"Mạnh tay" gom HDB, các "sếp lớn" toan tính gì?

Theo Nguyên An/thuongtruong.vn

HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang gánh nợ lớn, đi cùng với đó là giá cổ phiếu đã giảm sâu trong nhiều phiên. Tuy nhiên cổ phiếu HDB vẫn được các "sếp lớn" tích cực gom.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Tích cực gom để tích trữ ở vùng giá thấp

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank – HoSE: HDB) vừa có thông báo cho biết, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đã mua thành công 200.000 cổ phiếu HDB, phương thức giao dịch khớp lệnh trong 2 ngày 20/11 và 21/11. Trước giao dịch, ông Nam không nắm cổ phiếu HDB nào.

Với mức giá dao động từ 30.250-30.450 đồng/cổ phiếu trong 2 ngày 20-21/11, ước tính ông Nam đã phải bỏ ra trên 6 tỷ để sở hữu hơn 200.000 cổ phiếu HDB.

Trước đó, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HDBank Nguyễn Hữu Đặng cũng đã mua được 375.000 cổ phiếu HDB. Mặc dù đăng kí mua 500.000 cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 9/11-30/11 tuy nhiên do điều kiện thị trường chưa thuận lợi nên ông Nguyễn Hữu Đặng đã không thực hiện hết khối lượng đã đăng ký.

Được biết, trong khoảng thời gian giao dịch từ ngày 19-30/11, giá cổ phiếu HDB giao động từ 30.000-30.900 đồng/CP. Ước tính theo mức giá này, ông Nguyễn Hữu Đặng đã phải bỏ ra khoảng 11,3-11,6 tỷ đồng để sở hữu 375.000 cổ phiếu HDB.

Trước đó, không chỉ CEO HDBank, một lãnh đạo khác tại ngân hàng là ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc cũng đăng ký mua vào với số lượng 200.000 cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận với thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/11 – 20/12/2018. 

Quan sát diễn tiến giá có thể nhận thấy, vùng giá hiện tại là vùng thấp điểm nhất của cổ phiếu HDB kể từ ngày đầu niêm yết. Như vậy, động thái mua vào của các "sếp lớn" ngân hàng có thể được xem như việc "tích trữ" ở vùng giá thấp.

Động thái gia tăng sở hữu của lãnh đạo ngân hàng VHDBank thực tế diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của ngành ngân hàng liên tục lao đốc. Sau những phiên lình xình giằng co quanh mức giá 30.x, cổ phiếu HDB đã có phiên giao dịch khởi sắc ngày hôm qua (5/12) khi tăng mạnh lên 31.200 đồng/cp.

HDB có gì hấp dẫn?

 

Được biết, tại Báo cáo tài chính vừa mới công bố, HDBank đã có một năm khởi sắc với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 2.884 tỷ đồng.

 

Theo báo cáo vừa công bố, tổng thu nhập hoạt động của HDBank đạt 6.783 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 18,5% lên 5.484 tỷ đồng, và tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập.

Các mảng hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư, kinh doanh chứng khoán tiếp tục mang lại hiệu quả với thu nhập thuần lần lượt đạt 128,8 tỷ đồng và 461,4 tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 340,9 tỷ đồng, gấp hơn ba lần cùng kỳ 2017.

Về quản lý chi phí, ngân hàng kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động, với hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) hợp nhất giảm về mức 48% so với 52,4% thời điểm cuối quý 3/2017.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã giảm mạnh 14,7% so với cùng kỳ do chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng (theo Thông tư 02) hợp nhất tại 30/9/2018 của HDBank được kiểm soát ở mức 1,39%, ở mức thấp so với toàn ngành. Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank là 1%, thấp nhất toàn ngành.

 

 Tuy nhiên, nếu nhìn sâu, với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy HDB vẫn gặp phải một số trở ngại nhất định.

Trong quý 3, lợi nhuận trước thuế đạt 821 tỷ đồng (-20,3% YoY), thấp hơn một chút so với ước tính. Mặc dù năm thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi 9 tháng năm 2018 đều đạt mức tăng trưởng khá với 18,5% YoY và 33,8% YoY, cả hai khoản muc này đều giảm trong quý 3 với -5,1% YoY và -35,4% YoY. Ngân hàng không thu được lợi nhuận từ việc bán các khoản đầu tư chứng khoán như trong các quý trước.

Cho vay khách hàng đạt 120.893 tỷ đồng (+ 15,7% YTD, 0,5% QoQ), cao hơn mức trung bình hệ thống là 9,52% tính đến ngày 20/9/2018. Tiền gửi khách hàng là 129.966 tỷ đồng (+ 11% YTD), cũng cao hơn mức trung bình hệ thống9,15% tính đến ngày 20/9/2018. Tỷ lệ LDR thuần (đã bao gồm chứng chỉ tiền gửi) tăng 83,5% từ mức 80,2% trong năm 2017. Tỷ lệ NIM giảm nhẹ xuống còn 3,98% từ mức 4,1% trong quý 3/2017 và 4,09% vào năm 2017.

Tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu 9 tháng 2018 là khoảng 73% so với 73% trong năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu là 1,5%, không đổi so với giai đoạn Q4/2017 – Q2/2018. HDBank giảm giá trị trái phiếu VAMC từ 2.004 tỷ đồng vào năm 2017 xuống còn 717,361 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Do đó, chi phí dự phòng quý 3 ở mức thấp là 146,552 tỷ đồng (-54,1% YoY), nhờ tỷ lệ nợ xấu không tăng và trái phiếu VAMC giảm.

Được biết, HDBank bắt đầu bán nợ cho VAMC từ năm 2013 sau khi Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam được thành lập. Theo báo cáo, số dư trái phiếu đặc biệt của HDBank đạt đỉnh vào năm 2015 với hơn 3.000 tỷ đồng và giảm dần về mức gần 1.600 tỷ gần đây.

Ngoài nợ xấu đang bán cho VAMC, ngân hàng còn khoảng 1.720 tỷ đồng nợ xấu trong tổng dư nợ 120 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 1,4%. Quy mô nợ xấu này bao gồm nợ xấu tại ngân hàng, tỷ lệ khoảng 1%, phần còn lại do đóng góp phần lớn từ công ty tài chính tiêu dùng HDSaison.

Tín dụng quý 3 của HDBank và HD Saison cùng tăng trưởng kém so với quý 2 do tăng trưởng tín dụng mảng tài chính tiêu dùng chậm. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất trong 9 tháng đầu năm đạt 14,2% trong khi tăng trưởng tín dụng tính riêng ngân hàng mẹ đạt 15%. Điều này cho thấy HD Saison chỉ đạt tăng trưởng 6,6%. Tăng trưởng tín dụng quý 3 chỉ tăng 0,5% so với quý trước trong khi mức tăng của quý 2 là 3,8%.

Tăng trưởng tín dụng qúy 3 giảm dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng trong quý 3 là 968 tỷ đồng, giảm 23% so với mức 1.264 tỷ đồng trong quý 2. Tính đến cuối tháng 9/2018, HDBank đã gần chạm mức trần tăng trưởng tín dụng do NHNN đề ra đầu năm. Ngân hàng đã xin phép NHNN nâng trần tăng trưởng tín dụng lên 40% để bù đắp cho việc sáp nhập ngân hàng PG Bank, nhưng vì thương vụ này từng gặp một số khó khăn về thủ tục xin phép chấp thuận nguyên tắc sáp nhập nên khó có khả năng hoàn tất sáp nhập chính thức trong quý 4.

Trong một diễn biến liên quan, một số dẫn chứng đưa ra có thể thấy, việc sáp nhập PGBank sẽ làm tăng nợ xấu của HDBank. PGBank hiện nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô tổng tài sản nhỏ nhất trong ngành và gặp vấn đề về chất lượng tài sản.

Bản thân HDBank cũng có nợ xấu cao do các khoản vay quá hạn phát sinh trong quá khứ (trái phiếu VAMC chiếm 54% tổng tài sản có vấn đề). Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nợ xấu tại HDBank sau sáp nhập sẽ ở mức có thể xử lý được và HDB có đủ tiềm lực tài chính để giải quyết nợ xấu, dựa trên triển vọng tăng trưởng thuận lợi của ngân hàng với cơ sở khách hàng mở rộng đáng kể sau sáp nhập.

Trong trường hợp sáp nhập, LLR (hệ số dự phòng) của HDBank sẽ giảm từ 73,3% tại thời điểm cuối năm 2017 xuống còn 60,4%. Với tỷ lệ nợ xấu đang tăng và nguồn dự phòng thấp tại PGBank, VNDS kỳ vọng chi phí tín dụng sẽ tăng lên sau sáp nhập nhằm cải thiện nguồn dự phòng và tạo điều kiện cho chính sách xóa nợ tích cực hơn. HDBank cho biết, tính đến cuối tháng 5/2018, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt mức tăng trưởng 14%.