Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính đã làm rất nhiều công việc để hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu, trong đó nòng cốt là phát triển thị trường trái phiếu chính phủ. Năm 2011, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 5/1/2011 về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương và Nghị định số 90/2011/ NĐ-CP ngày 14/10/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ cho việc phát hành trái phiếu.

Trong năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành toàn bộ các thông tư hướng dẫn Nghị định 01/2011/ NĐ-CP và Nghị định số 90/2011/NĐ-CP để hoàn chỉnh khung pháp lý cho việc phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, tín phiếu kho bạc và trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể là: Thông tư số 17/2012/TT-BTC ngày 8/2/2012 về phát hành trái phiếu chính phủ tại thị trường trong nước; Thông tư số 34/2012/TT-BTC ngày 1/3/2012 về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Thông tư số 81/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012 về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; Thông tư liên tịch số 106/TTLT/BTC-NHNN ngày 28/6/2012 về phát hành tín phiếu kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN); Thông tư số 211/2012/ TT-BTC ngày 5/12/2012 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ngày 1/2/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 261/QĐ-BTC phê duyệt: “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến 2020” với định hướng, mục tiêu và giải pháp cụ thể:

1. Định hướng phát triển thị trường

Thứ nhất, xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với sự phát triển của các hợp phần khác của thị trường tài chính gồm thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ - tín dụng ngân hàng;

Thứ hai, phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, đảm bảo an toàn hệ thống, và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế.

Thứ ba, ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Thứ tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

2. Mục tiêu cụ thể

Một là, tăng tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP từ 18% (năm 2011) lên khoảng 38% GDP (năm 2020); trong đó dư nợ trái phiếu chính phủ đạt khoảng 22% GDP và trái phiếu chính phủ bảo lãnh đạt khoảng 8% GDP, dư nợ trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 1%GDP; và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP.

Hai là, kéo dài kỳ hạn vay qua phát hành trái phiếu chính phủ trong nước giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng từ 4 - 6 năm và giai đoạn 2016 - 2020 lên khoảng từ 6 - 8 năm.

Ba là, tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ nắm giữ từ mức 12% (năm 2011) lên mức 20% (năm 2020).

Bốn là, tăng khối lượng giao dịch trái phiếu giao ngay bình quân phiên từ mức khoảng 0,2% dư nợ trái phiếu niêm yết (năm 2011) lên mức khoảng 0,3 – 0,4% dư nợ trái phiếu niêm yết (năm 2020).

3. Giải pháp phát triển thị trường

Quyết định phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020, bao gồm: (i) Nhóm giải pháp về khuôn khổ pháp lý; (ii) Nhóm giải pháp về phát triển thị trường sơ cấp; (iii) Nhóm giải pháp về phát triển thị trường thứ cấp; (iv) Nhóm giải pháp về phát triển và đa dạng hoá hệ thống nhà đầu tư trái phiếu; (v) Nhóm giải pháp về phát triển các định chế trung gian và hạ tầng thị trường và (vi) Nhóm các giải pháp khác.

Các giải pháp được đề cập tại “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020” là tương đối toàn diện và mang tính đồng bộ. Các giải pháp này có ý nghĩa cấp thiết đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam.

Trong đó, về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gồm các giải pháp sau đây:

- Nghiên cứu trình Chính phủ:

+ Cơ chế, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước (khung thời gian năm 2013).

+ Cơ chế, chính sách về hình thành và phát triển quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (khung thời gian từ năm 2013-2015).

+ Cơ chế, chính sách về quản lý ngân quỹ để gắn quản lý ngân quỹ với quản lý nợ và phát triển thị trường trái phiếu chính phủ (khung thời gian từ năm 2013-2014).

- Nghiên cứu trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung:

+ Cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương theo hướng thống nhất địa điểm đấu thầu trái phiếu chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, thiết lập cơ chế nhà tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trái phiếu chính phủ và cơ chế thanh toán trái phiếu qua Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo sự thống nhất của thị trường (2015-2016).

+ Cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng rà soát lại điều kiện phát hành trái phiếu trên cơ sở xem xét việc quy định bắt buộc có hệ số tín nhiệm đối với các đợt phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước sau khi cơ chế về xếp hạng tín nhiệm được ban hành (năm 2015-2016).

+ Cơ chế chính sách về: thẩm quyền của Bộ Tài chính trong việc quản lý rủi ro danh mục trái phiếu chính phủ; hạn mức và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; hạch toán và trích lập dự phòng giảm giá công cụ tài chính theo giá thị trường; cơ chế mua lại, cho vay trái phiếu chính phủ; các sản phẩm phái sinh trái phiếu; và cho phép sử dụng trái phiếu chính phủ làm công cụ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại.

- Cơ chế, chính sách khác:

+ Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và phát hành tín phiếu kho bạc nhằm đảm bảo sự phát triển thống nhất của thị trường và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ (năm 2013-2020).

+ Rà soát, đánh giá về các khung khổ luật pháp có liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu để sửa đổi bổ sung, bao gồm: chính sách giao dịch kỳ hạn trái phiếu, chính sách thuế và phí giao dịch (năm 2013-2016).

+ Nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn về phát hành trái phiếu chính phủ theo lãi suất thả nổi, theo chỉ số, và các sản phẩm trái phiếu phái sinh khi điều kiện cho phép (năm 2015-2016).

+ Nghiên cứu cơ chế giao dịch trái phiếu chính phủ ngay sau phiên đấu thầu/bảo lãnh nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu sau khi có khuôn khổ pháp lý và hệ thống công nghệ thông tin, cơ chế thanh toán đáp ứng đủ điều kiện cho phép thực hiện nghiệp vụ này (năm 2013-2014).

+ Xây dựng cơ chế pháp lý để Bảo hiểm tiền gửi mua trái phiếu chính phủ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (năm 2013-2015).

4. Một số điểm mới đáng lưu ý

Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 vừa được phê duyệt có những nội dung đáng chú ý sau:

Một là, định hướng, mục tiêu về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam được đưa ra rất cụ thể, tạo thông điệp rõ ràng cho cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường trái phiếu cùng biết và phấn đấu đạt được các mục tiêu đó.

Hai là, các giải pháp được đề cập tại “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020” tương đối toàn diện và mang tính đồng bộ: từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tới phát triển thị trường sơ cấp, phát triển thị trường thứ cấp, phát triển và đa dạng hoá hệ thống nhà đầu tư, phát triển các định chế trung gian và hạ tầng thị trường. Theo chúng tôi, các giải pháp mà Lộ trình đề xuất đều tập trung vào các nhân tố cốt lõi của thị trường trái phiếu, vì vậy việc đề xuất các giải pháp tại Lộ trình mang tính thiết thực và có ý nghĩa cấp thiết đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam. Theo đó, bên cạnh thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được quan tâm một cách thích đáng do hiện nay ở Việt Nam thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn kém phát triển.

Ba là, hệ thống các giải pháp được đề cập một cách chi tiết và có khung thời gian triển khai thực hiện cụ thể, trong đó nêu rõ đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp nên có thể coi Lộ trình là kế hoạch hành động của cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách cho việc phát triển thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, các giải pháp còn phân chia trong ngắn hạn và dài hạn, tạo tính liên tục trong triển khai thực hiện.

Bốn là, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan đến việc phát triển thị trường trái phiếu được quy định cụ thể, rõ ràng tại Lộ trình, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Lộ trình.

Năm 2013 là năm đầy thử thách đối với thị trường tài chính nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng do kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tài chính ban hành: “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020” đã nhận được sự quan tâm rất tích cực của tất cả các thành viên tham gia thị trường trái phiếu cũng như các tổ chức tham gia huy động vốn trên thị trường. Có thể nói đây là nỗ lực đáng khích lệ của cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam theo hướng hiện đại, đồng bộ và hiệu quả nhằm từng bước đưa thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển ngang tầm các nước trong khu vực.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2013


Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam: Những nội dung đáng quan tâm

ThS. Nguyễn Trường Thọ

(Tài chính) Sau một thời gian xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, các tổ chức phát hành và chuyên gia trên thị trường tài chính, ngày 1/2/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định 261/QĐ-BTC phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020”. Đây là động lực và là hành lang quan trọng với định hướng, mục tiêu và giải pháp cụ thể nhằm phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020.

Xem thêm

Video nổi bật