Linh hoạt để giữ thế chủ động

Theo An Bình/nhandan.vn

Ðiều hành chính sách tiền tệ đang chịu áp lực lớn từ những biến động phức tạp của kinh tế thế giới và sức ép lạm phát gia tăng trong nước. Lúc này đòi hỏi những động thái quản lý linh hoạt để kiểm soát lạm phát.

Ðến thời điểm này, không ít NHTM đã dùng hết room tín dụng được giao. Ảnh: Khánh An
Ðến thời điểm này, không ít NHTM đã dùng hết room tín dụng được giao. Ảnh: Khánh An

Thận trọng với lãi suất, tăng trưởng tín dụng

Ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng đã chủ trương ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%... So sánh mục tiêu trên và diễn biến thực tế, có thể thấy, chính sách tiền tệ (CSTT) đang đi đúng hướng.

Tuy nhẹ gánh với nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng việc CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%; CPI tháng 9/2018 tăng 3,20% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ 2017… đang đặt ra thách thức lớn cho điều hành CSTT những tháng cuối năm và sang cả năm 2019.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhanh tay siết lại tín dụng về cả số lượng (không điều chỉnh room tín dụng cho NHTM) và chất lượng (yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, các dự án BOT). Ðến thời điểm này, không ít NHTM đã dùng hết room tín dụng được giao. Những NHTM lớn lại là những đơn vị còn chỉ tiêu, mà với các NH này, dù tín dụng chỉ tăng vài % đã bằng mức tăng cả năm của một NHTMCP nhỏ. Tuy nhiên, với vai trò là công cụ thực thi điều hành CSTT, các NHTM nhà nước sẽ chấp hành nghiêm chỉ đạo của NHNN.

Cung tín dụng chậm lại, nhưng lãi suất huy động gần đây tăng nhanh, nhất là ở chính các NHTM nhà nước. Hiện nhìn chung lãi suất tiết kiệm của các NHTM kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 4,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng đã chạm trần theo quy định của NHNN là 5,5%/năm. Có NH đang áp dụng “đường thẳng” lãi suất cho các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

Chính nguy cơ lạm phát tăng khiến TCTD gia tăng huy động vốn. Thêm nữa, các TCTD phải thực hiện lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (trước mắt từ tháng 1/2019, sẽ giảm từ 45% xuống 40%). Lãi suất huy động tăng, sau một thời gian sẽ khiến lãi suất cho vay tăng. Ðó là dấu hiệu rõ nhất của CSTT thắt chặt nhằm ghìm cương ngựa lạm phát.

Nếu lãi suất thiết lập mặt bằng mới, cao hơn, sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế năm sau. Do đó, ngoài sử dụng công cụ lãi suất, NHNN sẽ sử dụng hiệu quả hơn công cụ nghiệp vụ thị trường mở nhằm giảm áp lực lên lãi suất. Năm nay tín dụng có thể sẽ không tăng đến 17%, cũng là bước “tập dượt” cho xu hướng giảm dần tín dụng để tăng trưởng kinh tế bền vững hơn và giảm mối lo lạm phát tăng trong những năm tới.

Linh hoạt với tỷ giá, cương quyết với nợ xấu

Nếu ngựa bất kham lạm phát là “thù trong”, thì biến động tỷ giá chính là “giặc ngoài”. Với chính sách điều hành qua tỷ giá trung tâm, NHNN rất linh hoạt trong điều tiết thị trường thông qua tăng, giảm tỷ giá trung tâm cũng như tỷ giá niêm yết mua - bán tại Sở Giao dịch (NHNN). Song trước quá nhiều tác động bất lợi, tỷ giá vẫn đang đe dọa tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ngày 16/10, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.717 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các NHTM áp dụng là 23.399 đồng/USD và sàn là 22.032 đồng/USD. Các NHTM niêm yết quanh mức 23.300 đồng/USD, bán ra 23.387 đồng/USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 3%.

Ngân hàng Standard Chartered vừa nâng dự báo tỷ giá USD/VND lên 23.400 đồng/USD vào cuối năm 2018. Dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như việc Fed thực hiện lộ trình tăng lãi suất sẽ khiến NHT.Ư các nước chuyển động theo, tác động trực tiếp và gián tiếp đến tỷ giá VND/USD. Ðó là điều không tránh khỏi.

Gần đây, việc giá dầu quốc tế tăng (dầu Brent đã tăng khoảng 28%) cũng tạo thêm áp lực cho tỷ giá. Chưa kể, với kỳ vọng lạm phát tăng, cầu ngoại tệ trong nước tăng, gây thêm áp lực cho tỷ giá. Chính vì thế, việc duy trì lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0%/năm, khiến gửi tiết kiệm VND là kênh đầu tư ngày càng hấp dẫn của cơ quan điều hành cũng là giải pháp giảm áp lực lên tỷ giá. Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đã và đang trong tâm thế xây dựng nhiều kịch bản để kịp thời ứng phó với diễn biến thực tế.

Bận rộn với lãi suất, tỷ giá nhưng cũng không thể xao nhãng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Nếu vốn còn bị giam nhiều ở nợ xấu thì không chỉ khách hàng khó khăn mà chính NHTM cũng bị tăng chi phí do phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí phải nuôi nợ xấu với mong muốn thu hồi được nợ. Chi phí hoạt động tăng, NHTM rất khó giữ nguyên chứ đừng nói giảm lãi suất cho vay.

Một năm trở lại đây, rất nhiều NHTM đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Ðiều này phần nào cho thấy, mong muốn xử lý nhanh nợ xấu qua công ty này đã không thành hiện thực. Mua bán nợ xấu theo thị giá - giải pháp được cho sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu đã được VAMC triển khai, nhưng không nhiều bởi hạn chế về tiềm lực tài chính.

Hiện các TCTD đã đăng ký bán nợ thị trường cho VAMC với tổng số nợ dự kiến bán khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ hiện có của VAMC là 2.000 tỷ đồng. Do đó, VAMC đang chờ được cấp bổ sung đủ vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020.

Năm tài chính 2018 sắp kết thúc, việc giữ các chỉ số trong kế hoạch, mục tiêu đề ra cho 2018 là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, độ trễ chính sách thường từ 6 đến 9 tháng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay thì việc hy sinh những mục tiêu nhỏ để có được sự ổn định vĩ mô là cần thiết. Vì thế, điều hành CSTT cần được tiếp tục thận trọng, linh hoạt để giữ thế chủ động, tránh những trả giá chỉ vì cố giữ những con số đẹp.