Mâu thuẫn cổ tức làm nóng mùa đại hội cổ đông

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Ban lãnh đạo các doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ cổ tức hoặc không chia nhằm đảm bảo nguồn tiền đầu tư, ngược lại cổ đông muốn trích một phần để phân phối lợi nhuận trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều kém sinh lời.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2013 được nhiều doanh nghiệp ghi nhận khó khăn nhất từ trước đến nay và cũng là năm lỗ đầu tiên của khá nhiều đơn vị trên sàn chứng khoán. Nhiều đơn vị vì vậy dè dặt trong vấn đề chia cổ tức, thậm chí lên kế hoạch không chia trong 5 năm.

Tại đại hội cổ đông Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC), từ đầu cho đến cuối buổi họp cổ đông liên tục đề nghị hội đồng quản trị bổ sung phương án chia cổ tức 2013.

Một cổ đông nắm giữ trên 100.000 cổ phiếu MPC bức xúc nói: “Chúng tôi đã phải mua cổ phiếu với giá cao, sắp tới công ty lại hủy niêm yết trên sàn. Hội đồng quản trị có đưa ra phương án mua lại với giá cao gấp đôi so với mệnh giá, nhưng vẫn không bằng giá chúng tôi nên đề nghị được chia cổ tức”.

Nhiều cổ đông lớn - chủ yếu là những người nắm giữ trọng trách tại công ty lại muốn giữ lại lợi nhuận để cân đối dòng tiền. Sau nhiều tranh cãi căng thẳng, HĐQT cùng với công ty đã tiến hành biểu quyết. Kết quả, 74,05% tỷ lệ cổ đông tán thành chia cổ tức ở mức 15%.

Năm 2013 công ty này lãi 293,8 tỷ đồng, đạt 99,6% kế hoạch. 2014, Minh Phú đặt  kế hoạch kim ngạch xuất khẩu hợp nhất 550 triệu USD, tổng doanh thu 11.715 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 412 tỷ đồng, tăng 40% so với 2013.

Còn tại đại hội của Công ty cổ phần Sacom (Mã CK: SAM), cổ đông cũng liên tục đưa ra phương án nâng cổ tức.

“Với phần lợi nhuận khá trong năm qua, tôi đề nghị hội đồng quản trị xem xét nâng mức cổ tức 2013 và 2014 từ 12% lên 15%. Bởi lẽ khi nâng cổ tức, cổ đông sẽ cảm thấy được chia sẻ nhiều hơn, mặt khác cũng phần nào cải thiện được giá cổ phiếu”, cổ đông Sacom nói.

Ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch Hội đổng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cho hay, nguồn tiền còn dùng cho việc đầu tư nên không đủ để chia, nên rất mong cổ đông thông cảm. Còn mức cổ tức cho năm nay vẫn sẽ giữ nguyên như 2013, nhưng sẽ điều chỉnh nếu công ty làm ăn thuận lợi.

Tại đại hội REE, cổ đông cũng cảm thấy không hài lòng với mức chia cổ tức 16% mà công ty đề xuất. Cổ đông cho rằng lợi nhuận giữ lại của đơn vị này không cân bằng so với mức chia cổ tức, trong khi đó lương ban lãnh đạo thuộc diện khá cao. Mặt khác, việc phát hành ESOP chỉ phân bổ cho cán bộ công nhân viên trong công ty là chưa công bằng đối với các cổ đông khác.

Hội đồng quản trị công ty này cho rằng còn nhiều dự án phải đầu tư nên xin phép để lại lợi nhuận. Còn về cổ phiếu ESOP là phát hành cho ban lãnh đạo và cộng sự chứ không phải ESOP thuần túy. Bởi, thay vì công ty thưởng bằng tiền thì nay thưởng bằng cổ phiếu. Năm 2013, REE đạt 976 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gần gấp đôi so với năm ngoái.

Năm nay khối ngân hàng cũng không kém phần sôi nổi khi cổ đông dành khá nhiều thời gian để tranh luận về cổ tức. Tiêu biểu là tại đại hội Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), Kỹ thương (Techcombank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… cổ đông cảm thấy bức xúc khi các đơn vị này giảm hoặc không chia cổ tức. Thậm chí, có đơn vị lên kế hoạch không chia trong 5 năm khiến nhiều cổ đông hụt hẫng. Đặc biệt đối với một số cổ phiếu chưa lên sàn mà giá có chiều hướng đi xuống, nhiều nhà đầu tư than thở đã thua lỗ và mong "gỡ gạc" bằng tiền cổ tức. Nhưng hy vọng cũng vội tắt khi yêu cầu của cổ đông được hội đồng quản trị giải trình với nhiều lý do khác nhau. Cuối cùng quyền quyết định vẫn phụ thuộc vào cổ đông lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) bình luận cổ đông yêu cầu chia cổ tức khi công ty làm ăn có lãi là lý do chính đáng. "Nhiều nhà đầu tư khi góp vốn vào công ty chỉ mong có lãi vào cuối năm thông qua chia cổ tức, nên việc họ tỏ ra gay gắt với công ty là đúng. Bởi lẽ, họ đầu tư thì họ được quyền đòi hỏi", ông Hải nói.

Theo ông Hải, một số lãnh đạo đưa ra lý do đầu tư mới còn dàn trải và thiếu thực tế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đề xuất mức chia thù lao cho ban lãnh đạo cao hơn so với mọi năm, nhưng lại không trích tiền để chia cổ tức cho cổ đông là điều vô lý. Cổ đông cần xem xét lại việc đầu tư ở những công ty như thế này.

Tổng thư ký VAFI cho rằng vẫn có những công ty giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào những hạng mục chính đáng, nhưng con số này chiếm rất ít. Do vậy, ông khuyên khi đầu tư nên xem kỹ quá trình phát triển của doanh nghiệp qua 10 năm. Cụ thể, trong lịch sử 10 năm đó, vốn tại doanh nghiệp này có tăng không, chất lượng sản phẩm thế nào, thị giá của cổ phiếu này biến đổi ra sao...