Lợi nhuận lớn, ngân hàng “san sẻ” với doanh nghiệp

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều ngân hàng đã công bố mức lợi nhuận tăng cao trong năm 2017 và sẵn sàng san sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN) bằng việc giảm lãi suất cho vay vào đúng thời kỳ cao điểm về nhu cầu vốn của DN.

Mức giảm được các ngân hàng áp dụng 0,5 – 1%/năm cho các DN vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên. Nguồn: Internet
Mức giảm được các ngân hàng áp dụng 0,5 – 1%/năm cho các DN vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên. Nguồn: Internet

Động thái này được các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay có mặt tiêu cực là có thể sẽ khiến cho hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) co lại, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng vì thế mà giảm đi. Tuy nhiên, sẽ hỗ trợ tích cực cho các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hầu hết đều lãi lớn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018 vừa diễn ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết 2017 là năm thắng lợi của ngành ngân hàng và tài chính là yếu tố tích cực. Hầu hết các ngân hàng thương mại có lãi, thậm chí nhiều ngân hàng có lợi nhuận lớn. Còn những ngân hàng thuộc diện “0 đồng” năm nay đã khắc phục được nhiều khó khăn và bắt đầu kinh doanh có lãi.

Trong nhóm đạt lợi nhuận “khủng” có sự góp mặt của ba “ông lớn” khối nhà nước là BIDV, Vietcombank, Vietinbank.

Kết thúc năm 2017, BIDV đạt những con số ấn tượng. Cụ thể, tổng thu nhập ròng từ hoạt động kinh doanh vốn và tiền tệ cao nhất trong 10 năm qua, lần đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng 36,7% so với năm 2016. Chênh lệch thu – chi của đạt mức cao nhất từ trước đến nay: 24.032 tỷ đồng, tăng trưởng 44%. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra.

Lợi nhuận của BIDV vẫn chưa phải là quán quân. Lần đầu tiên Vietcombank công bố mức lợi nhuận chạm con số 10.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2016, vượt kế hoạch đặt ra cho năm 2017 là 9.200 tỷ đồng. 

Dù chưa công bố chính thức, song lãnh đạo Vietinbank cũng tiết lộ lợi nhuận trong năm 2017 vượt chỉ tiêu đề ra.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng bắt đầu “hé lộ” những con số lợi nhuận không kém các “ông lớn” khối nhà nước.

Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2017 tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu HDB, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank, cho biết lợi nhuận cả năm 2017 trước thuế đạt 2.420 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ là 1,1% và ngân hàng hợp nhất (bao gồm cả HDSaison) là 1,5%. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 1.205 nghìn tỷ đồng, vượt 55,6% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 70,5% so với năm trước.

Bên cạnh đó, VIB cũng dự báo lợi nhuận trước thuế trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 851,4 tỷ đồng, tăng trưởng 21,2% so với năm trước. Còn TPBank đạt mức tăng trưởng cao lên đến 70%.

Lãi suất cho vay bắt đầu giảm
Sau đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, ngay lập tức, một số nhà băng đã công bố giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ cơ hội và khó khăn với DN.

Theo đó, mức giảm được các ngân hàng áp dụng từ 0,5 – 1%/năm cho các DN vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên.

Chẳng hạn, kể từ ngày 10/1, Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ tối đa 6,5%/năm xuống còn tối đa 6%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm. Vietcombank công bố lãi suất cho vay ngắn hạn được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm, áp dụng từ ngày 15/1 – 31/12.

Trong khi đó, VPBank cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ giảm lãi suất 0,5 – 1% cho các DN vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên.

Động thái giảm lãi suất cho vay của một số ngân hàng vào đúng thời điểm cận Tết, nhu cầu vốn tăng cao, nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia.

Trước đó, giới phân tích đánh giá giảm lãi suất cho vay trong năm nay là điều hết sức khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó mấu chốt vẫn là chưa thể giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, nợ xấu vẫn còn cao, hệ số NIM thấp…

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng lãi suất được điều tiết bởi thị trường và quyết tâm của NHNN. Ngoài ra, việc các ngân hàng thương mại lãi lớn có thể là một điều kiện để giảm lãi suất.

Ông Ánh nhận định thời gian tới, việc giảm lãi suất sẽ đồng loạt chứ không chỉ ở một số ngân hàng.

Thực tế, những ngày gần đây, nhiều ngân hàng tiếp tục phát đi tín hiệu sẽ giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank, cho biết hiện nay, dư nợ cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đã thực hiện giảm lãi suất chiếm tới 59% tổng dư nợ của ngân hàng này. 

Mặc dù vậy, “trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, VietinBank sẽ có chương trình giảm lãi suất hết sức cụ thể để thông báo cho DN và người dân được biết”, ông Thắng cam kết.