Mua bán, sáp nhập ngân hàng: Lớn dìu bé!

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Thời hạn năm 2015 đã khá gần, theo đó đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 đặt ra lộ trình đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu. Vì thế, thời điểm này hoạt động mua bán – sáp nhập ngân hàng diễn ra rầm rộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thu hẹp để lớn mạnh?
 
Bước đi đầu tiên của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng được đánh dấu bằng động thái khoanh vùng nhóm TCTD yếu kém của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hoạt động mua bán sáp nhập cũng đã diễn ra khá trôi chảy sau khi chín ngân hàng yếu kém (bao gồm: SCB, Ðệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank) đã hoàn thành việc cần cơ cấu lại.
 
Giai đoạn hai, cơ quan quản lý mà đích danh là NHNN yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phê duyệt và chỉ đạo triển khai quyết liệt phương án cơ cấu lại đối với từng ngân hàng. Mục đích cũng được đặt rõ đến năm 2017 số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15. Như vậy, việc các ngân hàng nhỏ với số vốn điều lệ còn ở mức khiêm tốn trên dưới 3.000 tỷ đồng hoạt động kém hiệu quả tương lai về tay các ngân hàng lớn là điều khó tránh khỏi.  
 
Nhưng, làm sao để cho việc sáp nhập là một phép nhân chứ không đơn thuần là phép cộng dọc? Các ngân hàng đang muốn mạnh lên nhờ việc tăng vốn và mở rộng thị phần. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra theo hướng thể hiện ngày càng rõ vai trò của khối ngân hàng quốc doanh. Đáng lo hơn là việc các ngân hàng quốc doanh "ôm” ngân hàng nhỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của hệ thống, đặc biệt là ở việc cải thiện sức cạnh tranh.
 
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành,  Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)  cho rằng, nếu hệ thống ngân hàng tập trung quá nhiều vào các ngân hàng lớn sẽ gây những rủi ro trong tương lai vì những ngân hàng này có thể tạo ảnh hưởng lớn về chính sách, thậm chí thao túng thị trường… Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước nói chung vốn được đánh giá không cao về khả năng thay đổi để thích ứng, cạnh tranh trên thị trường như các doanh nghiệp tư nhân. Do đó, hệ thống ngân hàng cần có sự phát triển cân đối giữa khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân. 
 
Hậu sáp nhập: tâm điểm xử lý nợ xấu
 
Hiện nay tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6-3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%. Hiện NHNN đang tập chủ chỉ đạo xử lý nợ xấu, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện văn bản, quy định để có thể bán được các khoản nợ xấu đã mua cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài vì họ đang rất quan tâm đến các khoản nợ xấu này. 
 
Vì vậy tiến trình xử lý nợ xấu sau khi sáp nhập cũng được đặt ra. Một điều chắc chắn, ngân hàng lớn khi làm nhiệm vụ dìu ngân hàng bé sẽ phải cõng luôn khoản nợ xấu của ngân hàng bé. Chẳng hạn 1 thời SHB ôm nợ xấu nghìn tỷ của Habubank để nợ xấu của SHB tăng vọt lên 9%.
 
"Sau khi sáp nhập, cốt lõi tiến trình xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quản trị phải được làm tích cực hơn”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khi sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác, ngân hàng lớn sẽ có cơ hội mở rộng thêm quy mô, mạng lưới. Tuy nhiên, ngân hàng hậu sáp nhập bao giờ cũng mất một thời gian để xử lý nợ xấu rồi mới có thể  tăng trưởng trở lại. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho rằng, mặc dù Sacombank đã lớn mạnh và có mạng lưới hoạt động rộng khắp, nhưng để lớn mạnh hơn, Sacombank phải sáp nhập thêm ngân hàng khác, cụ thể là Southern Bank. "Trong bất cứ việc sáp nhập nào cũng có những thuận lợi, bất lợi, nhưng mọi chuyện đều có thể giải quyết”, lãnh đạo Sacombank nói.
 
Trong khi đó, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, khi sáp nhập với nhau xong thì việc định giá giá trị của ngân hàng cần sáp nhập đã được thực hiện xong. Hai bên đã tính toán và thỏa thuận được với nhau về giá cổ phiếu của ngân hàng nhỏ khi sáp nhập. Việc định giá tài sản, vốn, khoản nợ và rủi ro của ngân hàng nhỏ đó được ở mức nào đã được tính toán hết. Như vậy, chất lượng hoạt động của ngân hàng được thể hiện qua giá cổ phiếu. Ở đây không có việc ngân hàng này gánh cho ngân hàng kia, mà ngân hàng nhỏ khó khăn đã có ngân hàng lớn hơn hỗ trợ để nâng cao năng lực tài chính.