Mở room sẽ hạn chế tình trạng lạm quyền tại doanh nghiệp

Đầu tư CK

Xu hướng tư nhân hóa và đầu tư không biên giới đang diễn ra mạnh mẽ. Vậy tại sao Việt Nam phải giữ chân nhà đầu tư ngoại?

Mở room sẽ hạn chế tình trạng lạm quyền tại doanh nghiệp
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, trước tình cảnh khó khăn về vốn, bí bách về lối ra của nhiều doanh nghiệp (DN, nới rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) nên được coi là một giải pháp hữu hiệu. Đây không phải là lần đầu tiên quan điểm này được nêu lên, nhưng nó vẫn mang tính thời sự, trong bối cảnh Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng văn bản pháp quy mới về room trên thị trường chứng khoán và room trong khối ngân hàng.

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về room trên thị trường chứng khoán cho biết, dự thảo vẫn đang được gửi đi xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ. Trong đó, quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là nên nới room cho các DN niêm yết, trước hết có thể cho phép DN phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư ngoại, bên cạnh mức sở hữu tối đa 49% như hiện nay. Phía NHNN đã công khai dự thảo quy định, Thủ tướng sẽ giữ quyền quyết định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng yếu ở trên mức 30%. Ý tưởng này nhận được sự đồng thuận, không chỉ bởi các ngân hàng yếu cần nguồn vốn đủ lớn để cải tổ, mà quan trọng hơn là sự cải tổ, nếu thực thi từ gốc (cơ cấu cổ đông) sẽ là điều kiện giúp DN phát triển cân bằng và bền vững hơn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, điểm yếu kém nhất của khối ngân hàng (tư nhân) Việt Nam là cơ cấu cổ đông nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu là cổ đông cá nhân hoặc gia đình. Chính cơ cấu cổ đông kiểu này đã không kiểm soát được sự “lộng hành” của những cổ đông sáng lập, từ đó gây ra sự lạm quyền, tham nhũng, không những xâm phạm quyền lợi của người gửi tiền, mà còn gây thiệt hại đến quyền lợi của cổ đông nhỏ. Vụ bầu Kiên, từng là người sáng lập Ngân hàng ACB bị khởi tố vì lạm quyền, sử dụng đến hơn 7.000 tỷ đồng trái phép là một minh chứng cụ thể cho tình trạng này.

Dù cần nhiều nghiên cứu đối sách của các nước để làm căn cứ xây dựng chính sách cho Việt Nam, nhưng thực tế, xu hướng tư nhân hóa và đầu tư không biên giới đang diễn ra mạnh mẽ. Nhiều sở giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới đã sáp nhập, nhiều ngân hàng lớn thực hiện hợp nhất, từ đó tạo nên những định chế tài chính khổng lồ. Vậy tại sao Việt Nam phải giữ chân nhà đầu tư nước ngoài ở ngưỡng 30% (với ngân hàng) hay 49% (với DN niêm yết)? Việt Nam đang giữ quyền sở hữu cao hơn cho người Việt Nam trong các DN, ngân hàng nội, nhưng nếu bước ra khỏi biên giới Việt Nam sẽ thấy, hình ảnh các DN lớn của nước ta hiện diện rất hạn chế.

Trong ngành ngân hàng, hiện nay mới chỉ có BIDV, Vietcombank, MBB... mở được một số chi nhánh tại châu Á, còn lại chỉ loanh quanh với thị trường trong nước. Rộng cửa đón khách cũng là cách giúp chúng ta bước ra thế giới nhanh hơn.