Lợi ích thấy rõ từ những mô hình liên kết thí điểm ba nhà

Thái Hằng

(Tài chính) Mô hình liên kết thí điểm trong sản xuất nông nghiệp bước đầu đã được thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả. Hầu hết các mô hình này đều có “dấu ấn” và sự tham gia nhiệt tình của ngân hàng, doanh nghiệp và người nông dân.

Ảnh minh họa. Nguồn:internet.
Ảnh minh họa. Nguồn:internet.

Khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp

Trước những bất cập về đất đai, thuế, tín dụng - những nguyên nhân trực tiếp hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2014, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các mô hình này phát triển. Mục tiêu nhằm từng bước đưa nền nông nghiệp với quy mô nhỏ bé, manh mún và đang thiếu liên kết sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa, sản xuất lớn và phát triển bền vững. Theo đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong trong sứ mệnh này, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và nông dân thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia vào các mô hình này.

Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết tập trung vào 2 nội dung: Giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); Tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp, nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kết. “Với chương trình này, ngân hàng không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, theo mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhận định.

Nhờ có những chính sách phù hợp và sự nỗ lực của ngành ngân hàng, thời gian qua đầu tư tín dụng đã có tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hàng năm có mức tăng bình quân cao hơn mức tăng trung bình của nền kinh tế. Đến cuối năm 2013, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã đạt 671.986 tỷ đồng, tăng 19,67% so với thời điểm cuối năm 2012 (mức tăng chung của nền kinh tế là 12,51%) và tăng gấp 2,29 lần so với năm 2009 – thời điểm trước khi ban hành Nghị định 41.

Mô hình liên kết điển hình

Thực tiễn thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng tăng cường khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ. Một số mô hình đã triển khãi có hiệu quả và phù hợp với mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang và các địa phương khác; mô hình về trồng hoa và rau ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng; dự án nuôi, chế biến sữa công nghệ cao tại Nghĩa Đàn – Nghệ An… Trong đó phải kể tới đó là mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang. Công ty thành lập từ năm 1993 và bắt đầu thí điểm áp dụng mô hình “đầu tư, thu mua và chế biến lúa gạo” tại tỉnh Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang từ năm 2010. Theo đó, Công ty thực hiện chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo từ khâu xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân và quy mô cánh đồng mẫu lớn đã tăng dần và đến vụ hè thu năm 2012 đã có 3.299 hộ tham gia với diện tích lên tới 9.470ha.

Nông dân tham gia được Công ty tạm ứng (không tính lãi) giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường (bao gồm cả vận chuyển, sấy lúa tươi miễn phí). Trường hợp giá thấp nông dân chưa bán thì Công ty cho gửi tại kho tối đa 30 ngày không thu phí. Theo tính toán qua 3 vụ, thì bà con được công ty hỗ trợ ở mức khoàng 435 đồng/kg lúa và lợi nhuận của nông dân qua các vụ từ 42,8% đến 64,6% (Mục tiêu chung đạt mức lãi cho nông dân trồng lúa là 30% cũng còn gặp nhiều khó khăn).

Từ mô hình trên, ông Mạnh chia sẻ những lợi ích nhất định mà doanh nghiệp có thể đạt được trong quá trình triển khai, đó là doanh nghiệp đã tạo ra những cánh đồng mẫu lớn để có điều kiện sản xuất cùng một loại giống, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để tăng năng suất lao động. Đồng thời, có vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước giá bán cao hơn…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hiện vẫn còn một số vướng mắc cần đến sự hỗ trợ của như người nông dân chưa quen với mô hình này nên chưa tích cực tham gia; khi đã tham gia ròi thì một số trường hượp vì lợi ích trước mắt mà chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật chung, đơn phương phá vỡ hợp đồng đã ký… Hơn nữa, để tạo ra những liên kết rộng lớn đòi hỏi quy mô cơ sở vật chất và vón đầu tư ban đầu rất lớn để hỗ trợ người nông dân như hệ thống sấy tập trung, kho chứa đúng quy cách, mua giống và vật tư nông nghiệp để ứng cho nông dân trước và nông dân sẽ trả nợ doanh nghiệp khi thu hoạch, bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Doanh số hoạt động kinh doanh của mô hình liên kết rất lớn nhưng sở hữu tài sản lại phân tán, thiếu cơ sở pháp lý. Vì vậy vấn đề thế chấp tài sản của doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn.

“Để chương trình thí điểm có thể thành công, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ đồng bộ từ các chính sách khác như chính sách về bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp (hiện nay bộ Tài chính đang triển khai thí điểm, cần sớm tổng kết và nhân rộng); vấn đề về quy hoạch và quản lý quy hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); vấn đề về quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; thực hiện hỗ trợ pháp lý và cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho các donah nghiệp và người sản xuất (Bộ Công thương); chính sách về đất đai, dồn điền đổi thửa… và sự và cuộc của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý quy hoạch, quản lý thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các mô hình liên kết phát triển”, ông Mạnh nhấn mạnh.