Lợi nhuận và vấn đề phát triển bền vững của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết

NCS. Mai Thị Diệu Hằng

Khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam niêm yết trên hai sàn chứng khoán hiện nay là khá thấp so với các doanh nghiệp ở Ngành có nét tương đồng. Trong 3 năm gần đây, có một số doanh nghiệp thủy sản phải hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đánh giá kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản từ năm 2012 đến năm 2016, bài viết sử dụng các số liệu về doanh thu, chi phí, tài sản của các doanh nghiệp để so sánh, phân tích và kết hợp với việc nghiên cứu các tình huống kinh doanh thực tế phát sinh tại các doanh nghiệp để tìm ra nguyên nhân của thực trạng đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Tác giả sử dụng bộ số liệu về tình hình tài chính của 17 doanh nghiệp (DN) thủy sản niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến cuối năm 2016. Trên cơ sở đó, tác giả tính toán các chỉ tiêu cần thiết phản ánh mức độ sinh lời của các DN.

Đồng thời, việc thu thập các dẫn chứng về việc thực hành trách nhiệm xã hội của từng DN thủy sản niêm yết cũng được thực hiện nhằm phản ánh mức độ cam kết trong quá trình hoạt động kinh doanh lâu dài, có trách nhiệm hướng tới sự phát triển bền vững của DN.

Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là thống kê mô tả, dẫn chứng thực tế, so sánh đánh giá để chỉ ra vì sao lại có những DN hoạt động hiệu quả và ngược lại vì sao lại có những DN làm ăn kém hiệu quả.

Thực trạng khả năng sinh lời của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết

Hiện nay, các DN thủy sản niêm yết vẫn giữa được vị thế của mình khi doanh thu liên tục tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong 5 năm này có tới 5 DN rời khỏi sàn giao dịch chứng khoán. Mặc dù quy mô của các DN thủy sản có xu hướng tăng, doanh thu cũng gia tăng nhưng khả năng sinh lời của ngành này lại thấp hơn một số ngành có điểm tương đồng.

Điều này thể hiện qua chỉ tiêu khả năng sinh lời của các DN như: Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) của bình quân của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản là từ 1% đến 4%. Trong khi đó, ROA ngành Thực phẩm là 10% đến 14%, ROA nhóm ngành sản xuất-kinh doanh là 3% đến 7%.

Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân ngành thủy sản là 2% đến 10%, trong khi đó, ROE ngành Thực phẩm là 17% đến 27%, ROE nhóm ngành Sản xuất-kinh doanh là 6% đến 13%. (Nguồn: cophieu68.vn).

Lợi nhuận và vấn đề phát triển bền vững của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết - Ảnh 1
Doanh thu của các DN thủy sản liên tục gia tăng, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng nhưng chưa đem lại mức sinh lời cao. Chỉ tiêu ROE của các DN thủy sản thấp do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan sau:

Thứ nhất, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) thấp, thể hiện khả năng quản trị chi phí của các DN còn hạn chế. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu ROS chỉ là 9% năm 2012, 3,45% năm 2015 và 1% năm 2016; Năm 2014, doanh thu tăng rất mạnh nhưng ROS lại giảm sâu 0,64%...

Năm 2016 có tới 6/17 DN bị thua lỗ, 10/17 DN có lợi nhuận sụt giảm so với năm trước đó. Nguyên nhân khách quan đến từ thiên tai hạn hán, sự cố ô nhiễm môi trường biển, vấn đề tỷ giá hối đoái, vấn đề thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân chủ quan đến từ những thiếu sót nội tại của chính các DN trong quá trình kinh doanh.

Thứ hai, ROE thấp là vòng quay tài sản thấp: giao động từ 1,07 năm 2012 và 1,28 năm 2015. Các DN thủy sản niêm yết thường có một lượng hàng tồn kho lớn do đặc thù Ngành (Cá, tôm đến kỳ phải thu hoạch, chế biến). Trong khi đó, khả năng tìm kiếm khách hàng mới và thị trường còn một số hạn chế. Những tác động bên ngoài về luật pháp, giá cả, cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp đến việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu.

 Mặc dù, các DN gia tăng hệ số nợ vay nhưng cũng không thể khiến ROE tăng lên bởi 2 nguyên nhân trên. Đây là mấu chốt hạn chế khả năng thu hút nhà đầu tư vào cổ phiếu của các DN thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Vấn đề nữa cũng khiến các DN Thủy sản niêm yết hiện khó thu hút nhà đầu tư là tỷ lệ nợ phải trả trên vốn rất cao, từ 60% năm 2012 lên 75% năm 2015. So với các DN ngành Chế biến thực phẩm hay ngành sản xuất kinh doanh, tỷ lệ nợ của các DN thủy sản cao hơn.

Lợi nhuận và vấn đề phát triển bền vững của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết - Ảnh 2

Điều này cũng chỉ ra, các DN Thủy sản đang khai thác phương thức đòn bẩy tài chính khá nhiều. Mặt trái của việc sử dụng đòn bẩy tài chính chi phí lãi vay phải trả cao, tác động xấu đến lợi nhuận của DN.

Vấn đề đáng lo ngại hơn là chỉ tiêu khả năng sinh lời đang có xu hướng giảm mạnh trong năm 2016, xuống mức 2%. Điều này tạo ra tâm lý tiêu cực cho giới đầu tư. Đặc biệt là khi 3 mã chứng khoán ATA - Công ty cổ phần NTACO, VNH - Công ty cổ phần thủy sản Việt Nhật, AVF - Công ty cổ phần Việt An đều bị hủy niêm yết trên thị trường đầu năm 2017 vì thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Thực tế cho thấy, các DN thủy sản gặp khó khăn là do vấn đề thị phần xuất khẩu bị ảnh hưởng. Điển hình như: Công ty cổ phần Việt An năm 2014 bị ảnh hưởng rất lớn bởi việc áp thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ (đây là thị trường xuất khẩu chính của DN khiến doanh thu sụt giảm rất mạnh).

Giá vốn giảm cộng với chi phí khác tăng đột biến khiến DN bị lỗ nặng và nếu thua lỗ liên tục trong 3 năm DN sẽ bị hủy niêm yết. Hơn nữa, việc phụ thuộc vào nợ vay lên tới 78% năm 2013 đã khiến DN lâm vào nguy cơ phá sản.

Tình trạng tương tự xảy ra với 2 mã chứng khoán ATA và VNH. Năm 2017, các DN này đã bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Công ty cổ phần thủy sản Việt Nhật lỗ do chấp nhận bán dưới giá vốn để tiêu thụ hàng tồn kho.

Bán dưới giá vốn, thanh lý tài sản giúp Việt Nhật xử lý được vấn đề dòng tiền để trả nợ ngắn hạn và dài hạn. Năm 2016, nợ ngắn hạn và dài hạn là 0 nhưng Công ty lỗ 3 năm liên tiếp khiến quy mô vốn giảm mạnh.

Thực hành trách nhiệm xã hội và vấn đề phát triển bền vững

Chuẩn mực đo lường trách nhiệm xã hội (CSR) được đo lường và quy chuẩn thông qua mức độ tuân thủ pháp luật cũng như mức độ thực hiện theo các Bộ tiêu chuẩn (CoC) do các tổ chức hay các DN ban hành. CoC với tư cách là quy tắc của bên đầu tư.

Một số bộ tiêu chuẩn CoC do các tổ chức quốc tế xây dựng như là: Hiệp ước Toàn cầu (UNGC) của Liên Hợp Quốc năm 2000, nguyên tắc Xích đạo, sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI)... Các bộ CoC do các tổ chức quốc tế xây dựng và ban hành hoặc là nhằm hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm hoặc là để cấp chứng chỉ cho DN.

Một số Bộ CoC liên quan đến CSR như: ISO 14000, ISO 9000, chứng nhận SA 8000, ISO 26000...

Lợi nhuận và vấn đề phát triển bền vững của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết - Ảnh 3

Thống kê cho thấy, trong lĩnh vực thủy sản có khoảng 18 chứng nhận liên quan đến CSR. (Theo ICAFIS). Hầu hết các DN thủy sản niêm yết đều cố gắng đáp ứng các bộ tiêu chuẩn về chất lượng nuôi trồng, sản xuất chế biến các sản phẩm thủy sản theo yêu cầu của đối tác tại các thị trường như: Châu Âu, Mỹ, Nhật, châu Á.

Điều này có lợi cho quá trình hoạt động kinh doanh của DN về lâu dài. Khảo sát một số DN có mã chứng khoán như: ABT, ACL, HVG, SJ1, VHC, cho thấy, các DN trên rất tích cực và chủ động trong việc thực hiện đạt được nhiều chứng nhận.

Cùng với đó, doanh thu, lợi nhuận của các DN trên liên tục gia tăng, cho dù năm 2015 ngành Thủy sản gặp khó khan, nhiều DN khác sụt giảm doanh thu. Điều đó chứng minh cho việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội giúp tăng uy tín DN và sản phẩm, giữ chân được các khách hàng, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả tài chính, từ đó, khẳng định sự phát triển bền vững của các DN.

Như vậy, vấn đề đáng lo nhất là sự sụt giảm doanh thu, mất thị phần, mất khả năng thanh toán và những vấn đề liên quan đến phá sản DN. Khả năng sinh lời thấp với nhiều rủi ro kinh doanh khiến các DN trong ngành Thủy sản khó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, khối ngoại.

Một số khuyến nghị

Vai trò của việc thực hành trách nhiệm xã hội là rất lớn, do vậy các DN thủy sản niêm yết cần lưu ý thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của DN trước khách hàng, nhà cung cấp, cổ đông để giữ vững uy tín, duy trì và tăng doanh thu. Nếu ổn định doanh thu, vấn đề hàng tồn kho nguyên liệu, vấn đề dòng tiền cho hoạt động kinh doanh, vấn đề hiệu quả sử dụng tài sản sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Thứ hai, DN cần phân tích kỹ hơn vấn đề chi phí sản xuất kinh doanh, tìm ra phương án giảm chi để gia tăng được lợi nhuận. Chi phí sản xuất kinh doanh của ngành Thủy sản phức tạp và đa dạng nhưng đối với DN niêm yết cần tập trung vào giảm chi phí tài chính. Các hình thức huy động vốn kinh doanh khác phải được tập trung đẩy mạnh khai thác.

Thứ ba, các cơ quan nhà nước liên quan phải có những chính sách, những giải pháp hỗ trợ cho các DN; Cả về khía cạnh thực thi pháp luật và các khía cạnh bảo vệ DN trước những biến động khó khăn của thị trường (Ví dụ: chính sách ổn định tỷ giá, chính sách thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế). Đồng thời, chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị thủy sản, tạo chỗ dựa vững chắc cho khối DN chế biến xuất khẩu.        

Tài liệu tham khảo.

1. Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội,  Báo cáo đánh giá tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam: kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi, 2015;

2. Vũ Văn Vần, Vũ Văn Ninh, Tài chính DN, NXB Tài chính, 2013;

3. Bùi Thị Mai Thương, Trách nhiệm xã hội trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong các DN khai khoáng địa bàn tỉnh Nghệ An, Luận văn thạc sĩ;

4. Các website: SSI.com.vn; VietStock.com, cophieu68.vn, ICAFIS...