Lòng tin cải cách vĩ mô sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán

Theo baochinhphu.vn

Kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu khởi sắc, cùng với môi trường kinh doanh được kỳ vọng tiếp tục được cải thiện sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn, đòi hỏi nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là nội dung được trao đổi tại tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” tổ chức chiều 22/7.

Những con số khả quan

Ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho biêt, thị trường chứng khoán sau 17 năm đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Đầu tháng 7/2017, VN-Index đạt đỉnh trong 9 năm gần đây.

Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 131.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2017 đạt được nhiều kết quả tích cực. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây, tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017 và HNX-Index tăng hơn 23%.

Trái ngược với động thái bán ròng trong nửa cuối năm 2016, 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng.

Đánh giá về yếu tố kinh tế vĩ mô tới thị trường, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% khá cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng, vì nếu không đạt sẽ ảnh hưởng đến các các chỉ số về bội chi ngân sách và trần nợ công có thể sẽ bị vượt ngưỡng quy định và không an toàn.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dù có khởi sắc dựa vào khá nhiều những ngành công nghệ chế biến, chế tạo, trong đó, có tỷ trọng khá lớn dựa vào vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do đó, quan trọng là thời gian tới, cần phải phát triển mạnh cả khu vực kinh tế trong nước, trong đó có khu vực tư nhân.

Điều đáng kỳ vọng là Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đến nay đã có 700 DNNN đã cổ phần hoá mà chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, lãnh đạo Chính phủ đã có chủ trương để các doanh nghiệp đã cổ phần hoá lên sàn hết. Khả năng vốn hóa sẽ tăng lên, sự hấp dẫn cũng tăng lên với nhiều DN rất hấp dẫn như Sabeco, Habeco.

Hơn nữa, Chính phủ lúc này đang rất quan tâm đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Hiện nay đã có Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh duy trì 4 năm liền, Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các nghị quyết, chỉ thị khác... Thủ tướng Chính phủ đã gặp các doanh nghiệp tư nhân và lắng nghe họ. Do đó, xu thế hiện nay và môi trường kinh doanh được cải thiện, vốn và sự năng động của người dân sẽ được phát huy, từ đó đóng góp của kinh tế tư nhân sẽ tăng lên và sẽ làm giảm đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài.

Thị trường chứng khoán đã khởi sắc bền vững?

Từ những nhận định khả quan về kinh tế vĩ mô trên, các chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam, có cơ sở để khởi sắc dựa trên nền tảng chính sách rõ ràng, minh bạch hơn với kinh tế hội nhập sâu rộng.

TS. Nguyễn Minh Phong phân tích, việc thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt một phần nhờ các biện pháp tích cực như nới room, bãi bỏ toàn bộ trần quy định cứng nhắc cho các nhà đầu tư ngoại, từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển của chứng khoán. Hơn nữa, việc cổ phần hóa DNNN tới đây sẽ được đẩy mạnh làm cho thị trường hấp dẫn hơn rất nhiều.

Có cùng nhận định, các lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá khá tốt khi nhiều DNNN đang trong quá trình cổ phần hóa. Với các nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm, đây là một trong những thị trường “béo bở” còn lại. Vấn đề là khi có cổ phiếu tốt thì sẽ không phải lo cung sẽ vượt cầu, bởi cổ phiếu tốt sẽ thu hút được dòng tiền, dòng tiền sẽ tự nhiên xuất hiện.

Ở chiều ngược lại, đánh giá tác động các yếu tố trên thị trường chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng lại bày tỏ quan điểm tương đối thận trọng, cảnh báo sự “hưng phấn” của các nhà đầu tư.

Ông Hiếu cho rằng, dù là thời gian gần đây, thị trường chứng khoán trong nước tuy sôi động trở lại nhưng chưa chắc chắn. Trên thực tế, khối ngoại vẫn đang “cầm trịch”, nếu có nhiều biến động và khối ngoại rút vốn số lượng lớn thì thị trường chứng khoán sẽ bị biến động mạnh. Hơn nữa, cũng theo ông Hiếu, việc đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức 18% là tương đối cao trong bối cảnh tăng trưởng chậm hơn mục tiêu.

Về yếu tố lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giảm lãi suất một chút không tác động quá nhiều vì các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng ít vay nhau hơn trước, đồng thời cũng không ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp. Một điểm nữa đáng chú ý là tỷ giá từ đầu năm tới giờ ổn định giúp vững niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá sẽ tăng lên do Fed sẽ tăng lãi suất.

Còn TS. Cấn Văn Lực (BIDV) cho rằng, việc xử lý nợ xấu các ngân hàng cũng góp phần hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đồng thời lành mạnh hoá được hệ thống.

Có rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết nhờ Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu các TCTD vừa ban hành, ví dụ như các khoản nợ xấu phải được mua bán theo cơ chế thị trường, đặc biệt cho phép các công ty định giá độc lập định giá nợ và tài sản thế chấp... Việc có Nghị quyết là cơ hội rất lớn để xử lý triệt để câu chuyện nợ xấu vốn nhùng nhằng bao năm qua không được xử lý dứt điểm.

“Nghị quyết của Quốc hội về cũng có 1 số tiêu chuẩn về nợ xấu rõ ràng, cụ thể hơn. Rõ ràng đó là tín hiệu tích cực đối với hệ thống ngân hàng, có cơ sở kỳ vọng vào cổ phiếu hệ thống ngân hàng tăng rất tốt, cũng như lành mạnh hoá nền kinh tế”, ông Lực phân tích.

Có cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, nghị quyết mới đã có những thay đổi tích cực, từ quy trình xử lý nợ xấu đến quy trình xử lý những tài sản liên quan đến nợ này. Điều quan trọng là sự minh bạch, mặc dù mọi thứ không thực sự hoàn hảo. Theo các tổ chức đánh giá, nếu nợ xấu xử lý nhanh thì lãi suất có thể giảm 1 điểm %.