Một góc nhìn từ thị trường chứng khoán

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tổng công ty hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) vừa chào bán đấu giá hơn 24 triệu cổ phần ở Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) và gần 830.000 trái phiếu chuyển đổi có thời hạn 10 năm của ngân hàng này - là toàn bộ phần vốn cổ phần của Vietnam Airlines ở Techcombank. Thị trường chứng khoán sẽ được gì từ làn sóng thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước lớn?

Một góc nhìn từ thị trường chứng khoán
Việc các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành có thể sẽ cung ứng ra thị trường chứng khoán nhiều sản phẩm có giá trị. Nguồn: Internet
Mức giá khởi điểm Vietnam Airlines chào bán là 12.100 đồng/cổ phần và 132.700 đồng/trái phiếu chuyển đổi. Mức giá này được xác định bằng phương pháp dòng tiền chiết khấu, cách định giá dùng lợi nhuận sau thuế trừ đi các quyền lợi của cổ đông. Số lượng hơn 24 triệu cổ phần mà Vietnam Airlines chào bán cũng là toàn bộ phần vốn cổ phần của Tổng công ty ở Techcombank, chiếm 2,72% cổ phần của Ngân hàng.

Việc thoái vốn này được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 172, Vietnam Airlines phải thoái vốn tại các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành, trong đó có chứng khoán, bất động sản, tài chính ngân hàng. Được biết, Vietnam Airlines đã chốt lộ trình thoái vốn ngay trong năm 2013 đối với 4/10 đầu mối đầu tư ngoài ngành và việc thoái vốn phải hoàn thành trước năm 2015.

Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, việc các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành có thể sẽ cung ứng ra thị trường chứng khoán nhiều sản phẩm có giá trị. Bởi lẽ, doanh nghiệp Nhà nước thường đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao như ngân hàng, tài chính, bất động sản. Vấn đề là đưa lượng hàng hóa đó ra thị trường thời điểm nào là thích hợp, tránh tung ra ồ ạt, vừa gây sức ép lên thị trường, vừa gây bất lợi về nguồn vốn Nhà nước tại các lĩnh vực cần thoái vốn đó.

TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, điều quan trọng không phải là thoái vốn nhanh hay chậm, mà làm sao thoái vốn có chất lượng, vì nếu không, thị trường sẽ bị tràn ngập bởi một lượng lớn cổ phiếu kém chất lượng, tính thanh khoản thấp và sẽ gây sức ép lên các chỉ số chính. Các doanh nghiệp cần xác định bảo toàn nguồn vốn Nhà nước trong từng doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất. Thoái vốn là rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành, chứ không phải là tháo chạy. Nhưng không chỉ là ý thức của doanh nghiệp, mà cần có hành lang pháp lý chặt chẽ và thiết thực để áp dụng cho quá trình thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cũng đã được phân tích tại cuộc tọa đàm do Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức cuối tháng 8.2013. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều hạn chế trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước như: phương án cổ phần hóa doanh nghiệp được xây dựng không triệt để; hầu hết doanh nghiệp kinh doanh khó khăn đều treo việc xử lý tồn tại tài sản, tài chính, công nợ, lao động dôi dư để cổ đông tiếp nhận giải quyết...

Mặt khác, khi cổ phần hóa, các bộ, ngành, địa phương chưa giải quyết dứt điểm chính sách với lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng, đáng ra phải bán hết vốn, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ lại để dành vị trí cho lãnh đạo cũ.

Liên quan đến vấn đề thoái vốn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, có những quy định đúng nhưng không làm rõ thì doanh nghiệp khó thực hiện. Ví dụ như việc thoái vốn, cổ phần hóa là đúng, nhưng thị trường chứng khoán đang như thế này thì cổ phần hóa thế nào? Hay việc thoái vốn được thực hiện theo nguyên tắc thị trường nhưng cũng yêu cầu phải bảo toàn vốn Nhà nước sẽ khó cho quá trình thực hiện.