Nghị định số 42/2015/NĐ-CP:

“Mở đường” cho thị trường chứng khoán phái sinh phát triển

ThS. Nguyễn Thị Hải Vân

(Taichinh) - Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015, Nghị định số 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ là cơ sở pháp lí quan trọng mở đường cho thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ cho thị trường chứng khoán cơ sở phát triển ổn định, vững chắc, từ đó tăng sức cạnh tranh và thu hẹp dần khoảng cách giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng trong ba mục tiêu trong tái cơ cấu nền kinh tế. Để tái cấu trúc TTCK, các nhà quản lý cần phải đa dạng hóa các loại hàng hóa, từ đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư (NĐT) có thể lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp cũng như phân tán được rủi ro khi đầu tư.

Những năm gần đây, TTCK Việt Nam biến động thất thường, rủi ro cao. Do vậy, cộng đồng các NĐT ngày càng quan tâm đến quản trị rủi ro, nhưng chưa có các công cụ cần thiết để phòng ngừa rủi ro. Các công cụ phái sinh hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này bởi đó là công cụ hỗ trợ NĐT phòng vệ rủi ro và gia tăng lợi nhuận.

Điều quan trọng hơn cả là để thị trường tài chính trong nước vận hành theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế cũng như tăng cường thu hút vốn đầu tư gián tiếp thì việc xây dựng TTCK phái sinh tập trung là cần thiết, góp phần làm tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh của TTCK Việt Nam.

Là thị trường cao cấp của thị trường tài chính, hoạt động của TTCK phái sinh rất phức tạp, kể cả trên phương diện đề ra cơ chế, chính sách của Nhà nước, đến các nghiệp vụ giao dịch, các chủ thể tham gia thị trường...

Để triển khai thành công một TTCK phái sinh, đặc biệt đối với TTCK mới nổi và nhiều biến động như Việt Nam, phải kết hợp được điều kiện cần về mức độ phát triển, nhu cầu đầu tư của thị trường và điều kiện đủ là sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, trong đó quan trọng nhất là các cơ sở pháp lý.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính - chứng khoán, nhìn chung, TTCK Việt Nam đạt đến một quy mô thị trường cơ sở cần thiết để triển khai giao dịch các sản phẩm phái sinh. Trong những năm qua, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ quan quản lý cũng như sự chuẩn bị của các thành viên thị trường.

Theo đó, sau một thời gian dài nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có TTCK phát triển thế giới, ngày 05/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Đây được coi là cơ sở pháp lí đầu tiên, mở rộng đường cho TTCK phái sinh phát triển, đáp ứng được sự mong đợi lâu nay của các NĐT chứng khoán.

Với 8 Chương, 44 Điều, Nghị định số 42/2015/NĐ-CP đã bao trùm hết các vấn đề về pháp lý trong hoạt động của TTCK phái sinh và các vấn đề liên quan khác, trong đó, rất nhiều nội dung rất được các đối tượng tham gia thị trường quan tâm, như:

Về điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh

Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định rõ, việc kinh doanh chứng khoán phái sinh của tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Để được cấp Giấy chứng nhận, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán. Đồng thời, còn phải đáp ứng các điều kiện tài chính sau:

- Đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh: Là công ty chứng khoán (CTCK) có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên.

- Đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh: Là CTCK có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh.

- Đối với hoạt động tư vấn chứng khoán phái sinh: Là tổ chức kinh doanh chứng khoán có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật về chứng khoán.

- Trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động tư vấn, môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của CTCK phải đạt tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, tổ chức kinh doanh chứng khoán còn phải đáp ứng các yêu cầu về kết quả kinh doanh, tỷ lệ vốn khả dụng, quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó (tổng) giám đốc phụ trách nghiệp vụ và tối thiểu năm (05) nhân viên cho mỗi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh dự kiến đăng ký có chứng chỉ hành nghề chứng khoán và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Tổ chức kinh doanh đó không đang trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc đang trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền...

Về cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh

Theo Khoản 2, Điều 4 của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP, các CTCK, ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được UBCKNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận bao gồm: Là thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; hoặc CTCK đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh. Ngoài ra, còn phải đáp ứng các điều kiện tài chính sau:

- Đối với thành viên bù trừ trực tiếp: Là ngân hàng thương mại có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ 5.000 tỷ đồng trở lên; hoặc là CTCK có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 900 tỷ đồng trở lên.

- Đối với thành viên bù trừ chung: Là ngân hàng thương mại có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ 7.000 tỷ đồng trở lên; hoặc là CTCK có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ 1.200 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, các tổ chức kinh doanh này cũng cần phải đáp ứng yêu cầu về kết quả kinh doanh, tỷ lệ vốn khả dụng (đối với CTCK) hoặc tỷ lệ an toàn vốn, vốn cấp cho chi nhánh (đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và quy trình nghiệp vụ cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính…

Về quy định đầu tư chứng khoán phái sinh

Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định rõ, tổ chức, cá nhân được tự do đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên TTCK phái sinh, trừ các trường hợp đầu tư có điều kiện cụ thể dưới đây:

- CTCK chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được UBCKNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tự doanh chứng khoán phái sinh.

- Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn ủy thác, vốn của quỹ đầu tư hoặc công ty đầu tư chứng khoán trong trường hợp hợp đồng quản lý danh mục đầu tư, điều lệ quỹ đầu tư hoặc công ty đầu tư chứng khoán có điều khoản cho phép sử dụng nguồn vốn ủy thác, vốn của quỹ đầu tư hoặc công ty đầu tư chứng khoán để đầu tư chứng khoán phái sinh; công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình, kể cả nguồn vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

- Doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

- Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, DNNN, DN thuộc sở hữu 100% vốn của DNNN chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu cho phép thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Về thanh tra, xử lý vi phạm

Hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm liên quan đến niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư và dịch vụ về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh được thực hiện theo các quy định từ Điều 108 đến Điều 130 Luật Chứng khoán, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Các hành vi vi phạm của thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh được xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK áp dụng cho CTCK. Các hành vi vi phạm của thành viên bù trừ được xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK áp dụng cho CTCK, thành viên lưu ký và ngân hàng lưu ký.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định số 42/2015/NĐ-CP Ngày 05/5/2015 quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh.

2. PGS.,TS. Đinh Xuân Hạng, Học viện Tài chính, Từ kinh nghiệm xây dựng TTCK phái sinh Hàn Quốc và vận dụng cho Việt Nam,

3. PGS.,TS. Ngô Hướng, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Phát triển TTCK phái sinh.