Một số thay đổi về chính sách thuế tài nguyên

Theo Tổng cục Thuế

Quốc hội đã thông qua Luật thuế tài nguyên, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết và ngày 23/7/2010 Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư hướng dẫn cụ thể về thuế tài nguyên. Vậy trong chính sách thuế tài nguyên lần này có gì mới so với Pháp lệnh thuế tài nguyên trước đây?

Việc ban hành chính sách thuế tài nguyên nhằm đạt các yêu cầu cơ bản như sau:

Thứ nhất, kế thừa, luật hoá các quy định của pháp luật hiện hành về thuế liên quan đến tài nguyên còn phù hợp. Khắc phục những mặt hạn chế, chưa đầy đủ của chính sách thuế tài nguyên hiện hành.

Thứ hai, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; bảo vệ môi trường.

Nhà nước phải có chính sách quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Thứ tư, góp phần đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc tăng cường công tác quản lý, thu thuế tài nguyên, góp phần tăng thu cho ngân sách để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường; xây dựng, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của nguồn tài nguyên quốc gia.

* Một số nội dung mới thay đổi về chính sách thuế tài nguyên:

Chính sách thuế tài nguyên lần này có những thay đổi lớn cả về phạm vi áp dụng, đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế (Người nộp thuế), căn cứ tính thuế và chính sách miễn, giảm thuế. Một số nội dung mới chủ yếu được quy định cụ thể như sau:

• Về phạm vi áp dụng: Thuế tài nguyên đã mở rộng đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu thô, condensat và khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than tại Việt Nam.

• Về đối tượng nộp thuế: Quy định cụ thể và chi tiết thêm về người nộp thuế trong một số trường hợp.

• Về đối tượng chịu thuế: Ngoài 6 loại đối tượng chịu thuế tài nguyên quy định trước đây là: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; sản phẩm rừng tự nhiên; thuỷ sản tự nhiên (cần lưu ý quy định mới đối tượng chịu thuế không bao gồm thuỷ sản nước ngọt khai thác từ ao, hồ, đầm, sông, suối...); nước tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên khác. Chính sách thuế tài nguyên lần này còn quy định thêm một số đối tượng sau: Dầu thô; khí thiên nhiên; khí than; các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật (do cấm đánh bắt) và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ; hải sản tự nhiên, gồm động vật và thực vật biển; nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất; yến sào thiên nhiên;

Các tài nguyên thiên nhiên khác do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

• Về căn cứ tính thuế: Theo quy định mới về thuế tài nguyên thì căn cứ tính thuế là sản lượng tài nguyên tính thuế (thay cho sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác trong kỳ), giá tính thuế đơn vị tài nguyên, thuế suất thuế tài nguyên, trong đó giá tính thuế đơn vị tài nguyên được áp dụng tương ứng với loại tài nguyên chịu thuế của kỳ tính thuế.

* Sản lượng tài nguyên tính thuế tài nguyên được xác định cụ thể cho từng trường hợp như sau:

- Sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

- Đối với tài nguyên khai thác chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau thì sản lượng tài nguyên được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại.

- Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm.

Trường hợp mức tiêu hao tài nguyên để sản xuất một đơn vị sản phẩm cao hơn 5% so với tiêu chuẩn công nghệ thiết kế thì cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan để thẩm định làm cơ sở ấn định sản lượng tài nguyên khai thác chịu thuế.

- Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán.

- Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối hoặc lít.

- Đối với tài nguyên được khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên, sản lượng tài nguyên khai thác dự kiến trong một năm có giá trị dưới 200.000.000 đồng thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo mùa vụ hoặc định kỳ để tính thuế.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân ký hợp đồng thu mua tài nguyên từ các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ lẻ thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế thu mua.

• Về giá tính thuế đối với một số trường hợp như sau:

- Trường hợp xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên

+ Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên khai thác chưa bao gồm thuế GTGT (không phân biệt địa bàn tiêu thụ) và được áp dụng làm giá tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng có cùng phẩm cấp, chất lượng, không phân biệt một phần vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ hoặc đưa vào sản xuất, chế biến, sàng tuyển, phân loại; Giá bán của một đơn vị tài nguyên được tính bằng tổng doanh thu (chưa có thuế GTGT) của loại tài nguyên bán ra chia cho tổng sản lượng loại tài nguyên tương ứng bán ra trong tháng.

- Trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán tài nguyên khai thác thì giá tính thuế tài nguyên được xác định theo một trong những căn cứ sau: 

+ Giá bán thực tế trên thị trường khu vực (trước đây quy định là giá bán bình quân trên thị trường) của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại, có giá trị tương đương, nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

 + Trường hợp tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau thì giá tính thuế xác định theo giá bán đơn vị của từng chất và hàm lượng của từng chất trong tài nguyên khai thác, nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định (trước đây quy định là giá bán đơn vị sản phẩm nguyên chất và hàm lượng chất này trong tài nguyên khai thác).

• Về thuế suất thuế tài nguyên: Thuế suất thuế tài nguyên được quy định tại Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. 

Luật quy định khung thuế suất và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên. Luật quy định phân nhóm lại khung thuế suất từ 1 - 35% đối với từng nhóm, loại tài nguyên chi tiết hơn; thu hẹp biên độ khung thuế suất, nâng mức thuế suất sàn của các loại tài nguyên thuộc nhóm khoáng sản kim loại và một số loại tài nguyên quý hiếm khác. Không có thuế suất 0% vì đây là tài nguyên quốc gia, bất kỳ ai sử dụng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp.

- Về thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế: Được thực hiện theo quy định trước đây, kể cả thuế tài nguyên được nộp bằng dầu thô, khí thiên nhiên; bằng tiền; hoặc một phần bằng tiền và một phần bằng dầu thô, khí thiên nhiên. Riêng đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong một số trường hợp được bổ sung như sau:

+ Trường hợp một tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo nhiều hợp đồng dầu khí khác nhau thì được thực hiện riêng rẽ theo từng hợp đồng dầu khí.

+ Trường hợp các bên nhà thầu tham gia một hợp đồng dầu khí dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm hoặc hợp đồng điều hành chung, nhận các phần chia theo hợp đồng bằng dầu thô, khí thiên nhiên và chịu trách nhiệm tiêu thụ phần dầu thô, khí thiên nhiên được chia thì mỗi bên phải khai và nộp các loại thuế tài nguyên theo sản lượng được chia

• Về chính sách miễn, giảm thuế tài nguyên:

- Đối tượng được miễn giảm: Ngoài 4 trường hợp được miễn, giảm thuế tài nguyên trước đây (Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ bằng phương tiện có công suất lớn; Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến; Nước thiên nhiên dùng vào sản xuất thuỷ điện không đủ điều kiện hoà vào mạng lưới điện quốc gia. Tổ chức, cá nhân khai thác đất); Chính sách thuế tài nguyên mới không quy định miễn thuế cho gỗ khai thác để hạn chế việc chặt phá rừng, đồng thời quy định thêm một số trường hợp được miễn, giảm thuế tài nguyên như sau:

+ Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế.

+ Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên.

+ Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt.

+ Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt.

+ Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.

+ Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác đất và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

- Trình tự, thủ tục kê khai miễn, giảm thuế tài nguyên, thẩm quyền miễn, giảm thuế tài nguyên: Về cơ bản, trình tự thủ tục vẫn được thực hiện theo quy định trước đây.

Tuy nhiên, một số trường hợp được miễn thuế tài nguyên dưới đây không phải lập tờ khai thuế tài nguyên hàng tháng và không phải khai sản lượng tài nguyên khai thác, thủ tục kê khai được đơn giản, dễ dàng hơn.

* Về hiệu lực thi hành: Luật thuế Tài nguyên có hiệu lực thi hành từ 1/7/2010 và tiếp tục giữ nguyên tắc bảo lưu đối với dự án đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 mà trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí có quy định về thuế tài nguyên.

Trên đây là một số nội dung thay đổi về chính sách thuế tài nguyên so với Pháp lệnh trước đây. Hy vọng với những nội dung thay đổi mới này sẽ phát huy được hiệu quả trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các chủ thể khai thác tài nguyên, qua đó nâng cao trách nhiệm khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên của các tổ chức, cá nhân người nộp thuế.