Mắc kẹt với cổ phiếu giá bèo

Theo VnExpress.

Những cổ phiếu siêu rẻ thường được giới lướt sóng chuộng, nên giá biến động mạnh, giao dịch lớn, dù chẳng có tin hỗ trợ.

Mắc kẹt với cổ phiếu giá bèo

Bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua 6.000 cổ phiếu VSG, 2 năm sau, giá trị danh mục giảm hơn 95%. Bản thân anh Tâm, nhà đầu tư tại TP HCM không nghĩ có ngày giá cổ phiếu dưới 1.000 đồng, thậm chí còn có thể thấp hơn nữa.

Khi biết tin công ty lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng so với vốn điều lệ thực góp là 110 tỷ đồng, 6 tháng lỗ 23,45 tỷ và đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết, anh như ngồi trên đống lửa. Hiện anh nắm gần 6.000 cổ phiếu VSG (Công ty cổ phần Container phía Nam) và VSG trong tình trạng bị kiểm soát nên chỉ giao dịch 15 phút cuối của phiên. Cơ hội thoát hàng do đó càng khó.

Trong khi đó, HOSE đã có cảnh báo, với tình hình kinh doanh hiện nay và khó khăn chung của ngành vận tải biển thì nhiều khả năng công ty tiếp tục lỗ trong 2012.

6.000 cổ phiếu VSG giờ chỉ đáng giá 6 triệu đồng, trong khi trước đây anh phải bỏ ra trên 130 triệu đồng để sở hữu nó.

"Giờ bán hết cổ phiếu này cũng không đủ tiền đóng khóa học Anh văn cho con hay chi tiêu vặt trong nhà. Bán hay không bán đối với tôi giờ không còn quan trọng vì nó cũng gần như mất trắng", anh kể.

Lượng khớp lệnh của VSG cả tháng nay, phiên cao nhất cũng chỉ khoảng 2.000 cổ phiếu, có ngày chẳng mã nào được sang tay. VSG là cổ phiếu có giá thấp nhất trên sàn TP HCM hiện nay.

Cũng trong tình cảnh như anh Tâm, ông Nguyễn Hữu Chiến, một nhà đầu tư tại TP HCM sở hữu cổ phiếu VSG coi đây là chuyện thường trong thời buổi kinh tế khó khăn, chứng khoán xuống dốc và cần "kiên nhẫn" hơn.

Từng công tác tại VSG (với chức danh phó chủ tịch HĐQT và Phó tổng giám đốc), ông được mua cổ phiếu từ thời điểm cổ phần hóa doanh nghiệp vào năm 1999. Suốt quá trình công tác, nhiều lần ông được mua cổ phiếu VSG với giá ưu đãi - điều mà ít nhà đầu tư, cổ đông nào có vinh hạnh này. Tuy nhiên, giờ đây nó trở thành sức ép với ông. Bởi trong danh mục đầu tư, khoảng 50% vốn là nguồn đi vay.

"Dù gì tôi cũng mua với giá trên 20.000 đồng, giờ bán ra cũng chẳng bao nhiêu, đành tiếp tục chờ. Tôi cho rằng khoảng 2-3 năm nữa, nó sẽ trở lại mức giá trước đây", ông kỳ vọng.

Trong khi đó, đeo bám thị trường hơn 3 năm qua, anh Tâm chua chát kể, cổ phiếu DZM giờ chỉ còn 5.000 đồng - số tiền chẳng đủ để ăn sáng. Tuy sở hữu 10.000 cổ phiếu, nhưng với thị giá hiện nay của DZM, số chứng khoán này chỉ còn 50 triệu đồng, trong khi cách đây 2 năm ai muốn sở hữu nó phải bỏ ra gấp 4 lần.

"Năm 2011 tôi chẳng nhận được đồng cổ tức nào và nghe đâu năm nay cũng chẳng có vì công ty kinh doanh khó khăn. Nếu tính yếu tố trượt giá, lạm phát, thì danh mục đầu tư của tôi còn giảm nhiều hơn nữa, chứ không phải chỉ 75%", anh Quốc phân tích.

Dù bạn bè khuyên bán bớt khi giá về 10.000 đồng, tức giảm 50% so với lúc mua nhưng anh vẫn tự nhủ "rồi sẽ nhanh chóng bật lại theo phỏng đoán của các chuyên gia, giới phân tích". Kết quả, cổ phiếu giờ chỉ còn nửa mệnh giá, cuốn phăng bao dự định của anh khi đầu tư chứng khoán. Những chuyến du lịch dài ngày, ý định hùn vốn làm ăn với bạn bè, mở rộng diện tích nhà tắt ngấm. Bởi không chỉ DZM, mà 5 mã chứng khoán khác anh đang sở hữu cũng giảm 30-50% giá trị.

Còn chị Hồng, một nhà đầu tư "nếm mật nằm gai" cùng thị trường 5 năm nay lại sợ hãi khi nghe tới 2 từ chứng khoán. Cơn lao dốc khủng khiếp của thị trường khiến túi tiền của chị bốc hơi hàng tỷ đồng. Tiền nằm trong bất động sản bị đóng băng và chết theo, hội của chị chẳng ai còn bám sàn, lướt bảng điện tử như trước. Vài cổ phiếu dưới 5.000 đồng đang có, chị xem như "của để dành", vì chẳng thấm vào đâu so với số vốn chị bỏ ra mua.

“Bây giờ nếu có tiền tôi chỉ gửi tiết kiệm, tích lũy lâu dài. Tôi đã trả cái giá quá đắt khi đầu tư chứng khoán: tiền bạc, sức khỏe, thời gian nhưng cuối cùng chẳng còn lại gì, thậm chí còn ôm nợ. Hiện giờ trong tôi chỉ cảm còn giác chán nản mỗi khi nhắc tới cổ phiếu”, chị trải lòng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhà đầu tư cần lưu ý kỹ những cổ phiếu hiện chỉ còn vài nghìn đồng, bởi "tiền nào của ấy", giá cổ phiếu phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp. Đặt trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, vẫn có những công ty sống tốt, lãi cao, hoạt động ổn định, phản ánh qua báo cáo tài chính, minh bạch thông tin.

Để tránh mua phải cổ phiếu dỏm, theo ông Hải, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ doanh nghiệp, nhóm ngành cụ thể, cơ hội trong kinh doanh, trình độ quản trị của lãnh đạo. Xét theo tiêu chí này, có những mã hiện chỉ vài nghìn đồng nhưng lại không hề rẻ chút nào, bởi thực chất công ty chẳng còn tài sản gì, tổng nợ lớn hơn cả tổng tài sản, cổ đông sẽ mất trắng khi đơn vị phá sản.

Tuy nhiên, những cổ phiếu siêu rẻ thường được giới lướt sóng chuộng, nên giá biến động mạnh, giao dịch lớn, dù chẳng có tin hỗ trợ. "Nếu mua phải cổ phiếu dạng này, nhà đầu tư sẽ thiệt thòi, nhất là những người chưa có kinh nghiệm, người mới vào thị trường", ông khuyến cáo.

Một lãnh đạo Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết, Sở sẽ siết hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp hơn nữa trong thời gian tới để nhà đầu tư nhanh chóng nắm được tình hình công ty. Nếu công ty công bố qua loa, sai lệch, Sở sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình, làm rõ, chứ không có chuyện thông tin ra sao là tùy công ty. Với những trường hợp thua lỗ liên tục, có khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu, Sở cũng cảnh báo tới nhà đầu tư để có sự chuẩn bị trước, chủ động trong phương án đầu tư.

2 sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM có khoảng 700 mã niêm yết. Hiện sàn Hà Nội (HNX) có trên 100 mã giá dưới 5.000 đồng. Sàn TP HCM (HOSE) có hơn 60 mã thị giá dưới 5.000 đồng. SME đang có giá thấp nhất (giá tham chiếu 300 đồng, phiên 23/10) và sẽ bị loại khỏi sàn giao dịch từ 26/10.