Mua bán vàng miếng: Hết cửa đầu cơ

Theo Báo Tiền Phong

Theo khảo sát thực tế của phóng viên, những ngày qua, tại các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ, vàng miếng đã chính thức biến mất khỏi tủ bầy hàng.

Mua bán vàng miếng: Hết cửa đầu cơ
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một chủ cửa hàng vàng trên phố Hàng Bạc cho biết, trên thực tế, khi biết tin mình không thuộc đối tượng được kinh doanh vàng miếng, cửa hàng đã gần như tạm ngưng bán vàng miếng và chỉ tập trung vào vàng trang sức bởi nhu cầu cuối năm mua sắm chủ yếu là vàng trang sức.

Trong khi các cửa hàng nhỏ không mặn mà với vàng miếng, các cửa hàng kinh doanh cỡ vừa vẫn hy vọng mình lọt “top” doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Theo một nhân viên công ty vàng bạc Bảo Tín – Mạnh Hải, hiện Công ty tạm thời ngừng bán vàng miếng trong thời gian chờ đợi được cấp phép.

Song, nếu khách mua vàng tại cửa hàng có nhu cầu bán vàng thì mang hóa đơn đến nhân viên cửa hàng sẽ “tư vấn”.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện của cửa hàng này rất hy vọng được cấp phép kinh doanh vàng miếng vì nhu cầu giao dịch của khách hàng tại đây vẫn rất ổn định.

Đại diện một cửa hàng khác có chung nguyện vọng cho biết, sẽ rất thiệt thòi khi không được cấp phép kinh doanh vàng miếng bởi kinh doanh vàng miếng mang lại nguồn thu tương đối cho cửa hàng.

Còn đối với các ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng, hầu như đã chuẩn bị rất kỹ trước giờ khai cuộc. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Hà Nội, ngân hàng đã đầu tư trang bị máy móc kiểm định hiện đại, chuyên nghiệp, thiết kế sản phẩm dịch vụ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Theo vị này, đây là lĩnh vực khá mới mẻ đối với ngân hàng nên việc mở rộng mạng lưới sẽ được cân nhắc nhưng đảm bảo nhu cầu giao dịch tối đa cho khách hàng. Với việc được cấp phép kinh doanh vàng, ngân hàng hy vọng khách có thêm lựa chọn sản phẩm dịch vụ, qua đó tăng doanh thu từ dịch vụ bù đắp cho tín dụng đang gặp khó.

Đại diện của VietinBank cho biết, ngân hàng này chính thức triển khai dịch vụ mua, bán vàng miếng tại 12 Chi nhánh đảm bảo cân đối các vùng miền.

Để chuẩn bị cho việc kinh doanh có hiệu quả, với lợi thế ngân hàng lớn, VietinBank đã đầu tư hệ thống công nghệ tiên tiến cho phép quản lý trạng thái toàn hệ thống tập trung tại Trụ sở chính cũng như các trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, kiểm định vàng như: cân điện tử, máy đo tuổi vàng… Đồng thời, VietinBank triển khai đào tạo nhân sự cho cán bộ trong hệ thống hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong những ngày qua, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép đã tích cực triển khai mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của người dân. Còn về phía người dân, theo khảo sát của phóng viên, cũng chỉ giao dịch tại địa điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng.

Theo bà Nguyễn Thu Hà (Thanh Nhàn – Hà Nội), nếu có nhu cầu mua vàng miếng SJC chắc chắn sẽ phải mua tại địa chỉ uy tín bởi không thể bỏ số tiền lớn để mua “rủi ro” ở cửa hàng không tên tuổi.

Trên thực tế, hiện người dân mua bán vàng miếng tại các đơn vị cấp phép cũng hài lòng do được phục vụ chu đáo, tận tình, quyền lợi được đảm bảo với việc được cung cấp hóa đơn giao dịch bao gồm cả số seri của miếng vàng.

Giá vàng trong nước ba ngày trở lại đây (14,15 và 16/1) liên tục biến động. Đến 14 giờ chiều giá mua vào của SJC TP. Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh ở mức 45,05 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại tăng lên mức 3 triệu đồng/lượng.

Tính từ đầu tuần, ngày 14/1, giá vàng có phiên biến động rất mạnh; có thời điểm giá vàng lao dốc xuống còn 44,3 triệu đồng/lượng bán ra, sau đó tăng trở lại mốc 44,6 triệu đồng/lượng.

Một điều đáng ghi nhận trong vài ngày qua, trong khi các đơn vị kinh doanh vàng đặt biên độ giá mua - bán khá xa, thường ít nhất 300 nghìn đồng, song tại Tập đoàn Doji, biên độ này chỉ dao động từ 100 nghìn đồng/lượng. Một chuyên gia nhận định, việc để biên độ giá mua vào - bán ra sẽ rất thiệt cho người tiêu dùng, nhất là trong vài ngày qua giá vàng tăng giảm khó lường.