Lo điểm mua bán vàng

Theo Người Lao động

Một số tiệm vàng nói có thể mua bán chui, nhiều ngân hàng tỏ ra thận trọng trong việc phát triển mạng lưới điểm mua bán vàng

Lo điểm mua bán vàng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước thời điểm 10/1, mạng lưới kinh doanh vàng miếng cũ bị siết lại và thay bằng các điểm giao dịch vàng của ngân hàng, doanh nghiệp (DN) được phép, hoạt động mua bán vàng trên thị trường đã bớt nhộn nhịp. Sau thời điểm này, mua bán vàng tại các tiệm vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng sẽ bị phạt nặng theo Nghị định 95 của Chính phủ.

Chuẩn bị… bán ngầm

Sáng  8/1, tại tiệm vàng N. trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2-TP. Hồ Chí Minh không niêm yết bảng giá vàng SJC như trước nhưng khi khách hỏi, chủ tiệm vẫn báo giá mua bán như mọi ngày. Khi có người lo ngại việc ngân hàng Nhà nước siết lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng sau ngày 10/1, sợ không biết bán vàng ở đâu, chủ tiệm vàng đáp ngay: “Không cho mua bán thì còn… “chợ đen”, không lẽ khách hàng không tìm được tiệm vàng quen nào để bán”.

Tại tiệm vàng H. trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, bảng báo giá vàng SJC vẫn được cập nhật liên tục. Nói về thời điểm sau ngày 10/1, chủ tiệm vàng cho biết vẫn mua bán bình thường bởi đến giờ chưa thấy thông báo gì cụ thể về việc cấm, hạn chế giao dịch…

Dạo một vòng quanh các trung tâm mua bán vàng ở quận 1, chúng tôi nhận thấy nhiều tiệm vàng không còn trưng bày vàng miếng lên kệ như trước, chỉ có khách hỏi mới đem ra. Chủ một tiệm vàng tại trung tâm vàng bạc đá quý ngay gần chợ Bến Thành, quận 1 cho hay: Việc siết kinh doanh vàng miếng của ngân hàng Nhà nước khiến tiệm vàng không dám trưng vàng nhưng không có nghĩa ngừng mua bán. “Nếu khách hàng quen vẫn mua được. Có điều, giờ tiệm vàng phải cẩn thận với vàng SJC bao bì cũ, rồi vàng nhái, giả nên kinh doanh khó khăn hơn” – chủ tiệm này cho biết.

Chị Phương Lan, nhà ở quận Gò Vấp – TP. Hồ Chí Minh, cho rằng thói quen mua vàng để dành đã có từ lâu, giờ hạn chế mua bán thì hơi bất tiện. “Người dân ở tỉnh khó kiếm điểm giao dịch của ngân hàng, DN được phép, sẽ vẫn mua vàng ở tiệm vàng quen biết vì mua vàng chủ yếu dựa trên uy tín. Có thể người mua sẽ cẩn thận hơn với chất lượng vàng miếng và đòi hóa đơn, còn khó mà từ bỏ vàng khi các công cụ đầu tư, tích trữ tiền đồng chưa hiệu quả” – chị Lan bày tỏ.

Trở ngại từ ngân hàng, DN được phép

Trong khi các tiệm vàng sẵn sàng lui vào kinh doanh ngầm thì mạng lưới các điểm giao dịch của ngân hàng, DN được phép lại có nhiều lo lắng.

Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP. Hồ Chí Minh cho biết đang tích cực triển khai hoạt động mua bán vàng đến các phòng giao dịch, chi nhánh. Nhưng trước mắt chỉ dám thí điểm tại hội sở hoặc một số chi nhánh chính ở thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… “Riêng các chi nhánh ở xa như Sóc Trăng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… chưa thể triển khai sớm vì quan trọng là đội ngũ thẩm định, kinh doanh vàng phải được đầu tư bài bản” – vị này phân trần.

Lãnh đạo một DN vàng tại Hà Nội cũng cho biết công ty đang triển khai các điểm giao dịch theo giấy phép nhưng chỉ đầu tư ở thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh… Nhận xét về mạng lưới kinh doanh vàng của các ngân hàng, DN, vị này cho rằng không phải đơn vị nào xin giấy phép xong cũng thực hiện việc mua bán vàng “trôi chảy”, nhất là các ngân hàng chưa từng kinh doanh vàng trước đây.

Ban đầu sẽ chỉ những ngân hàng thương mại từng huy động, cho vay vàng mới có nguồn vàng tồn kho để kinh doanh. Với ngân hàng chưa từng kinh doanh vàng, bài toán về đội ngũ nhân lực, nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro khi giá vàng biến động, nguồn cung vàng… sẽ là vấn đề lớn…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết trong số gần 2.500 điểm giao dịch vàng được phép, TP. Hồ Chí Minh có hơn 900 điểm. Hiện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành kiểm tra các điều kiện về cửa hàng, máy móc kiểm định, niêm yết giá bán… của điểm giao dịch nhằm bảo đảm  sau ngày 10/1, mạng lưới hoạt động tốt.

Sắp tới, sẽ có thêm 4 ngân hàng thương mại và một số DN được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Riêng 7 tỉnh vùng núi phía Bắc chưa có điểm mua bán vàng, ngân hàng Nhà nước đã giao cho ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương (VietinBank) triển khai điểm giao dịch.