Lực hấp dẫn thị trường chứng khoán nhìn từ đầu tư nước ngoài

Theo Thời báo Ngân hàng

Trong một phân tích mới đây, HSBC đã đưa ra nhận định Việt Nam sẽ trở thành một đích đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

 Lực hấp dẫn thị trường chứng khoán nhìn từ đầu tư nước ngoài
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc nhiều công ty Nhật Bản đang đổ xô đến Việt Nam để giảm chi phí và mở rộng cơ sở sản xuất của họ… là minh chứng rõ nét cho đánh giá này.

Nhà đầu tư không quay lưng

Tổng kết về hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2012, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng nhận định, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK đạt trên 300 triệu USD, trong khi 2011 chỉ đạt 240 triệu USD. Nếu cộng thêm dòng vốn đầu tư gián tiếp đi vào để thâu tóm sáp nhập đạt trên 1,6 tỷ USD thì 2012 là năm nước ta gặt hái được nhiều dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Trái ngược những đợt bán ròng mạnh trong năm 2011, đặc biệt là giai đoạn cuối năm, năm 2012 nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) liên tiếp mua ròng. Sự trở lại và tham gia thị trường tích cực ngay trong quý I/2012 đã góp sức cho đà hồi phục khá dài của thị trường hồi đầu năm.

Thời điểm bán ròng chủ yếu chỉ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 khi thị trường giảm giá mạnh cùng với việc quỹ Market Vectors Vietnam ETF thoái bớt vốn đầu tư vào mã STB, giảm từ 19 triệu cổ phiếu xuống còn gần 8 triệu cổ phiếu. Trong hầu hết thời gian còn lại của năm 2012, NĐTNN chủ yếu mua ròng, đặc biệt là đợt giải ngân ồ ạt trong cuối tháng 12 và đầu tháng 1/2013.

NĐTTN là điểm tựa tâm lý cho các NĐT trong nước

Việc thị trường đã trải qua một thời gian dài điều chỉnh và tích lũy, mặt bằng giá cổ phiếu đã xuống mức thấp hơn, kết hợp với sự ổn định và chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong nước phần nào thu hút được sự trở lại của dòng vốn ngoại.

Tính đến cuối năm 2012, khối ngoại vẫn đang mua ròng 2,7 nghìn tỷ đồng cho thấy niềm tin của họ về vùng đáy đã được tạo lập trên TTCK Việt Nam. “Điều đó chứng tỏ có một xu hướng đánh giá tích cực hơn của NĐTNN với nền kinh tế và TTCK Việt Nam”, ông Vũ Bằng nhận định.

Điểm đến của các NĐTNN vẫn chủ yếu xoay quanh các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thống kê cho thấy, nhóm cổ phiếu này chiếm hầu hết trong danh sách 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất cũng như chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại.

Ở chiều mua ròng, NĐTNN tiếp tục giải ngân mạnh vào ngành có tính phòng thủ cao hoặc ngành đặc thù như thực phẩm tiêu dùng (MSN), dầu khí (GAS, DPM, PVS và PVD). VCB và MBB là 2 mã ngân hàng duy nhất được mua ròng mạnh, chỉ xếp sau MSN. Đáng lưu ý là hầu hết các mã trong danh sách mua ròng nhiều của khối ngoại trong năm vừa qua, ngoại trừ GAS, đều là các mã trong danh mục của các quỹ chỉ số.

Vẫn là điểm đến hấp dẫn

Trong một phân tích mới đây, HSBC đã đưa ra nhận định Việt Nam sẽ trở thành một đích đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Việc nhiều công ty Nhật Bản đang đổ xô đến Việt Nam để giảm chi phí và mở rộng cơ sở sản xuất của họ… là minh chứng rõ nét cho đánh giá này.

Điều này cũng đã được khẳng định trong khảo sát của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam có chi phí rẻ hơn và ổn định hơn so với Thái Lan và Trung Quốc. Ngay thềm năm mới 2013, Bank of Tokyo-Misubishi UFJ vừa bỏ ra 743 triệu USD để mua lại 20% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank).

Đây là thương vụ M&A ngân hàng lớn nhất từ trước tới nay và là thương vụ thứ 2 của doanh nghiệp (DN) Nhật trong lĩnh vực ngân hàng. Cũng mở màn cho năm 2013, một thương vụ đang gây chú ý với các lời đồn đoán là Tân Hiệp Phát đang được Coca – Cola đặt vấn đề mua lại.

Năm 2013 sẽ hứa hẹn nhiều thương vụ M&A cũng như cơ hội đầu tư mới cho NĐTNN, đó là nhận định chung của các chuyên gia chứng khoán. Điều này được nhìn nhận từ việc NHNN có thể xem xét nới room cho các nhà đầu tư ngoại tại các ngân hàng sẽ phải tiến hành tái cơ cấu.

Trong 8 nhóm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho TTCK cũng nhấn mạnh việc xem lại khái niệm NĐTNN theo hướng khuyến khích hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Trước mắt kiến nghị thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt tỷ lệ 49%, ngoại trừ đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Xem xét cho phép NĐTNN sở hữu trên 49% đến 100% trong các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Kiến nghị ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới (quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm phát triển loại hình đầu tư có tổ chức, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Những động thái của Chính phủ trong việc quyết tâm IPO những DN lớn trong năm 2013 và chính sách thoái vốn khỏi những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng kích thích dòng vốn đầu tư ngoại chảy vào.

Tuy nhiên, dòng chảy này vẫn sẽ không nằm ngoài các cổ phiếu trụ cột vốn hóa lớn. Các nhóm ngành được dự báo sẽ tiếp tục phân hóa trong năm 2013. Trong đó, nổi trội nhất có lẽ vẫn là nhóm ngành có tính phòng thủ cao như thực phẩm hàng tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu hoặc một số nhóm ngành có được ưu tiên từ chính sách như xuất khẩu, dầu khí và xây dựng cơ bản.

Đặc biệt vào khoảng thời gian đánh giá và chốt danh mục hàng quý nhất là thời điểm cuối năm, giao dịch của khối ngoại nhiều khả năng sẽ trở nên sôi động xung quanh nhóm cổ phiếu kể trên, và theo đó có thể có tác động tích cực nhất định lên thị trường trong ngắn hạn.

Sự tham gia của khối ngoại sẽ là động lực để TTCK có cơ hội phục hồi mạnh mẽ trong năm 2013 và quay trở lại chu kỳ tăng trưởng sau khi đã tích lũy đi ngang ở vùng đáy gần 4 năm qua...