Lực đẩy tín dụng từ lĩnh vực ưu tiên

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong bối cảnh khó khăn, bên cạnh các giải pháp về vốn, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 2-3%/năm. Những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có uy tín hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp hơn 9%/năm.

Lực đẩy tín dụng từ lĩnh vực ưu tiên
Các ngân hàng đang nỗ lực bơm vốn. Nguồn: internet

Ngân hàng đã, đang nỗ lực bơm vốn

Xem ra, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% mặc dù chỉ là định hướng để các tổ chức tín dụng soi vào đó thực hiện chứ không phải để “đạt cho được”, nhưng càng về cuối năm thì vấn đề này càng làm dư luận “săm soi”. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, báo giới cũng đặt câu hỏi về mục tiêu tăng trưởng tín dụng với đại diện của NHNN. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tính đến ngày 20/11, tăng trưởng tín dụng là 7,21%, nhưng đến ngày 25/11 đã tăng lên mức 7,54% và so với cùng kỳ năm ngoái thì mức tăng trưởng tín dụng này gấp hơn 2 lần.

Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, tín dụng tăng trưởng thấp bắt nguồn từ những nguyên nhân cơ bản sau: Sức mua của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh dẫn đến nhu cầu vay vốn hạn chế. Xử lý nợ xấu đang được thực hiện từng bước nên chưa khơi thông dòng tín dụng phục vụ nền kinh tế.

Đặc biệt, khâu xử lý, phát mãi tài sản thế chấp cần tuân thủ đúng quy trình để đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì tài sản đảm bảo của khách hàng tại các ngân hàng thương mại chiếm trên 60% giá trị tài sản đảm bảo. Hiện tại những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại ngay kết quả khả quan, thanh khoản của thị trường này vẫn chưa được cải thiện nên việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng gặp khó khăn.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu BIDV phân tích thêm: Chất lượng tín dụng và khó khăn trong xử lý nợ xấu là nguyên nhân làm tắc nghẽn dòng vốn tín dụng. Do khách hàng không trả được nợ nên bị xuống hạng trong bảng xếp hạng tín nhiệm nội bộ của ngân hàng. Vì thế, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc đáp ứng điều kiện vay vốn và chi phí vay vốn tăng do khách hàng có mức độ rủi ro cao, lãi suất cho vay sẽ cao hơn.

Những phân tích trên cho thấy, trong điều kiện đó, việc ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các “động lực” của nền kinh tế - tức doanh nghiệp - là rất khó khăn.

Trọng tâm vẫn là “top 5”

Theo lãnh đạo cấp cao của NHNN, trong bối cảnh khó khăn như vậy, NHNN đã điều hành các giải pháp tín dụng linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh các giải pháp về vốn, NHNN cũng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 2-3%/năm. Những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có uy tín hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp hơn 9%/năm.

Theo số liệu thống kê kết quả cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tính đến ngày 30/9/2013 từ NHNN: riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn dư nợ đạt 646.706 tỷ đồng, tăng 15,17% so với 31/12/2012 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế). Tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 19,58% dư nợ nền kinh tế.

Nếu tính cả dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 23,18%. So với năm 2009, trước khi Nghị định 41/2010/NĐ-CP được ban hành thì dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đã tăng gấp 2,2 lần. Dự kiến trong năm 2013 cho vay lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18%.

Ngoài ra, theo NHNN, 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại cũng có tăng trưởng đáng kể như: so với năm 2012 đến hết tháng 9/2013 dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 157 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4%. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 856 nghìn tỷ đồng, tăng 0,75%. Lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mặc dù đây là lĩnh vực mới bổ sung song dư nợ cho vay lĩnh vực này ước đạt 14.800 tỷ đồng, tăng 19,85%. Cuối cùng, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã có dư nợ ước đạt 92 nghìn tỷ đồng, tăng 5,98%.

Trước đề nghị của một số đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh cho vay thêm một số lĩnh vực khác, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, bên cạnh các lĩnh vực ưu tiên, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước tích cực triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo lãi suất và thời hạn quy định, đảm bảo nguồn vốn để tái cấp vốn kịp thời theo tiến độ giải ngân của các ngân hàng.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời gian tới, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo hướng: Cho phép NHNN lựa chọn, bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP; giao Bộ Xây dựng nghiên cứu và đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với đề nghị của các địa phương về việc cho vay đối với các căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, trong đó chỉ hỗ trợ đối với phần diện tích dưới 70m2.

Đối với các ngành khác như công nghiệp cơ khí, điện tử, viễn thông, Thống đốc NHNN nhấn mạnh: Chính phủ đã có chiến lược phát triển cho các ngành này, trong đó có cả chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước. NHNN sẽ bám sát Chiến lược của Chính phủ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển của các ngành này.

Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng (NHNN), dự kiến kết thúc năm 2013, tăng trưởng tín dụng riêng lĩnh vực tam nông có thể đạt 18% so với năm 2012. tăng trưởng tín dụng toàn Ngành năm nay có khả năng đạt mục tiêu từ 10% đến 12%. Song, hiện các ngân hàng thương mại vẫn lấy chất lượng tín dụng làm trọng để giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh trong tương lai.