Mở rộng hợp tác để đổi mới, phát triển

PV.

(Tài chính) Với vai trò vận hành một Sở, ba thị trường, bước sang tuổi thứ 5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày càng khẳng định vị thế của một tổ chức đặc biệt, góp phần quan trọng vào sự hoàn thiện, phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về những thành công trên, Tài chính & Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc HNX.

Phóng viên: Năm 2013 tiếp tục khẳng định những điểm sáng nổi bật của thị trường trái phiếu sau 4 năm đi vào vận hành. Ông có thể điểm lại một vài dấu mốc trong quá trình xây dựng và vận hành thị trường quan trọng nói trên?

Mở rộng hợp tác để đổi mới, phát triển - Ảnh 1
Ông Trần Văn Dũng,
 Chủ tịch Hội đồng Quản trị,
Tổng Giám đốc HNX
Ông Trần Văn Dũng: HNX chính thức được Chính phủ giao nhiệm vụ vận hành thị trường giao dịch Trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt từ ngày 24/9/2009. Qua hơn 4 năm hoạt động, thị trường TPCP đã có những bước tiến lớn và quan trọng, huy động vốn cho nền kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm với lãi suất huy động luôn thấp hơn lãi suất ngân hàng.

Hoạt động đấu thầu trái phiếu tăng trưởng không ngừng về quy mô và mức huy động vốn. Nếu như năm 2009, huy động vốn mới đạt 2.599 tỷ đồng thì đến năm 2012, khối lượng vốn huy động qua kênh đấu thầu TPCP đã đạt 167.589 tỷ đồng. Hoạt động đấu thầu TPCP tại HNX được tổ chức định kỳ, đều đặn, rõ ràng với tính công khai, minh bạch cao, đặc biệt từ tháng 8/2012, với sự ra đời của hệ thống đấu thầu điện tử trên thị trường sơ cấp đã chính thức kết nối trực tiếp các thành viên đấu thầu với tổ chức phát hành và cơ quan quản lý….

Thị trường giao dịch TPCP cũng có bước phát triển nhanh và bền vững. Quy mô niêm yết TPCP không ngừng tăng từ 160 nghìn tỷ đồng năm 2009 lên đến hơn 460 nghìn tỷ đồng vào thời điểm tháng 6/2013. Thị trường đã hình thành phân khúc giao dịch dành cho trái phiếu ngắn hạn và dài hạn. Việc hoán đổi góp phần giảm số mã trái phiếu niêm yết từ 500 mã xuống còn 475 mã và nâng quy mô niêm yết trung bình của mỗi mã từ 320 tỷ đồng lên 970 tỷ đồng.

Chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đưa tín phiếu Kho bạc lên niêm yết và giao dịch, tạo sự liên kết giữa thị trường ngắn hạn và thị trường dài hạn, góp phần tạo thuận lợi cho điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ của các cơ quan quản lý cũng như việc thực hiện giao dịch của các thành viên.

Nhằm tăng tính hấp dẫn của thị trưởng, chúng tôi đã chính thức cho ra mắt đường cong lợi suất chuẩn và hệ thống giao dịch TPCP phiên bản 2 với nhiều tính năng hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Hiện HNX đang nỗ lực nghiên cứu, bổ sung hệ thống chỉ báo đầu tư trái phiếu cùng chỉ số trái phiếu Bond-index, dự kiến ra đời trong thời gian tới, đồng thời nghiên cứu triển khai một số sản phẩm mới như tiền phát hành (when issued) giao dịch mua bán lại tiền tệ chéo (cross currency repo) dự kiến triển khai năm 2014, hợp đồng tương lai trái phiếu (future), dự kiến vào năm 2015.

Ngoài thị trường TPCP, HNX đã phát triển thị trường cổ phiếu niêm yết như thế nào, thưa ông?

Thị trường cổ phiếu niêm yết trong một vài năm trở lại đây có bước phát triển chậm lại, nhưng nhìn chung, quy mô niêm yết và giao dịch vẫn có bước tăng trưởng đáng kể, là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Hiện tại, HNX có 382 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) với tổng giá trị niêm yết đạt 86.462 tỷ đồng. Các DNNY trên Sở rất đa dạng về ngành nghề, bao gồm cả những DN có vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng như ACB, SHB, Vinaconex…

Nhằm không ngừng hỗ trợ các DNNY, Sở thường xuyên tổ chức những chương trình đào tạo, hội thảo, diễn đàn cho các DN nhằm chia sẻ thông tin, phổ biến kinh nghiệm, nâng cao quản trị rủi ro để cùng nhau phát triển tốt hơn. Hiện Sở cũng đã chính thức đưa vào áp dụng hệ thống quản lý thông tin công ty (CIMS), giúp DNNY tự công bố thông tin qua hệ thống, rút ngắn thời gian và hạn chế sai sót trong quá trình này, đồng thời giúp chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý niêm yết của Sở.

Năm 2012, HNX đã cho ra mắt chỉ số HNX30. Sau hơn 1 năm đi vào vận hành, nhóm cổ phiếu HNX 30 luôn chiếm từ 54,3% - 80,96% giá trị giao dịch toàn thị trường. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa ra thị trường các sản phẩm mới về chỉ số, ETF, sản phẩm phái sinh nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường và các nhà đầu tư.

Thị trường UPCoM sau 4 năm đi vào hoạt động đã từng bước góp phần thu hẹp thị trường tự do. Xin ông cho biết triển vọng phát triển UPCoM trong thời gian tới?

Sau 4 năm đi vào hoạt động, thị trường UPCoM đã có hơn 136 công ty đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 20.021 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trung bình từng bước tăng lên, năm 2010 và 2011 đạt xấp xỉ 9 tỷ đồng/phiên, năm 2012 đạt hơn 20 tỷ đồng/phiên.

Để thu hút thêm các công ty đại chúng và nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường UPCoM, Sở đã có những thay đổi linh hoạt về cơ chế hoạt động và phương thức giao dịch, hoàn thiện dần các quy định về giao dịch trên thị trường. Với số lượng khoảng hơn 3.000 công ty đại chúng chưa niêm yết, tiềm năng phát triển của thị trường này là rất lớn…

Một trong những thành công nổi bật của HNX là ứng dụng triển khai nhanh và hiệu quả các mô hình vận hành Sở Giao dịch Chứng khoán tiên tiến trên thế giới. Được biết HNX đã không ngừng nỗ lực hợp tác với nhiều tổ chức, nhiều thị trường quan trọng nhằm học tập kinh nghiệm. Ông có thể cho biết rõ hơn?

Chúng tôi luôn nhận thức rằng hợp tác quốc tế là một lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, việc gia nhập và hợp tác với các Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới sẽ giúp HNX rút ngắn khoảng cách với các Sở đi trước và tận dụng kinh nghiệm của đối tác để phát triển. Chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Sở Giao dịch Chứng khoán New York, Sở Giao dịch Chứng khoán London, Tokyo, Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Đây là các thị trường chứng khoán phát triển hoặc có nhiều nét tương đồng với thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi học được từ các thị trường chứng khoán này nhiều kinh nghiệm về phát triển hệ thống công nghệ, mô hình phát triển, quản trị công ty, việc xây dựng một thị trường phái sinh hiệu quả… Thực tế, thành công của HNX hôm nay có sự hợp tác, hỗ trợ to lớn và hiệu quả của bạn bè quốc tế.

Hoạt động hợp tác đa phương cũng được coi trọng. Hiện nay, HNX đã tham gia và là thành viên của nhiều tổ chức có uy tín trong ngành chứng khoán, trong đó có Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới, Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, HNX còn mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế khác như với tổ chức GIZ (hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu) hay tổ chức ISTDA (hỗ trợ về công nghệ thông tin)…Tăng cường hợp tác quốc tế đa phương cũng gia tăng vị thế của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trên thị trường chứng khoán quốc tế và mở ra những cơ hội hợp tác phát triển mới cho Sở.

Xin cảm ơn ông!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 10 - 2013