Linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ

Theo daibieunhandan.vn

Kinh tế năm 2017 đang trên đà phát triển ổn định và sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường kinh doanh thuận lợi khuyến khích sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng phù hợp...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nhiều yếu tố lạc quan

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường, đầu tư, giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân, được coi là sẽ thành động lực chính trong năm 2017.

Chính vì vậy kinh tế năm 2017 có thể đạt khả năng tăng trưởng 6,7%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự đoán tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,3%. Còn theo quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) con số này là 6,2%.

Chia sẻ về khả năng tăng trưởng này, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường cho rằng, Chính phủ với quyết tâm cải cách thể chế kinh tế, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính và kiến tạo đang tạo được niềm tin và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng hiệu quả vốn đầu tư, cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh, tiếp tục chiếm lĩnh và làm chủ thị trường trong nước; sức tiêu thụ ổn định, người dân đã quan tâm và hướng đến sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước nhiều hơn.

Đây là cơ sở thúc đẩy hoạt động sản xuất phát triển; khai thác thế mạnh đưa du lịch thành ngành mũi nhọn. Bên cạnh đấy, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng với nhiều mặt hàng, sản phẩm mới có tiềm năng, tạo cán cân thương mại thặng dư, tăng dự trữ ngoại hối ở mức cao. Kim ngạch xuất khẩu không còn phụ thuộc quá nhiều vào sản phẩm chiến lược là dầu thô, gạo như trước đây mà chuyển sang các mặt hàng nông - thủy sản... mang đặc trưng thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới.

Kiên định mục tiêu

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, năm 2017 Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng trong đó có Mỹ đang khuyến khích kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp quay trở về đầu tư trong nước. Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chiếm phần quan trọng.

Do độ mở của nền kinh tế rất lớn nên cũng dễ chịu tác động của thị trường thế giới. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thị trường thế giới đang chịu biến động lớn từ nền kinh tế Mỹ. Tuyên bố hạn chế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ của Tổng thống D.Trump sẽ khiến nhiều quốc gia tìm cách giảm giá đồng nội tệ nhằm giảm giá hàng xuất khẩu để tăng tính cạnh tranh. Khi đó, nếu đồng tiền Việt Nam vẫn giữ giá thì nguy cơ hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để tiếp tục ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải dựa vào nội lực. Chính phủ cần tiếp tục kiên định chiến lược tăng trưởng dựa vào phát huy, khai thác năng lực nội tại; nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế; không chạy theo mục tiêu tốc độ và quy mô tăng trưởng…

Theo Ông Hoàng Văn Cường, muốn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định; đẩy mạnh giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp; tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn tín dụng đổ vào các thương vụ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước kéo theo tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi nợ xấu hiện tại chưa xử lý dứt điểm có thể tiếp tục đẩy nợ xấu tăng lên.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần gỡ dần tình thế khó khăn trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo đó, tăng trưởng kinh tế khả quan và kiểm soát lạm phát ở mức độ hợp lý còn phụ thuộc vào kết quả từ việc giảm lãi suất và giữ mặt bằng lãi suất ở mức ổn định.

Khi đó, để hấp dẫn người mua, lãi suất trái phiếu phải đủ cao, để từ đó đẩy mặt bằng lãi suất lên. Doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cao thì nguy cơ nợ xấu là khó tránh khỏi. Đây là vòng xoáy nợ công cao dẫn đến lãi suất cao và nợ xấu tăng - ông Hiếu nhấn mạnh.