Lợi ích của việc bỏ trần lãi suất huy động

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Việc bỏ trần lãi suất để tự do hóa lãi suất huy động sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn hơn cho cả nền kinh tế.

Xóa trần lãi suất huy động có tác dụng ngăn cản dòng vốn đầu tư đổ vào những lĩnh vực và tài sản dễ gây ra các cơn sốt bong bóng. Nguồn: internet
Xóa trần lãi suất huy động có tác dụng ngăn cản dòng vốn đầu tư đổ vào những lĩnh vực và tài sản dễ gây ra các cơn sốt bong bóng. Nguồn: internet
Lợi ích thứ nhất, kích thích tiêu dùng. Với nhiều người, có lẽ đây là một nghịch lý. Trong bối cảnh tổng cầu vẫn còn tăng trưởng ở mức thấp hơn kỳ vọng, người ta hô hào phải hạ lãi suất (cả huy động và cho vay) thấp hơn nữa để kích thích cho vay tiêu dùng và đầu tư. Cách dễ nhất là áp trần lãi suất. Nhưng với trần lãi suất thì lãi suất thực mà người gửi tiền được hưởng thường rất thấp, đôi khi ở mức âm. Do người gửi tiết kiệm sẽ thu được lợi tức nhỏ hơn trong tương lai (thậm chí là bị lỗ vốn nếu lãi suất tiền gửi là thực âm) nên họ sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu tại thời điểm hiện tại để phòng xa cho một tương lai ảm đạm hơn với thu nhập không tăng mạnh hoặc thậm chí giảm đi. Như thế, bù qua sớt lại thì tổng cầu không nhất thiết sẽ tăng (mạnh như kỳ vọng), nên trần lãi suất thực tế có thể sẽ không phát huy tác dụng như người ta mong muốn.
 
Hơn nữa, áp đặt trần lãi suất huy động thấp một cách cố ý tuy có tác dụng kích thích tăng trưởng danh nghĩa trong ngắn hạn do nó khuyến khích người ta tiêu dùng và vay nợ đầu tư ngay bây giờ thay vì gửi tiết kiệm và tiêu dùng đầu tư trong tương lai, nhưng nó lại làm giảm tăng trưởng trong tương lai khi các khoản nợ đến hạn, buộc nền kinh tế phải cắt giảm tiêu dùng và đầu tư.
 
Lợi ích thứ hai từ việc bỏ trần lãi suất là giúp làm giảm đà tăng nợ công, cải thiện chất lượng chi tiêu công. Khi Chính phủ phải cạnh tranh với khu vực tư nhân trong việc huy động vốn cho các chi tiêu của mình với lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ càng cao nếu họ càng đẩy mạnh phát hành thì lúc đó gánh nặng nợ công càng dâng cao, Chính phủ càng chịu nhiều áp lực của dư luận đòi hỏi giảm nợ công, tăng hiệu quả chi tiêu công.

Thứ ba, xóa trần lãi suất sẽ giúp ích cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế ở Việt Nam. Với trần lãi suất huy động, các ngân hàng có xu hướng đổ dòng vốn giá rẻ vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà không cần phải bận tâm tìm ra những khách hàng ở các khu vực kinh tế phi nhà nước vốn mang lại lãi suất cho vay cao hơn nhưng cũng có rủi ro nhiều hơn là những DNNN được ngầm định bảo hộ bởi Chính phủ. Nếu trần lãi suất được xóa bỏ và, do đó, làm tăng chi phí vốn, các ngân hàng thương mại sẽ phải tích cực tìm kiếm các khách hàng tốt hơn thuộc khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài để đảm bảo khả năng sinh lãi cho vốn huy động. Quá trình này sẽ hỗ trợ cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế phi nhà nước (vốn đang cần được khuyến khích), và đặt các DNNN vào thế phải tự tái cấu trúc hoặc nâng hiệu quả kinh doanh nếu muốn tồn tại.
 
Bỏ trần lãi suất sẽ hỗ trợ cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế phi nhà nước (vốn đang cần được khuyến khích), và đặt các doanh nghiệp nhà nước vào thế phải tự tái cấu trúc hoặc nâng hiệu quả kinh doanh nếu muốn tồn tại.

Xóa trần lãi suất làm tăng lãi suất cho vay còn thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển từ trạng thái tăng trưởng phụ thuộc quá lớn vào đầu tư (do vốn rẻ) và xuất khẩu sang sự tăng trưởng cân bằng hơn giữa đầu tư/xuất khẩu  và tiêu dùng (do người gửi tiết kiệm có thu nhập từ tiết kiệm cao hơn), làm tăng trưởng mang tính bền vững và ổn định hơn khi thị trường tiêu dùng nội địa được mở rộng.
 
Thứ tư, xóa trần lãi suất huy động có tác dụng ngăn cản dòng vốn đầu tư đổ vào những lĩnh vực và tài sản dễ gây ra các cơn sốt bong bóng như vàng và bất động sản. Khi lãi suất bị kìm nén bởi trần lãi suất, người có tiền thay vì gửi tiết kiệm lại mang đầu tư vào những tài sản mang tính bảo toàn giá trị tốt hơn này, nhất là trong bối cảnh lạm phát làm lãi suất thực âm còn thị trường chứng khoán thì không hoạt động tốt. Các cơn sốt bất động sản ở Trung Quốc và Việt Nam tạo ra những khu nhà “ma” khổng lồ, làm mắc kẹt một khối lượng tài sản cực lớn không sinh lãi cho nền kinh tế.

Hơn nữa, khi giá bất động sản bắt đầu tuột dốc, nhà đầu tư chần chừ không muốn bán, cố giữ và hy vọng giá khôi phục. Điều này có nghĩa là tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ còn kéo dài trong nhiều năm vì cung bất động sản ế đọng này sẽ tiếp tục đổ vào thị trường dần dần, làm cho giá không thể phục hồi mạnh được.
 
Cuối cùng, có một điều cần khẳng định rằng, như Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh khi ông công bố chủ trương tự do hóa lãi suất hồi tháng 3 năm nay, “trong ngắn hạn, tự do hóa lãi suất có thể làm lãi suất tăng lên... nhưng cuối cùng thì lãi suất sẽ được quyết định bởi thị trường”.