Điều hành chính sách tiền tệ:

Manh nha những chuyển động mới

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, rủi ro tỷ giá còn lớn, sở hữu chéo trong ngân hàng vẫn phức tạp, nợ xấu chưa giảm vững chắc, ngành ngân hàng vẫn còn bề bộn công việc phải giải quyết...

Lợi nhuận của khối ngân hàng trong 9 tháng qua vẫn sụt giảm. Nguồn: internet
Lợi nhuận của khối ngân hàng trong 9 tháng qua vẫn sụt giảm. Nguồn: internet
Trên thực tế, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang ngày càng tỏ ra quyết tâm hơn, ban hành các văn bản, tạo lập hành lang pháp lý bền vững hơn để tạo thay đổi căn bản trong công tác điều hành tỷ giá, bình ổn thị trường vàng, tiền tệ. Thế nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia, rủi ro tỷ giá vẫn còn lớn, sở hữu chéo trong ngân hàng vẫn phức tạp, nợ xấu chưa giảm vững chắc, ngành ngân hàng vẫn còn bề bộn công việc phải làm.

Một số chuyển biến lớn

Tháng 11 là thời điểm hợp lý để khớp nối các sự kiện, kết quả đã diễn ra trong năm và từ đó đưa ra cái nhìn tổng quát. Cũng gần 2 năm trôi qua, kể từ khi NHNN  thực hiện chính sách điều hành tiền tệ nghiêm túc và sòng phẳng để theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Tới thời điểm này, có thể nhận thấy  tỷ giá không còn bị chi phối bởi "thị trường tự do”.  "Kíp nổ tỷ giá” đã được NHNN gỡ một cách nhẹ nhàng.

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng tiền đồng đạt trên 11% trong khi tín dụng ngoại tệ âm tới 13,6%. Tín dụng ngoại tệ sút giảm nằm trong lộ trình chống đô la hóa của Chính phủ, bắt đầu từ năm 2011, kéo dài đến năm 2020. Theo PGS., TS. Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, nhờ việc siết chặt cho vay ngoại tệ mà tỷ trọng cho vay ngoại tệ trên tổng dư nợ đã giảm rất mạnh. Các quan hệ huy động và cho vay ngoại tệ trong nền kinh tế dần chuyển sang quan hệ mua bán. Tỷ lệ huy động ngoại tệ trên tổng dư nợ giảm dần.

Bên cạnh ngoại tệ, thị trường vàng đã có những chuyển biến, khi gần đây, số vàng "ế” trong các phiên đấu thầu vàng của NHNN lớn. Cụ thể, trong phiên đấu thầu vàng ngày 1/11 vừa qua, NHNN tung ra 1 lượng ít ỏi 15.000 lượng vàng nhưng vẫn phải mang về 200 lượng vàng do không bán được. Điều này cho thấy, nhu cầu vàng trong dân đã hạ nhiệt. Chủ trương loại hẳn các ngân hàng thương mại cổ phần ra khỏi cuộc chơi vàng của NHNN đã khiến thị trường không còn những nhà đầu cơ lớn, từ đó sóng vàng cũng lặng dần. Việc NHNN có thể cung vàng bất cứ lúc nào đang dập tắt ý định làm giá của mọi nhà đầu cơ.

Song theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tỷ giá và chính sách tỷ giá luôn là vấn đề nóng bỏng vì nó ảnh hưởng mang tính chất trường tồn tới các biến số kinh tế vĩ mô. Trong tương lai gần, chính sách tỷ giá của Việt Nam khó có thể chuyển sang được cơ chế thả nổi. 

Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, NHNN 8 lần liên tiếp giảm các lãi suất chủ chốt. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 9 - 12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006, thấp hơn năm 2007. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9 - 11%/năm.

Lúc nào phá băng tín dụng, giảm nợ xấu?

Tuy nhiên cũng không ít người đặt câu hỏi, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng bao giờ hết ám ảnh, sở hữu chéo, sân sau ngân hàng bao giờ được gỡ bỏ. Và bao giờ, doanh nghiệp được tiếp cận tiền để sản xuất.

Theo yêu cầu đặt ra từ đầu năm 2013, để đảm bảo kinh tế tăng trưởng là 5.5% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt mốc 12%. Mặc dù thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vừa trả lời trước Quốc hội, tín dụng hoàn toàn có khả năng tăng trưởng 11- 12% nhưng nhiều lo ngại vẫn cho rằng, khi nhu cầu tín  dụng chưa bứt phá, doanh nghiệp yếu mà NHNN quyết về đích kịp giờ , đó chắc chắn là biện pháp phản khoa học. 

Tính đến hết tháng 9-2013, trên tổng số 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì có tới 66% doanh nghiệp hoạt động không có lãi. Cái giá mà NHNN đang phải hứng chịu là cảnh ngân hàng thương mại thừa tiền, dư thanh khoản nhưng chưa cho vay ra được. Trong khi giảm lãi suất là mục tiêu của NHNN hướng tới thì việc NH hạn chế cho vay, chỉ cho những doanh nghiệp "sân sau”, "nhất thân nhì quen” vay đã làm triệt tiêu mục đích tốt đẹp của NHNN. 

Từ việc tín dụng chưa khơi thông, kéo theo hệ lụy, nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng vẫn tăng, chuyên gia tài chính ngân hàng - ông Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, nợ xấu vẫn là rào cản lớn nhất. Lợi nhuận của khối ngân hàng trong 9 tháng vẫn sụt giảm. Nếu tính đủ, tính đúng thì nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng không chỉ dừng lại ở 138.980 tỷ đồng, chiếm 4,58% trong tổng dư nợ như NHNN công bố. Các tổ chức nước ngoài cảnh báo, nợ xấu Việt Nam ở tầm cao hơn 12%.

Có lẽ chưa bao giờ NHNN lại "đau đầu’ như lúc này, muốn giải bài toán tăng trưởng tín dụng bằng cách tăng tổng cầu, phá nợ xấu nhưng vẫn muốn giữ nghiệm số chung  là ổn định kinh tế vĩ mô.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Để xử lý tốt nợ xấu thời gian tới, cần nhiều giải pháp hơn nữa. Cụ thể, nếu nợ đọng xây dựng cơ bản được giải quyết, sẽ xử lý được thêm 3% nợ xấu. Ngoài ra, cần có các giải pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế. Các ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012 trích lập và xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro là 70.000 tỉ, và trong 9 tháng năm nay tăng thêm 32.000 tỉ đồng.