Lợi - hại phát hành riêng lẻ

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) công bố kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, đối tác chiến lược là đối tác tài chính và khi có sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT) tài chính, không hẳn lúc nào DN cũng được hưởng lợi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sức bật tài chính, lợi ích thương hiệu

Sau thông tin phát hành thành công hơn 20,312 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược với mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu vừa qua, CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) gây ấn tượng mạnh với công chúng đầu tư, vì với đợt phát hành này, PAN đã chào bán cổ phiếu với mức giá cao hơn nhiều giá trị sổ sách và tỷ lệ chiết khấu thị giá trung bình tại thời điểm phát hành không quá lớn.

Điều quan trọng nữa, bên cạnh các cổ đông hiện hữu, PAN còn thu hút thêm 2 NĐT tổ chức là GIC Private Limited nắm 4,71% vốn điều lệ sau phát hành và The Asian Entrepreneur Legacy (TAEL) Partners, nắm 20% vốn điều lệ sau phát hành. Đây đều là những NĐT có “tên tuổi”.

Phát hành thành công lần này, PAN không chỉ thu ròng về lượng tiền gần 650 tỷ đồng, mà còn ghi nhận được hiệu ứng thông tin tốt trên thị trường, khi gia tăng niềm tin của công chúng đầu tư với tương lai hoạt động của Công ty.

Tương tự câu chuyện của PAN, nhiều DN khác cũng ghi nhận những hiệu ứng thông tin tích cực từ đối tác chiến lược, dù thương vụ chưa hoàn thành.

Tại CTCP Gỗ Trường Thành (TTF), áp lực nợ nần lớn là điều mà công chúng đầu tư lo ngại trong thời gian qua. Thế nhưng, từ chỗ nghi ngại phải đối mặt với nguy cơ phá sản, dòng tiền trên thị trường hiện nay dường như đang tập trung vào cổ phiếu TFF, sau khi TTF phát hành thành công tăng vốn điều lệ trong năm 2013 và tiếp tục kế hoạch tái cấu trúc nợ cũng như phát hành riêng lẻ trong năm 2014.

Với TTF, nhiều ý kiến cho rằng, bài toán lớn nhất trong ngắn hạn là giải quyết câu chuyện nợ, nên khi thông tin về hướng ra giải bài toán này đang hé mở, NĐT kỳ vọng mạnh vào sự hồi sinh và phát triển của Công ty.

… và cả những hiểm họa

Trên thực tế, mối quan hệ giữa NĐT chiến lược với DN không phả lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”. Đã có những DN mà sau một thời gian làm bạn, trở nên thù địch với chính đối tác chiến lược của mình.

Năm 2010, một DN niêm yết trên HNX từng “kêu trời” vì bị đối tác chiến lược quay ra… phá đám, sau khi lãnh đạo DN trót “tham”! Câu chuyện bắt nguồn từ việc, hơn 1 năm trước đó, DN này phát hành tăng vốn và thực hiện niêm yết cổ phiếu. Từ chỗ làm ăn nho nhỏ, nay huy động được một lượng vốn lớn, trong khi dự án chưa có nhu cầu sử dụng vốn ngay (do giải ngân theo tiến độ dự án), nên lòng tham nổi lên. Chủ tịch HĐQT DN khi đó ký luôn hợp đồng ủy thác vốn gần 30 tỷ đồng với lãi suất… 0% cho công ty tư nhân của vợ, để hưởng chênh lệch lãi suất.

Tất nhiên, chuyện này không qua mắt được đối tác chiến lược. Một màn gây sức ép, buộc phải hạch toán lợi nhuận lớn đã được cổ đông chiến lược thực hiện thành công. Cổ phiếu DN tăng giá vùn vụt, cổ đông chiến lược rút êm, lãi lớn kèm theo lời tuyên bố: sẽ “đạp” giá cổ phiếu về 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu cho đỡ tức.

Cuối cùng, chẳng cần đến vị đối tác chiến lược này “ra tay”, DN kể từ ngày đó cũng trở nên bê bết, vì sau khi thực hiện các yêu cầu của cổ đông lớn trên nhằm hạch toán lợi nhuận cao, DN rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” với dự án dở dang.

Một DN niêm yết khác trên HOSE cũng đang “căng thẳng” với đối tác chiến lược. Hơn 3 năm trước, khi trở thành đối tác chiến lược của nhau, ngoài phát hành cổ phiếu riêng lẻ, DN còn phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi với nhiều điều kiện và các quyền chọn khác nhau cho đối tác. Ngày kết thúc thương vụ, đối tác không thể hiện ý định sẽ thực hiện quyền nào trong số các phương án ký kết, mà im lặng “chờ thời” từ tháng này qua tháng khác. Khi thấy giá cổ phiếu của DN giảm mạnh, đối tác có ý định chuyển đổi trái phiếu với mức giá chuyển đổi có thể “ôm trọn” DN.

Tất nhiên, gây dựng được một DN lớn thì ông chủ lâu đời của DN đó cũng không dễ gì để đối tác thực hiện ý đồ thâu tóm. Vì thế, mối quan hệ từ chỗ đối tác chiến lược đã được chuyển sang hành động… thận trọng và phản đòn!