 1.000 điểm, trong khi chỉ cần một mình VHM đã đủ sức kéo chỉ số vượt qua mốc 1.000 điểm dễ dàng trong phiên đầu tiên của tháng 11.

Cũng theo ông Khanh, tâm lý chung ban đầu còn khá nghi ngại nhưng sau khi chỉ số đã vượt qua 1.010 thì rõ ràng tâm lý “tham lam” lại trỗi dậy và NĐT đã mạnh dạn giải ngân hơn.

Các chuyên gia dự báo trong giai đoạn từ cuối tháng 10 đến 3 tuần đầu tháng 11, dòng tiền sẽ chỉ tập trung vào các mã vốn hóa lớn và nhóm nằm trong rổ chỉ số VN30, đặc biệt là nhóm Vingroup. Trong giai đoạn này, các cổ phiếu còn lại của thị trường có tăng nhưng với mức rất nhỏ.

Thực tế, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn luôn đóng vai trò dẫn dắt dòng tiền bởi vị thế doanh nghiệp (DN) cũng như kết quả kinh doanh ổn định. Sau khi mặt bằng định giá mới được thiết lập ổn định thì dòng tiền mới lan tỏa sang nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, thực tế đó lại dẫn đến một tình trạng là khi dòng tiền chảy lệch vào một số cổ phiếu đã đẩy mức định giá của những mã này lên cao so với mặt bằng chung, dẫn đến rủi ro thị trường điều chỉnh giảm khi nhóm cổ phiếu dẫn sóng bị chốt lời.

Tính đến phiên giao dịch ngày 8/11, cổ phiếu VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup đóng cửa ở mức giá 120.500 đồng/cp .

Với hơn 3,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, quy mô vốn hóa của Vingroup đã lên tới 404.188 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2016, quy mô vốn hóa đã tăng gần 4 lần, hiện đang là DN có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Hệ quả khó lường

Không chỉ có Vingroup mà loạt DN trong nhóm dẫn đầu cũng tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô vốn hóa như BIDV đã tăng 2,8 lần so với cuối năm 2016, Vietcombank tăng gấp 2 lần. Các DN như Masan, Vinamilk, VietinBank…, vốn hóa hầu hết đều tăng vài chục phần trăm.

Đáng chú ý, đà tăng về giá cổ phiếu của các DN vốn hóa lớn đang nhanh hơn đà tăng trưởng của kết quả kinh doanh. Điển hình như trường hợp của Vingroup: trong khi giá cổ phiếu tăng tới gần 4 lần so với năm 2016 thì lợi nhuận sau thuế năm 2018 so với năm 2016 mới tăng 77%.

Hiện, cổ phiếu VIC đang có chỉ số P/E gần 86,5 lần; VCB là 28,85 lần, VNM: 21,13 lần, BID: 19,58 lần…, trong khi mức bình quân các cổ phiếu trên sàn HoSE hiện chỉ đạt khoảng 16,8 lần.

Sự chênh lệch về mặt định giá giữa nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm vốn hóa nhỏ ngày càng rõ rệt, từ mức 30% vào 5 năm trước đã lên đến 75%.

Đặc biệt, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm vốn hóa lớn đã đem lại sự tăng giá mạnh mẽ cho nhóm cổ phiếu này nhưng không phải NĐT nào cũng có lãi. Sự phân hóa luôn luôn hiện hữu khi chỉ có một vài mã có sóng tăng dài, còn lại hầu hết là sóng ngắn, thậm chí có những mã vẫn đang ở vùng đáy ngắn hạn như CTD của Coteccons (giảm hơn 30% giá trị trong 3 tháng qua), hay cổ NVL của Novaland…

Thực tế, việc lựa chọn cổ phiếu hoàn toàn là quyết định của NĐT, dù là cá nhân hay tổ chức. Những cổ phiếu vốn hóa lớn đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận và thanh khoản dễ thu hút dòng tiền là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, việc lệch pha của dòng tiền chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.