Lo cho thanh khoản ngoại tệ

Ngân Giang

(Tài chính) Trong 6 tháng đầu năm 2014, khi tín dụng còn đang tăng trưởng thấp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ. Số liệu cho thấy, đến cuối tháng 5/2014, ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng tín dụng chung đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,51%.

Lo cho thanh khoản ngoại tệ
NHNN đã cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ. Nguồn: internet

“Nếu không có sự linh hoạt này, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 5/2014 khó có thể tăng được 1,51% và việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng chung, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”. bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giải pháp này của NHNN đang được giới chuyên gia lo ngại bởi sự tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động bằng ngoại tệ. Mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã đưa ra khuyến nghị về việc thanh khoản ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định. “Trong khi tính đến tháng 5 tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 5,5%, cho vay ngoại tệ đã tăng 7% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ mức 84,3% hồi cuối năm ngoái lên đến 95,5% trong tháng 5 vừa qua. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3% lên khoảng 0,4%/năm”, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia phân tích.

Vậy nhưng, từ góc nhìn của cơ quan quản lý, NHNN cho rằng điều này không đáng quan ngại và  vẫn nằm trong các giải pháp điều hành linh hoạt của NHNN. “Dù cho phép các nhà băng mở rộng tín dụng ngoại tệ, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì chỉ tăng có 1,34%”, bà Hồng phân tích.

Còn nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước khác và nguồn vốn nước ngoài (các khoản vay nước ngoài, các khoản tiền gửi của ngân hàng nước ngoài tại ngân hàng trong nước, các khoản cấp tín dụng của ngân hàng mẹ ở nước ngoài cho chi nhánh ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, các khoản ủy thác bằng ngoại tệ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức khác để các ngân hàng cho vay ngoại tệ trong nước) thì hệ số sử dụng vốn này thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng từ 50 - 60%.

“Việc linh hoạt chấp thuận cho các ngân hàng cấp tín dụng ngoại tệ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ (doanh nghiệp (DN) vay để thanh toán các chi phí trong nước thực hiện các phương án sản xuất hàng xuất khẩu, nên khi xuất khẩu sẽ có nguồn thu ngoại tệ; doanh nghiệp vay để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhưng DN có đủ nguồn thu bằng ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay)”, bà Hồng cho biết.

Lãnh đạo nhiều NHTM cũng cho biết hiện DN thích vay ngoại tệ hơn tiền đồng, do tỉ giá và thị trường ngoại hối ổn định, được kiểm soát tốt thời gian qua giúp thị trường yên tâm, DN có định hướng. Lãi suất vay USD hiện chỉ khoảng 3%-5%/năm, thấp hơn nhiều so với vay bằng tiền đồng 7%-10%/năm nên DN cũng mạnh dạn vay để giảm bớt chi phí tài chính.

Quan trọng là các ngân hàng thương mại phải tập trung cho vay USD đúng đối tượng. Theo đó, khi các DN có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay sẽ không tạo áp lực tới việc các ngân hàng phải bán ngoại tệ để trả nợ vay. Đối với trường hợp DN có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Khi cho vay, bản thân các ngân hàng đã chủ động cân đối được nguồn ngoại tệ cho vay cũng như nguồn ngoại tệ bán cho DN để trả nợ vay (nguồn vốn cân đối chủ yếu từ nguồn vốn ở nước ngoài, từ ngân hàng mẹ ở nước ngoài hoặc từ các nguồn vốn ủy thác bằng ngoại tệ của các tổ chức tài chính quốc tế hoặc chính phủ).

Bà Hồng cho biết thêm để kiểm soát tín dụng ngoại tệ, bên cạnh việc yêu cầu DN vay phải có nguồn thu ngoại tệ đáp ứng nhu cầu trả nợ, NHNN chỉ cho phép 4 nhóm đối tượng trong Thông tư 29 (tháng 12-2013) được vay USD. Cụ thể, DN vay ngắn, trung và dài hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi có nguồn thu từ ngoại tệ; vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; vay ngắn hạn để nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức; vay ngắn hạn đáp ứng nhu cầu vốn trong nước nhằm sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu qua biên giới…

Đại diện NHNN cho biết thêm, thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tín dụng, đặc biệt là tín dụng VND để có những điều chỉnh phù hợp. Mặc dù linh hoạt trong ngắn hạn khi điều hành tín dụng ngoại tệ, nhưng NHNN vẫn kiên định với mục tiêu chống đô la hóa trong nền kinh tế, tiếp tục thực hiện các biện pháp, công cụ điều hành để đạt được mục tiêu nêu trên.