M&A ngân hàng: Ba cây chụm lại...

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến năm 2017 giảm một nửa số lượng ngân hàng hiện nay. Vậy ngân hàng nhỏ sáp nhập vào ngân hàng lớn hay ngược lại sẽ được những lợi ích gì?

Phóng viên: Thưa ông, mới đây Vietcombank một ngân hàng được coi là lớn nhất trong 4 ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam, xin ý kiến cổ đông để sáp nhập với một ngân hàng khác. Theo ông, một ngân hàng lớn như Vietcombank, nếu sáp nhập sẽ được lợi gì?

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/hongnhung/2014_04_17/images1260644_Nguyen_Tri_Hieu_SCIC_tang_von_dieu_le_baodatviet.vn1.jpg
Ông Nguyễn Trí Hiếu,
Chuyên gia tài chính ngân hàng
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Các ngân hàng dù qui mô lớn hay các ngân hàng nhỏ nếu hoạt động không hiệu quả sẽ dẫn tới việc sáp nhập là lẽ đương nhiên. Theo tôi, có lẽ hơn lúc nào hết, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng nên các ngân hàng phải ngồi lại với nhau để bàn việc hợp nhất, sáp nhập.

Không  riêng gì ở Việt Nam, thực tế mỗi quốc gia, việc liên kết, sáp nhập, hợp nhất các để hình thành những ngân hàng lớn mạnh hơn là xu hướng chung của thế giới, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay. Theo dự báo của các chuyên gia, làn sóng sáp nhập, hợp nhất và mua lại trên thị trường tài chính sẽ diễn ra nhanh và sôi động hơn trong ngành ngân hàng.

Vấn đề, một hay nhiều ngân hàng sáp nhập vào nhau theo tôi sẽ tạo nên được qui mô lớn hơn về vốn, nhân sự, thương hiệu… Từ đó sẽ tạo ra được khả năng cung ứng vốn cho những dự án lớn hơn. Cộng với sự gia tăng về số lượng chi nhánh, ngân hàng sau sáp nhập sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu đối với khách hàng.

Sau những thương vụ sáp nhập ngân hàng trước đây như Habubank và SHB, Đại Á vào HDBank tuy vài tháng đầu các ngân hàng có lúng túng vì cảm thấy nợ xấu tăng lên quá nhanh nhưng bây giờ đã có kết quả tốt. Việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc nợ xấu theo đó sẽ quyết liệt hơn. Việc sáp nhập là đúng chủ trương tái cấu trúc khi muốn hệ thống ngân hàng lành mạnh và hiệu quả hơn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, với việc sáp nhập ngân hàng nhỏ vào lớn và ngược lại sẽ làm giảm được chi phí huy động do việc chạy đua lãi suất ? Ý kiến của ông về vấn đề này?

Việc sáp nhập sẽ dẫn đến sự cắt giảm những chi nhánh của hai hay nhiều ngân hàng trước đây có cùng địa bàn hoạt động để duy trì một chi nhánh, phòng giao dịch, từ đó sẽ giảm lượng nhân viên, cắt giảm chi phí thuê văn phòng, chi phí tiền lương nhân viên, chi phí hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch.

Đồng thời, nhiều ngân hàng riêng lẻ có những sản phẩm khác nhau khi kết hợp lại sẽ tạo ra việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ cho nhau sẽ làm gia tăng tính tiện ích của sản phẩm dịch vụ sau sáp nhập dẫn tới ngân hàng hoạt động có hiệu quả hơn.

Thời gian trước, hệ thống ngân hàng vào cuộc đua lãi suất vẫn rất gay gắt kể cả sau khi bỏ trần lãi suất, áp dụng lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản nhưng một số  ngân hàng vẫn duy trì lãi suất  tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên 19%/năm. Lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của dân cư không tăng lên trong khi số dư tiền gửi của các ngân hàng chạy lòng vòng sang nhau. Vậy nên, khi ngân hàng sáp nhập lại, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và yếu bị các ngân hàng lớn thâu tóm thì số lượng các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ giảm xuống, khi đó áp lực cạnh tranh lãi suất sẽ giảm xuống, rất khó có thể diễn ra cuộc chạy đua lãi suất huy động.

Ông đánh giá thế nào về quyền lợi cổ đông? Nếu sáp nhập quyền lợi của họ liệu có bị ảnh hưởng?

Trong quá trình diễn ra sự hợp nhất của các ngân hàng này, không chỉ cổ đông mà  người gửi  tiền cũng lo ngại. Nhưng trường hợp SCB là một ví dụ. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, đến nay SCB đã và đang được dư luận và cả những người trong cuộc đánh giá hiệu quả hoạt động tốt hơn, ổn định hơn, tâm lý khách hàng yên tâm hơn trước những nguy cơ tiềm ẩn của không ít TCTD này.

Sẽ không phải quá sớm để nhận định rằng, việc sáp nhập ngân hàng yếu kém vào ngân hàng khác có năng lực hơn là hướng đi đúng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Nó không chỉ là sự thống nhất đầu mối để giảm phân tán, nhỏ lẻ gây khó cho quản lý, giám sát, tăng sức mạnh cho dòng vốn mà còn tăng trách nhiệm của các ngân hàng với nền kinh tế.

Thưa ông, việc sáp nhập chỉ là một trong nhiều biện pháp tái cơ cấu và cải cách hệ thống tài chính ở mỗi quốc gia. Nói cách khác, sáp nhập không phải là phương án tối ưu để “cứu” các ngân hàng thoát khỏi đổ vỡ? Ý kiến ông về vấn đề này thế nào?

Một tổ chức tín dụng yếu được sát nhập vào ngân hàng lớn hơn thì không thể khỏe  ngay được, ngược lại nó lại khiến ngân hàng khỏe yếu đi. Tuy nhiên, các ngân hàng sau sáp nhập sẽ gặp khó khăn trong việc điều hành kinh doanh nếu xuất hiện việc mất mát các nhân sự nòng cốt tại ngân hàng bị thâu tóm. Do mỗi ngân hàng có đặc thù kinh doanh  riêng nên thời gian đầu khi  tiếp quản sẽ rất khó khăn trong việc điều hành tổ chức và hoạt động kinh doanh… 

Đây chưa phải là biện pháp tốt nhất nhưng trong bối cảnh kinh tế còn chưa phục hồi sau khủng hoảng, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang dưới mệnh giá thì việc tăng vốn để tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngân hàng hoạt động yếu kém.

Trên thực tế, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, mạng lưới phân phối…

Việc sáp nhập không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng yếu với ngân hàng mạnh hay giữa các ngân hàng yếu với nhau mà giữa các ngân hàng mạnh cũng cần có sự liên kết, sáp nhập, hợp nhất để tạo ra những ngân hàng lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!