Cách mạng công nghiệp 4.0:

Mở ra nhiều cơ hội mới cho các tổ chức tài chính trung gian

Theo Tạp chí Chứng khoán 12/2017

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang và sẽ có những tác động sâu rộng đến sự phát triển của nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Ngành Tài chính, một trong những ngành luôn đứng đầu về việc ứng dụng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Để hiểu rõ hơn về những tác động của cuộc CMCN 4.0 tới ngành Tài chính, cụ thể là lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán, Tạp chí Chứng khoán đã trao đổi với ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) xoay quanh chủ đề này. 

Phóng viên: Thưa ông, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội gì và đặt ra thách thức như thế nào đối với các công ty thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán?

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.

Ông Vũ Đức Tiến: Tôi cho rằng cuộc CMCN 4.0 sẽ có những tác động đáng kể và tạo ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, cụ thể:

Thứ nhất, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi cấu trúc hệ thống, phương thức lưu thông tiền tệ và thanh toán trong nền kinh tế theo hướng đa dạng và linh hoạt hơn. Tại Việt Nam, tỷ trọng thanh toán tiền mặt vẫn còn khá lớn, do vậy cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản hệ thống thanh toán tiền tệ trong nền kinh tế theo hướng thu hẹp các thanh toán sử dụng tiền mặt và thay vào đó là các giao dịch thanh toán tiền điện tử.

Thứ hai, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi phương thức hoạt động và cung cấp dịch vụ theo hướng hình thành các kênh phân phối sản phẩm tài chính trực tuyến hiện đại để nhìn nhận và đáp ứng nhu cầu riêng của từng khách hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chưa có đơn vị nào được coi là ngân hàng số, song đã có sự chuyển biến nhất định trước sự tác động của xu hướng này.

Thứ ba, mô hình tổ chức và quản trị của các tổ chức tài chính sẽ trở nên thân thiện và hiện đại hơn. Trong tương lai, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm cho mỗi tổ chức tài chính trở thành tổ chức tài chính trực tuyến và các chi nhánh sẽ thay đổi theo hướng từ vai trò là “trung tâm giao dịch” sang mô hình “ki-ốt thông minh, gọn nhẹ”. Hay như việc chăm sóc khách hàng sẽ được thay đổi theo mô hình chăm sóc khách hàng trực tuyến dựa trên nền tảng phát triển ứng dụng của trí tuệ thông minh (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Bigdata). Đồng thời, các phương thức giao dịch trên thị trường tài chính sẽ thay đổi theo hướng gia tăng sự kết nối toàn cầu và hoạt động liên tục.

Thứ tư, công tác quản lý nhà nước về tài chính sẽ được cải tiến cả về phương thức và công cụ quản lý theo hướng phát triển các ứng dụng AI, công nghệ thông minh trong các nghiệp vụ như quản lý, kiểm tra, giám sát và tư vấn hỗ trợ trực tuyến. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi về cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước. Cuộc CMCN 4.0 sẽ góp phần giảm tỷ trọng chi NSNN như chi lương, phụ cấp…

Bên cạnh những tác động tích cực, cuộc CMCN 4.0 cũng sẽ có những tác động tiêu cực đối với tổng thể nền kinh tế và tạo ra những thách thức đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán như:

- CMCN 4.0 hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt, kèm theo đó là việc sử dụng đồng tiền ảo, như Bitcoin. Đồng tiền ảo Bitcoin cũng giống như các đồng tiền điện tử khác không phải do ngân hàng trung ương phát hành, do đó các NHTW sẽ phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tiền tệ để thích ứng. Ngoài ra, NHTW cũng phải đối mặt với rủi ro là rơi vào tình trạng giống như “đô la hóa” vì Bitcoin có thể làm cho việc giao dịch ngoại hối trở nên dễ dàng. Đồng thời, sự phát triển của đồng tiền ảo sẽ tác động tới hệ số tạo tiền đẩy nhanh tốc độ lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế nếu được sử dụng rộng rãi;

- CMCN 4.0 sẽ thu hẹp thị trường lao động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán. Theo đó, những vị trí việc làm như giao dịch viên của ngân hàng, của đại lý bảo hiểm hay môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính… sẽ dần bị thay thế bởi các sản phẩm của AI cùng với sự phát triển của IoT và công nghệ Big data. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới sử dụng rô bốt để tự động trao đổi, trả lời yêu cầu của khách hàng;

- Gia tăng thách thức đối với việc bảo mật thông tin, đảm bảo an ninh mạng. Tài chính, ngân hàng, chứng khoán là lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi sự tấn công của tin tặc bởi vì các lĩnh vực này được coi là mảnh đất màu mỡ để tin tặc có thể đánh cắp dữ liệu và trục lợi;

- CMCN 4.0 có thể làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và nâng cao các sản phẩm dịch vụ của các trung gian tài chính, trải nghiệm khách hàng. Với việc ứng dụng nhiều hơn CNTT, chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm của các trung gian tài chính có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm, dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng;

- CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán… trong bối cảnh doanh nghiệp công nghệ tài chính đang ngày càng mở rộng và phát triển. Theo đó, miếng bánh thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trên thị trường sẽ dần bị co hẹp lại, cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh khách hàng giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và công ty công nghệ là xu thế tất yếu.

Cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động như thế nào tới hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung và các CTCK nói riêng, thưa ông?

Cuộc CMCN 4.0 sẽ có những tác động nhất định tới sự phát triển của TTCK nói chung và của các tổ chức trung gian tài chính như CTCK nói riêng trên các mặt sau:

Về cơ cấu và chất lượng hàng hóa trên TTCK. Như chúng ta đã biết, CMCN 4.0 với động lực phát triển là AI, Cloud (điện toán đám mây), Big data… sẽ ảnh hưởng tới toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các nhóm cổ phiếu của nhiều ngành nghề sẽ bị tác động mạnh mẽ dẫn đến việc mất lợi thế cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK, nếu như không nắm bắt được lợi thế do CMCN 4.0 đem lại. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nào sớm ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 thì sẽ sớm chiếm lĩnh thị phần, thị trường và vươn lên thống lĩnh ngành nghề hoạt động. Điều này sẽ làm thay đổi cơ cấu và chất lượng hàng hóa trên TTCK và sẽ là động lực để thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Đồng thời, chính TTCK cũng là kênh huy động vốn hiệu quả, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư vào khoa học công nghệ.

Về nhà đầu tư trên TTCK. Các nhà đầu tư Việt Nam chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, do vậy việc tiếp cận và tìm hiểu về thông tin đầu tư cũng khá khó khăn. Với việc kết nối Internet cùng AI, Cloud hay Big data, nhà đầu tư cá nhân chỉ cần mở tài khoản và đăng nhập trên thiết bị di động là có thể biết được một khối lượng khổng lồ các thông tin về TTCK, cổ phiếu, bảng giá… Việc này giúp nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian và chi phí. Mặt khác, nếu các CTCK áp dụng AI thay cho nhân viên môi giới hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả đầu tư khả quan bởi AI sẽ dựa vào thông tin giao dịch cổ phiếu trong quá khứ với khối lượng và giá cả được tổng hợp một cách chính xác và đầy đủ sẽ đưa ra thông tin mua bán cho nhà đầu tư theo từng phút giao dịch trên sàn. Thậm chí, để loại bỏ yếu tố tâm lý – một điểm yếu lớn của con người trong giao dịch, AI sẽ thay thế nhà đầu tư trong việc tự động đưa ra các lệnh mua bán với độ chính xác và tránh được tâm lý bầy đàn khi thực hiện giao dịch.

Về các tổ chức trung gian tài chính, đặc biệt là các CTCK. Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra cơ hội mới giúp các tổ chức trung gian thị trường nâng cao hiệu quả hoạt động. CTCK có thể ứng dụng AI để quản lý danh mục rủi ro, quản lý danh sách khách hàng, quản lý cơ sở dữ liệu, hoàn thiện mô hình quản trị. Các CTCK sẽ dần chuyển sang mô hình công ty số với các đặc trưng đó là công nghệ số đóng vai trò trung tâm trong hoạt động của công ty, giúp kết nối giữa công ty với khách hàng, giữa các khách hàng với nhau một cách nhanh chóng, thuận tiện. Đây được coi là xu hướng tất yếu bởi những ưu thế vượt trội của AI khi kết hợp của Cloud và Big data do danh mục đầu tư sẽ được phân bổ với cơ cấu hợp lý giữa các loại chứng khoán, từng ngành nghề kinh doanh trên cơ sở thông tin thị trường toàn diện sẽ giúp các công ty này tối đa hóa kết quả kinh doanh.

Về cách thức quản lý TTCK. Cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, mô hình quản trị doanh nghiệp niêm yết, trình độ hiểu biết của nhà đầu tư. Vì vậy, vấn đề được đặt ra không chỉ là công nghệ, kết nối các hạ tầng cơ sở mà còn là sự thay đổi về luật pháp, chính sách quản lý trên TTCK.

Ông có kiến nghị gì để các CTCK nói chung và SHS nói riêng có thể tận dụng tối đa lợi ích mà CMCN 4.0 mang lại?

Theo tôi, các CTCK sẽ phải thay đổi hệ thống dịch vụ cung ứng cho khách hàng, tiệm cận và ứng dụng những thành tựu mới nhất của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, để làm được điều này, các CTCK cũng gặp phải không ít khó khăn. Do vậy, ngay từ bây giờ, các CTCK cần phải xây dựng chiến lược, đào tạo nhân lực, tăng cường năng lực tài chính, đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại… để có thể thích ứng và hội nhập kịp thời với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0. Theo đó, các CTCK cần phải:

- Tích cực và chủ động trong việc tìm kiếm, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 bằng  việc xây dựng chiến lược CNTT;

- Nghiên cứu và ứng dụng một số mô hình CTCK số nhằm thích ứng với cuộc CMCN 4.0 như: mô hình đăng ký là chuyển dịch từ trả phí cho từng sản phẩm sang mô hình đăng ký thanh toán trọn gói định kỳ và truy cập, sử dụng dịch vụ chứng khoán không giới hạn; hay mô hình theo yêu cầu là ứng dụng tiến bộ của cuộc CMCN 4.0 nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng…;

- Chú trọng quản lý an ninh mạng. Các CTCK cần đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng Trung tâm dự phòng dữ liệu, nâng cấp hệ thống an ninh mạng, nâng tầm mức bảo mật, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn và mang lại hiệu quả dài lâu;

- Chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chứng khoán công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng CNTT.

Cơ hội cho các CTCK là rất lớn nếu cuộc CMCN 4.0 lan rộng ra toàn cầu. Là một trong những CTCK hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, SHS đã sớm nhận ra điều đó và đang từng bước chuyển mình cũng như không ngừng đổi mới để bắt kịp với xu thế đó.

Hiện nay, SHS có nhiều sản phẩm dịch vụ hỗ trợ khách hàng tối đa trong giao dịch mua bán cũng như các sản phẩm tài chính đa dạng nhằm mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn và khả năng gia tăng lợi nhuận hiệu quả nhất. SHS sở hữu hệ thống phần mềm giao dịch chứng khoán trực tuyến SHPro (Home Trading System) hiện đại với nhiều tính năng ưu việt. Nhà đầu tư có thể thực hiện mọi nghiệp vụ liên quan đến hoạt động môi giới mà không cần đến sàn giao dịch với phí giao dịch thấp nhất, đặt lệnh với tốc độ tối ưu, sử dụng hệ thống phân tích, quản lý danh mục đầu tư chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được SHS hỗ trợ công cụ phân tích kỹ thuật với đồ thị biến động giá trong phiên giao dịch, sử dụng các dịch vụ tài chính một cách đồng bộ và thuận tiện như: dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, giao dịch ký quỹ (margin), dịch vụ rút tiền trực tuyến, chuyển khoản Ibanking thuận lợi và nhanh chóng nhờ có sự kết nối giữa tài khoản chứng khoán với hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, SHS đang tập trung nghiên cứu và sớm đưa vào các ứng dụng giao dịch phù hợp với các giao thức khác ngoài máy tính cá nhân như điện thoại di động, các loại thiết bị điện tử khác... Công nghệ này sẽ giúp cho SHS triển khai mạng lưới môi giới không bị phụ thuộc vào vị trí địa lý và tối ưu hóa chi phí cố định.

Với sự hỗ trợ tài chính ổn định, vững vàng của ngân hàng SHB, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn và các cổ đông sáng lập khác, SHS luôn có được nguồn vốn dồi dào và sẵn sàng làm cầu nối để nhà đầu tư tối đa hóa hiệu quả các cơ hội đầu tư.

Cùng với xu thế phát triển chung của thị trường và cuộc CMCN 4.0, SHS không ngừng nỗ lực cải tiến chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm, công nghệ… hướng đến mục tiêu là CTCK có chất lượng dịch vụ hàng đầu trên TTCK Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!