Một số vấn đề về phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ

ThS. Lê Thị Ngọc – Kho bạc Nhà nước

Sự phát triển cả về lượng và chất của thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu chính phủ nói riêng thời gian qua tuy đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các ngân hàng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp huy động được vốn với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, về tổng thể, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ vẫn còn nhỏ, tính thanh khoản của thị trường thứ cấp tại một số thời điểm còn hạn chế, cơ sở nhà đầu tư cần tiếp tục cải thiện… Phân tích điều kiện, thực trạng phát triển, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển bền vững thị trường trái phiếu chính phủ trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng phát triển thị trường trái phiếu chính phủ

Về quy mô thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP): Năm 2017, tổng dư nợ toàn thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam đạt 37,45%, trong đó dư nợ TPCP đạt khoảng 27,4% GDP.

Về khối lượng phát hành đạt 100% với khối lượng huy động TPCP là 244.300 tỷ đồng, giảm 21,8% so với năm 2016, trong đó phát hành qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đạt gần 160.000 tỷ đồng theo phương thức đấu thầu, 84.300 tỷ đồng phát hành cho BHXH. Kết quả huy động vốn thông qua phát hành TPCP đã góp phần quan trọng trong việc cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và trả nợ một phần gốc đến hạn.

Về kỳ hạn và lãi suất: Chất lượng công tác huy động vốn được cải thiện rõ rệt, phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu từ 05 năm đến 30 năm, trong đó 100% TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, vượt chỉ tiêu 70% theo dự toán ngân sách được Quốc hội phê duyệt, 55% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên, tăng 23% so với năm 2016.

Điều này góp phần nâng kỳ hạn phát hành bình quân cả năm lên 13,52 năm, cao hơn so với mức 8,71 năm của năm 2016, đồng thời kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân cả danh mục TPCP từ 5,98 năm lên 6,71 năm.

Để đảm bảo khả năng huy động vốn cho NSNN với chi phí hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất phát hành TPCP được điều hành linh hoạt bám sát với tình hình thị trường, phù hợp với cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ.

Trong khi, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt mức kỷ lục, thì lãi suất phát hành TPCP năm 2017 đạt mức thấp nhất từ trước đến nay (bình quân lãi suất phát hành là 6,07%/năm giảm 0,4% so với năm 2016, giảm 0,19% so với năm 2015). Đặc biệt, các trái phiếu kỳ hạn dài ghi nhận sự giảm mạnh về điểm, kỳ hạn 5-7 năm giảm 65-75 điểm, kỳ hạn 10-15 năm giảm 75-145 điểm và kỳ hạn 20-30 năm giảm khoảng 180-190 điểm.

Lãi suất phát hành trung bình năm 2017 xuống còn 6,07%/năm, giảm 42 điểm cơ bản so với lại suất năm 2016 (6,49%/ năm). Theo đó, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN và góp phần tái cơ cấu danh mục nợ TPCP một cách bền vững theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tái cơ cấu ngân sách và nợ công.

Về tái cơ cấu danh mục nợ công: Danh mục nợ TPCP năm 2017 được tái cơ cấu cả về khối lượng phát hành, kỳ hạn phát hành và lãi suất phát hành góp phần tăng tính bền vững của danh mục nợ Chính phủ.

Thị trường TPCP trong nước hoạt động ổn định, huy động được vốn kỳ hạn dài với chi phí hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ tăng cường huy động vốn từ thị trường trong nước do chi phí huy động vốn rẻ hơn thị trường nước ngoài.

Vay trong nước của Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn chủ yếu, đạt mức 61% tổng vay nợ của Chính phủ, phù hợp với Chiến lược vay và trả nợ của Chính phủ đến năm 2020.

Về đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư: Cơ cấu nhà đầu tư sở hữu TPCP được cải thiện theo đúng mục tiêu đề ra tại lộ trình phát triển thị trường TPCP đến năm 2020, tiến tới xây dựng định hướng theo hướng bền vững, đa dạng hóa loại hình nhà đầu tư, giảm dần sự phụ thuộc của thị trường TPCP vào khối các ngân hàng thương mại (NHTM).

Các NHTM đã đầu tư khối lượng lớn vào trái phiếu dài hạn từ 15 năm trở lên (60.780 tỷ đồng) tăng 26.055 tỷ đồng so với năm 2016. Cơ cấu nhà đầu tư tiếp tục có sự cải thiện theo hướng tích cực, thể hiện tăng tỷ lệ nắm giữ TPCP của các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) và các quỹ đầu tư, giảm tỷ lệ nắm giữ của các NHTM.

Cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ TPCP có sự thay đổi cơ bản, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các NHTM từ 77% đầu năm 2016 xuống 53,7%, tăng tỷ trọng đầu tư của các nhà đầu tư dài hạn từ 23% đầu năm 2016 lên mức 46,3%.

Một số vấn đề về phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ - Ảnh 1

Để tăng tính cạnh tranh và minh bạch trong thị trường TPCP, tiếp theo việc chuyển đổi toàn bộ khoản vay của BHXH Việt Nam để hỗ trợ NSNN sang hình thức TPCP, cuối năm 2017 sang 2018, đã thí điểm đầu tư TPCP theo hình thức đấu thầu qua HNX. Điều này đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường cũng như tạo nên sự thống nhất và đơn giản hóa trong công tác quản lý các khoản vay nợ của Chính phủ.

Về giao dịch trên thị trường: Giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp năm 2017 với khối lượng giao dịch TPCP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh bình quân đạt 8.863 tỷ đồng/phiên cao hơn 42% so với năm 2016, trong đó bình quân giao dịch mua bán là 4.587 tỷ đồng/phiên, tăng 17% so với bình quân năm 2016, bình quân giao dịch mua bán lại là  4.276 tỷ đồng, cao hơn 82% so với năm 2016.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Năm 2018 là năm thứ hai của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 và là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nhu cầu vốn NSNN cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 2 triệu tỷ đồng, mục tiêu đến năm 2020 bội chi ngân sách không vượt quá 3,5%, nhu cầu phát hành TPCP cho NSNN là rất lớn.

Năm 2018, kế hoạch phát hành TPCP khoảng 280 nghìn tỷ đồng gồm cả khối lượng phát hành cho BHXH Việt Nam, dự kiến khối lượng TPCP đấu thầu qua thị trường khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Để góp phần hoàn thành kế hoạch huy động vốn cho NSNN và phát triển thị trường TPCP, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Ổn định môi trường kinh tễ vĩ mô là yêu cầu cấp thiết khách quan để phát triển TTTP nói chung và thị trường TPCP nói riêng. Kinh tế vĩ mô ổn định, thu nhập và tiết kiệm của người dân tăng lên dẫn đến tăng lượng cầu TPCP, tăng trưởng kinh tế đều đặn, lãi suất trên thị trường vốn, tỷ giá hối đoái và lạm phát được kiểm soát chặt (dưới 4%) là điều kiện lý tưởng phát triển thị trường TPCP, huy động vốn cho phát triển kinh tế và điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Phải kiểm soát tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý, vì tỷ lệ lạm phát cao sẽ làm tăng cầu các tài sản như vàng, bất động sản và giảm mức cầu về trái phiếu.

Đồng thời, nếu lạm phát cao trái phiếu sẽ kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư, vì lãi suất thực bị giảm xuống và rủi ro sẽ tăng lên. Do vậy cần duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định, vì nếu lãi suất trái phiếu quá cao hoặc quá thấp sẽ gây trở ngại cho việc phát triển TTTP.

Nhà nước cần quan tâm ổn định các thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ, thị trường vàng, thị trường bất động sản… Đây là những thị trường có quan hệ hữu cơ với nhau, hoạt động với cơ chế bình thông nhau và có tác động không nhỏ đến hoạt động của TTCK. Để tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cần có chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để phát triển thị trường TPCP ổn định, bền vững theo xu hướng và thông lệ quốc tế, tạo sự liên thông giữa thị trường vốn với thị trường tiền tệ, tín dụng.

Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ huy động vốn; Hỗ trợ phát triển thị trường; Tập trung phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường với đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi để tăng thanh khoản cho thị trường.

Xây dựng các văn bản về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ và về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động phát hành, giao dịch TPCP. Chuẩn hóa công tác xây dựng và công bố thông tin về kế hoạch, lịch biểu phát hành.

Tạo cơ chế để thực hiện các nghiệp vụ mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát, trái phiếu lãi suất thả nổi, nghiệp vụ tách trái phiếu, giao dịch trái phiếu trước khi phát hành...

Đồng thời, cho phép các đại lý cấp I được mua thêm trái phiếu sau đợt phát hành với lãi suất bằng lãi suất phát hành. Quy định này vừa khuyến khích được hệ thống các nhà tạo lập thị trường, vừa tạo điều kiện để Bộ Tài chính có thể huy động thêm vốn mà không phải tăng lãi suất phát hành.

Thứ ba, phát triển đa dạng hóa các loại trái phiếu chính phủ.

Việc đa dạng hóa các loại kỳ hạn sẽ làm tăng khả năng huy động vốn và tiến tới là việc xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho các công cụ nợ khác tham chiếu. Căn cứ trên nhu cầu về vốn và khả năng huy động vốn trong xã hội, tùy theo mục đích, thời hạn sử dụng vốn để đầu tư mà phát hành TPCP có kỳ hạn phù hợp với vòng đời của dự án và công trình.

Triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển là khá lớn, thời hạn vay vốn đầu tư dài. Do vậy, trước mắt cần tập trung phát hành các loại TPCP có kỳ hạn dài 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm để tạo nguồn hàng hóa thu hút các nhà đầu tư phù hợp với chiến lược đầu tư riêng cũng như tạo lợi thế để thị trường luôn tồn tại mức lãi suất chuẩn.

Bên cạnh đó, thực hiện đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành, phát hành đều đặn các kỳ hạn chuẩn để hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường TPCP làm tham chiếu cho thị trường tiền tệ và hệ thống tài chính. Nghiên cứu thí điểm triển khai phát hành TPCP có lãi suất thả nổi khi thị trường có nhu cầu nhằm tăng khả năng huy động vốn cho ngân sách.

Thứ tư, đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư định chế.

Hệ thống nhà đầu tư đa dạng là một yếu tố quan trọng trên thị trường, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Mở rộng thị trường tới các nhà đầu tư mới; giảm dần sự phụ thuộc của thị trường vào khối nhà đầu tư là các NHTM, tăng tỷ trọng TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ nắm giữ.

Đối với BHXH Việt Nam, chuyển toàn bộ hình thức cho vay trực tiếp đối với NSNN sang hình thức đầu tư TPCP. Thực hiện đầu tư TPCP chủ yếu thông qua phương thức đấu thầu trên thị trường phù hợp với việc cải cách quản lý dòng tiền và phương thức đầu tư của BHXH Việt Nam.

Thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ thống chương trình hưu trí tự nguyện. Khuyến khích Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tăng tỷ trọng mua và bán trái phiếu trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp để tăng tính thanh khoản cho thị trường. Đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư mục tiêu, trong đó có quỹ TPCP, TPDN.

Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn vào TTTP thông qua cải thiện chế độ công bố thông tin; cải cách thủ tục hành chính; rà soát, điều chỉnh chính sách thuế và phí giao dịch trái phiếu; Khuyến khích các tổ chức nước ngoài phát hành các chứng chỉ lưu ký toàn cầu được niêm yết trên thị trường nước ngoài với tài sản cơ sở là TPCP trong nước.       

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 về lộ trình phát triển TTTP Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

2. Đề án lộ trình phát triển trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2020;

3. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết phát triển thị trường trái phiếu chính phủ năm 2017 và kế hoạch năm 2018, tháng 1/2018;

4. Số liệu thống kê “thị trường trái phiếu chính phủ” trên trang web của Kho bạc Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Bộ Tài chính.