Linh hoạt thu hút vốn ngoại

Theo Đỗ Linh/saigondautu.com.vn

Sau một thời gian trầm lặng, nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đổ vào các NHTM tại Việt Nam đã sôi động trở lại, khi các NH tiến hành bán vốn theo lô nhỏ hay thu hút vốn ngắn hạn từ các NĐT tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Dù vậy, nhiều NH vẫn đang nỗ lực tìm kiếm NĐT chiến lược hợp tác và đồng hành lâu dài để có sự hỗ trợ tốt nhất cho NH về mọi mặt.
Nhiều thương vụ thành công
Ngày 7/12, TPBank và Quỹ đầu tư PYN Fund Management đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần. Theo đó, PYN Elite Fund sở hữu 4,99% vốn sau phát hành của TPBank với giá trị gần 40 triệu USD. PYN Elite Fund hiện là quỹ đầu tư nước ngoài lớn thứ ba trên thị trường Việt Nam, với tổng giá trị danh mục đầu tư đạt 417 triệu EUR. Quỹ Phần Lan này chính thức  đầu tư  vào Việt Nam từ năm 2013 và hiện đã khá quen thuộc trên thị trường với việc sở hữu cổ phần của nhiều doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, giao dịch chuyển nhượng tại TPBank là lần đầu PYN Elite Fund đầu tư vào một NH Việt Nam, và cũng là khoản đầu tư mới lớn nhất mà quỹ từng thực hiện tại Việt Nam.
 Tại VPBank, trong thời điểm tiến hành niêm yết trên sàn, NH này đã gây ấn tượng trên thị trường khi có gần 50 NĐTNN đặt mua tới gấp bốn lần lượng chào bán, thu về 250 triệu USD. Tháng 8-2017, NĐTNN sở hữu đã tới 22,34% cổ phần VPBank trong khi trước đó VPBank không có cổ đông ngoại nào kể từ khi Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) rút vốn vào cuối năm 2013. 
Tháng 11-2017, HDBank cho biết về kế hoạch bán 20% cổ phần trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) cho các NĐTNN trước khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào đầu năm 2018, với kỳ vọng thu về 300 triệu USD và tỷ lệ bán cho mỗi NĐT dưới 5%. Theo đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Hoa Kỳ) đã nhận định, đây sẽ là vụ IPO lớn thứ hai trong ngành NH tại Việt Nam, sau vụ IPO của Vietcombank trị giá 463 triệu USD năm 2007 và nếu thành công sẽ khuyến khích các NH khác nối bước. 
Ngày 22-12 vừa qua, HDBank đã trao giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho những NĐT đại diện cho hơn 76 NĐTNN.
Theo đó, các quỹ đầu tư và NHNN bao gồm các định chế tài chính lớn nhất đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như Credit Saison (Nhật), Deutsche Bank AG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), RWC Frontier Markets Opportunity Master Fund (Anh), Macquarie Bank (Australia), Charlemagne (Anh), Dragon Capital (Anh), Vina Capital… đã chi 300 triệu USD, tức hơn 6.800 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,5% vốn của HDBank. Mỗi NĐT đợt này chỉ được sở hữu không quá 3%.

Có sự thay đổi xu hướng
Giữa năm 2016, lãnh đạo NH Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, giải pháp xử lý nợ xấu là ADB sẽ mua cổ phần của các NH để bơm thêm tiền vào NH có nợ xấu. Đến cuối năm 2016, tiếp tục có thông tin ADB cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một NHTM yếu kém bị mua lại với giá 0 đồng của Việt Nam, có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các NHTM yếu kém.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào liên quan đến vấn đề này. Cũng trong năm 2016, thương vụ chào bán 7,7% vốn với đối tác GIC (Singapore) của Vietcombank đã thu hút sự quan tâm rất lớn của thị trường. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông năm 2017, lãnh đạo Vietcombank đã cho biết, giá của đối tác đưa ra chưa đáp ứng được nên thương vụ này chưa thành công. Hay một NHTMCP cũng đã được NHNN chấp thuận được bán trên 50% vốn cho đối tác ngoại, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đối tác.
Ngược lại, những giao dịch thành công gần đây không có đối tác chiến lược sở hữu cổ phần tỷ lệ lớn, mà chỉ xuất hiện các NĐT tài chính trên thị trường chứng khoán hoặc NĐTNN mua cổ phần theo lô nhỏ 3-5%. Điều này cho thấy các NH thay đổi về tư duy và phương thức đã suôn sẻ hơn việc tìm kiếm vốn ngoại.
Trong khi đó, xu hướng đầu tư của các NĐTNN vào NH Việt Nam cũng đang có sự thay đổi. Theo ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư PYN Elite Fund, sau khủng hoảng năm 2007, nền kinh tế dần đi xuống trong 5 năm sau đó và chạm đáy trong 2012-2013. Vì vậy đây là lúc nền kinh tế đi lên và thời kỳ này sẽ kéo dài bởi không thấy dấu hiệu thị trường bị quá nóng.
NHNN cũng đang kiểm soát tốt tình hình lạm phát. Triển vọng của ngành NH và kinh tế vĩ mô luôn gắn liền với nhau. PYN Elite Fund giữ cái nhìn rất lạc quan về tình hình vĩ mô của Việt Nam trong 5-10 năm tới, nên đầu tư vào ngành NH sẽ rất thú vị. Trong đó, các NH cỡ vừa đang dành nhiều nỗ lực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các dịch vụ mới và hướng vào khách hàng. Nhóm các NH trên sẽ kinh doanh trội hơn bình quân ngành và họ là những địa chỉ tiềm năng để đầu tư.

Nhưng vẫn cần đối tác chiến lược lớn
Dù vậy, tìm kiếm có NĐT chiến lược nước ngoài lớn vẫn là một mục tiêu nhiều NH hướng tới. Nhưng lần này các NH đã thể hiện sự chủ động đón đầu cơ hội hơn thay vì bị động như trước đây. Chẳng hạn hồi tháng 10, Techcombank đã chính thức khóa tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại ở mức 0% sau khi HSBC rút khỏi NH với lý do nhằm đảm bảo tính chủ động, hiệu quả trong việc lựa chọn và tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài có năng lực mang lại giá trị tối ưu cho NH và cổ đông.
Cổ đông NH cũng chấp thuận ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN theo từng thời kỳ, nhưng không vượt quá 30% vốn điều lệ theo quy định của nhà nước. 
LienVietPostBank trước khi lên sàn cũng khóa tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của NĐTNN tại mức 5% vốn để có thể chọn được một cổ đông nước ngoài thật lớn. Hội đồng quản trị OCB cũng đã thống nhất thông qua tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN tại OCB là 23,66% vốn điều lệ. Với quyết định khóa của các NH, gần như NĐTNN không có cơ hội tại một số NH hoặc còn rất ít và NH có thể để dành cổ phần để chào bán cho NĐT chiến lược hoặc NĐT tài chính tiềm năng.
Song song đó, các NHTM có vốn nhà nước cũng đang tìm kiếm đối tác ngoại để bán vốn với lô lớn để kéo giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước và đáp ứng nhu cầu tăng vốn đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo Basel II.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, sau khi nợ xấu đã có hướng giải quyết thông qua Nghị quyết 42 tình hình kinh doanh của các NH ngày càng khả quan hơn, cổ phiếu của ngành NH đã có sức hấp dẫn trở lại. Do đó, sự quan tâm của NĐTNN đối với ngành NH cũng tăng lên. Đó là lý do nhiều NH tự tin hơn trong việc xây dựng chiến lược hút vốn ngoại. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn tìm kiếm đối tác chiến lược đầu tư dài hạn như trước đây sẽ khó khăn, vì tỷ lệ sở hữu của khối ngoại chỉ ở mức 30%. Mặc dù đã có nhiều kiến nghị nới room khối ngoại tại NH nhưng NHNN cũng đã cho biết đây không phải là chuyện đơn giản. 
Ngược lại, các NHTM có vốn nhà nước thu hút sự quan tâm của rất nhiều NĐTNN, nhưng theo định hướng của Chính phủ và bộ ngành, việc giảm vốn, thoái vốn phải thỏa mãn các điều kiện, trong đó có giá chào bán không thấp hơn thị giá và định giá dẫn đến mức chào giá không khả thi nên NĐTNN chưa hợp tác được. Trong bối cảnh như vậy, việc tìm kiếm đối tác mua lô nhỏ hoặc tìm các NĐT tài chính là một giải pháp linh hoạt của các NH, giúp giải quyết nhanh nhu cầu vốn đang rất bức thiết để tiến tới một NH an toàn, bền vững theo chuẩn mực mới.