Mất hơn 60 tỷ đồng vì thẻ ATM giả

Theo ICT news

Liên tục các vụ mất cắp qua tài khoản thẻ ngân hàng trong thời gian qua đã khiến nhiều khách hàng lo lắng về độ an toàn của tài khoản thẻ ngân hàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia công nghệ tin học ngân hàng, các ngân hàng đã, đang và sẽ buộc phải chấp nhận rủi ro về thẻ ATM giả, ngay cả khi đã chuyển đổi công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip bất chấp việc thời gian qua sau nhiều vụ trộm, mức độ an ninh đã được thắt chặt hơn.

Thông tin từ một thành viên của Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, trong năm 2011, số tiền mà tội phạm lấy được từ các thẻ ngân hàng tại Việt Nam là khoảng 3 triệu USD (khoảng 62,5 tỉ đồng).

Qua phân tích của các nhà chuyên môn cho thấy, thủ đoạn phổ biến của tội phạm làm giả thẻ ATM là dùng các website giả hoặc giả mạo nhân viên ngân hàng gửi mail yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin, hoặc gắn các thiết bị đọc băng từ của thẻ trên các máy ATM để lấy thông tin người dùng, sau đó chuyển sang thẻ trắng rồi thực hiện lấy tiền trong tài khoản…

Điều này cũng lý giải tại sao Việt Nam là nước xảy ra nhiều vụ mất trộm tài sản qua thẻ vì ở nước ta nhiều ngân hàng vẫn còn dùng thẻ từ, một loại thẻ không đảm bảo an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của chủ thẻ, có thể dễ dàng sao chép, ăn trộm mã số thẻ.

Để giải quyết nạn mất trộm tài sản qua thẻ ATM giả, biện pháp được coi là tối ưu nhất hiện nay là chuyển đổi tất cả thẻ từ sang thẻ chip.

Tuy nhiên, theo ông Anwar McEnter, Quản lý bán hàng khu vực Đông Nam Á, Công ty RAPID 7: Thẻ chip có thể gây khó khăn hơn đối với việc làm giả thẻ, song không phải là phương thức có thể “triệt tiêu” thẻ giả. Tội phạm vẫn có thể làm giả được loại thẻ này.

Chia sẻ về nguy cơ thẻ ATM giả tại Việt Nam, ông Đặng Mạnh Phổ, giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, thẻ ATM giả là điều khó tránh, chỉ có thể giảm thiểu tối đa chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn.

Các ngân hàng trên thế giới đều phải chấp nhận sự tồn tại một tỷ lệ nhất định của thẻ giả. Chẳng hạn ở Mỹ, tỷ lệ thẻ giả được xác định ở mức 5% tổng số thẻ phát hành. Và các ngân hàng luôn phải dành một khoản chi phí nhất định giống như một loại quỹ riêng để bù đắp cho chi phí thất thoát do rủi ro thẻ giả này.

Thế nhưng, tại Việt Nam, đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể nào về tỷ lệ thẻ giả cũng như việc phải dành quỹ để bù đắp rủi ro do thẻ giả. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn các ngân hàng hạn chế, giảm thiểu tác hại, rủi ro của thẻ giả, và cách thức "sống chung với lũ" hiện cũng vẫn chưa thấy được Ngân hàng Nhà nước công bố.