Lửa chứng khoán chưa tắt, nhờ đâu?

Theo Báo Đầu tư

Những ai bám trụ lại để giữ nhiệt cho bếp lửa chứng khoán không tắt hẳn?

 Lửa chứng khoán chưa tắt, nhờ đâu?
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet

Vài phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) rơi vào trạng thái cạn kiệt thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả hai sàn mỗi phiên chỉ đạt trên 200 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Sàn vắng, phần đông nhà đầu tư (NĐT) chọn giải pháp rút khỏi thị trường. Vậy những ai bám trụ lại để giữ nhiệt cho bếp lửa chứng khoán không tắt hẳn?

1 - Cổ đông nội bộ đẩy mạnh giao dịch. Một loạt “sếp lớn” doanh nghiệp (DN) niêm yết đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên diện rộng. Xu hướng chủ đạo là mua vào. Đơn cử, tại CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), người thân của Chủ tịch HĐQT vừa hoàn tất đợt mua vào gần 4 triệu cổ phiếu HSG. Tương tự, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc CTCP Kinh Đô (KDC) mới mua thêm 1,8 triệu cổ phiếu KDC. Một số trường hợp tiêu biểu khác có thể kể đến như lãnh đạo ở Tổng CTCP Dịch vụ Dầu khí (PET), CTCK Sao Việt (SVS), CTCK Golden Bridge (GBS)… đang đăng ký mua vào khối lượng lớn.

2 - Cổ đông lớn tăng tỷ lệ sở hữu. Sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Than Núi Béo (NBC) lên 14,72%, CTCP Cơ điện lạnh (REE) vừa thông báo mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu PPC của CTCP Nhiệt điện Phả Lại, nâng tỷ lệ sở hữu lên 10,156%. Như vậy, trong 3 tháng gần đây, REE đã gom tới 17 triệu cổ phiếu PPC. Tranh thủ lúc TTCK đìu hiu, đa phần các cổ phiếu bị “sale-off” mạnh, nhiều nhà đầu tư lớn như REE đã và đang tích cực nhặt nhạnh gom hàng. CTCP Đầu tư Địa ốc Khang Việt vừa đăng ký mua 1,8 triệu cổ phiếu KAC, tương đương 9% cổ phần CTCP Địa ốc Khang An; CTCP Đầu tư Alphanam (ALP) đăng ký mua vào 1 triệu cổ phần CTCP Đầu tư Alphanam Cơ Điện (AME); CTCK HSC đã mua vào nâng tỷ lệ sở hữu tại Quỹ Đầu tư năng động VFA từ 5,19% lên 6,18%...

3 - Công ty niêm yết mua vào cổ phiếu quỹ. Biện pháp này gần đây không áp dụng nhiều nhưng lác đác vẫn có công ty niêm yết thực hiện. Đơn cử, CTCP PVI (PVI) đăng ký mua 2,2 triệu cổ phiếu quỹ, thời gian kết thúc vào cuối tháng 11. CTCP Sữa Việt Nam (VNM) mua cổ phiếu quỹ của nhân viên nghỉ việc từ chương trình ESOP trước đây, CTCP Vinafco (VFC) đăng ký mua lại 8,36% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ để làm thủ tục hủy niêm yết cổ phiếu tại HOSE…

4 - Công ty con, công ty liên kết mua mạnh cổ phần của công ty mẹ. Hai trường hợp điển hình nhất xảy ra với CTCP Kinh Đô và CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII). Cuối tháng 11, CTCP Kinh Đô Bình Dương - công ty con của KDC bất ngờ công bố trở thành cổ đông lớn của công ty mẹ và cuối tuần trước thông báo đã nắm giữ tỷ lệ cổ phần lên tới 8,156%. Tương tự, sau khi CII giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Việt Nam Phillipin-Vinaphil (VPII) từ 99,99% xuống dưới 50%, ngay lập tức, VPII đã thông báo đăng ký mua vào 15% cổ phần đang lưu hành của CII. Xu hướng này được dự báo sẽ lan rộng.

5 - Giao dịch nội khối lên ngôi. Số cổ phần VPII dự định mua trên thị trường được phân bổ 10% dành để giao dịch thỏa thuận với CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội. Đây có thể xem như việc sẽ giao dịch thỏa thuận nội khối của các công ty vệ tinh xoay quanh CII khi công ty này đang nắm tới 99,9% cổ phần tại CTCP Đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội.

6 - Giao dịch thỏa thuận bùng nổ. Cuối tháng 11, một số phiên giao dịch thỏa thuận bất ngờ tăng vọt, giá trị cao gấp nhiều lần so với giao dịch báo giá. Trước đó, cổ phiếu của Ngân hàng Sacombank (STB), Eximbank (EIB) đã thu hút chú ý khi thanh khoản giao dịch thỏa thuận cao đột biến. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu blue-chip được thỏa thuận ở mức giá sàn. Giới chuyên môn lý giải, đây là giao dịch nội khối giữa một nhóm các NĐT quen biết. Thỏa thuận ở mức giá sàn giúp các NĐT này giảm phí giao dịch. Trong thực tế, các hợp đồng cho vay chứng khoán đa phần phải tất toán về cuối năm tài chính. Khả năng cao đây là hoạt động thoả thuận để đảo nợ các hợp đồng cho vay đón đầu xu hướng lãi suất có thể giảm thêm 1%/năm.

7 - Khối ngoại lại ra tay. Dragon Capital Markets Ltd công bố mua thêm 1,1 triệu chứng chỉ quỹ VFMVF1, Quỹ thành viên Pháp Red River Holding thực hiện nhiều đợt đăng ký mua vào cổ phiếu của CTCP FPT, Funderburk Lighthouse Limited đã mua thêm 4,2 triệu cổ phiếu CTCP PVI, nâng tỷ lệ sở hữu tăng từ 10,11% lên 11,97%... Tuy nhiên, động thái giao dịch của NĐT nước ngoài gần đây không mạnh mẽ và tác động nhiều đến xu hướng thị trường, nhưng có thể sang đầu tháng 12, tình hình sẽ sôi động hơn khi đến kỳ xem xét lại danh mục đầu tư của các quỹ ETF, nhân tố ngoại năng động nhất từ đầu năm tới nay.

8 - NĐT cũ đã quay trở lại thị trường. Theo khảo sát của ĐTCK tại các CTCK lớn có thị phần môi giới cao như CTCK HSC, CTCK SSI, CTCK KimEng…, các nhà đầu tư còn bám sàn giao dịch hết sức thận trọng, chủ yếu nhằm hạ giá vốn. Trong đó, các NĐT có kinh nghiệm đã rút ra thị trường thời gian trước đây đã bắt đầu quan tâm trở lại với TTCK và đã bắt đầu xuất hiện tín hiệu bắt đáy của NĐT. Tuy nhiên, như con chim sợ cành cong, lớp nhà đầu tư cũ thận trọng trước biến động của VN-Index nên vẫn giao dịch nhỏ giọt, hướng vào đầu tư hưởng cổ tức hay mua các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, ít chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Điều này đẩy thanh khoản thị trường rơi vào tình trạng cạn kiệt. Chứng khoán như chiếc lò xo bị nén đến giới hạn nào đó, bắt buộc phải bật ngược trở lại.