Mua cổ phiếu quỹ và những hệ lụy

Theo Nam Minh/thoibaonganhang.vn

Đại dịch do virút corona gây ra đã khiến cho chỉ số VN-Index giảm hơn 5% so với hồi đầu năm làm cho nhiều cổ phiếu rớt giá thảm hại trong những ngày đầu năm nay. Để đối phó với sự cố khó lường này, khá nhiều các doanh nghiệp đã quyết định chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Điển hình, Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) đã quyết định chi ra 200 tỷ đồng để mua 15 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Động thái này diễn ra khi DIG đang giảm về mệnh giá và gây áp lực cho các nhà lãnh đạo công ty.

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận (IDICO) cho biết, cũng sẽ mua 18,9 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương với gần 30% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam dự kiến mua lại 1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, bảo vệ quyền lợi của cổ đông.

Công ty Bất động sản và Đầu tư (VRC) lý giải, vì yếu tố khách quan từ cung cầu của thị trường, diễn biến giá cổ phiếu của công ty trong thời gian qua không được thuận lợi và đang ở mức thấp hơn giá trị hợp lý. Do đó, hội đồng quản trị công ty đã trình phương án mua lại tối đa 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 10 triệu cổ phiếu.

Thực tế khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại, giá cổ phiếu có thể giảm mạnh do kết quả kinh doanh không thuận lợi theo kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp tin rằng cổ phiếu của mình bị định giá thấp, doanh nghiệp sẽ chọn mua lại cổ phiếu và sau đó bán lại chúng trên thị trường một khi giá cổ phiếu tăng để phản ánh chính xác giá trị của công ty.

Đặc biệt, giữa lúc mùa đại hội cổ đông đang tới, lãnh đạo công ty càng có lý do để nâng đỡ giá cổ phiếu với mong muốn có câu trả lời trước áp lực từ phía các nhà đầu tư. Ngoài ra, không loại trừ khả năng một lượng cổ phiếu lưu hành đang được thế chấp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng và việc hỗ trợ, tránh cổ phiếu giảm giá sâu là động thái bắt buộc trước áp lực từ phía người cho vay.

Tất nhiên, việc mua cổ phiếu quỹ còn là hình thức “chi trả lợi nhuận” cho các cổ đông với mức thuế phải nộp cho nhà nước “nhẹ hơn” so với phương án chi trả cổ tức theo kiểu truyền thống. Nhưng bên cạnh các khía cạnh tích cực, công cụ mua cổ phiếu quỹ cũng hàm chứa một số mặt tiêu cực, ảnh hưởng đến giá trị của doanh nghiệp trong tương lai.

Đối với các nhà phân tích, mua cổ phiếu quỹ có thể là tín hiệu tăng giá cổ phiếu một cách giả tạo. Thực tế các khoản thu nhập cho các nhà điều hành được gắn với các số liệu thu nhập của mỗi cổ phiếu và nếu thu nhập đó không thể tăng lên, việc mua cổ phiếu có thể thúc đẩy thu nhập một cách trá hình. Ngoài ra, bất kỳ sự tăng giá cổ phiếu nào theo phương thức này tưởng sẽ có lợi cho các nhà đầu tư ngắn hạn thay vì các nhà đầu tư tìm kiếm giá trị dài hạn.

Ngoài ra, quy mô vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán cũng sẽ giảm bớt. Việc chi ra một lượng lớn tiền mặt để mua cổ phiếu quỹ cũng có thể là tín hiệu không tích cực về triển vọng tương lai khi công ty không thấy nhiều cơ hội đầu tư sinh lợi, gây tác động xấu đến khả năng giữ cổ phiếu của các nhà đầu tư lớn và dài hạn.

Trên thị trường không hiếm trường hợp liên tiếp dùng chiêu mua cổ phiếu quỹ nhưng không thể “bình ổn” được giá như câu chuyện ở Tập đoàn Yeah 1 (YEG). Trong năm 2019, để đỡ giá cổ phiếu, công ty đã liên tục tung ra các chương trình mua cổ phiếu quỹ với quy mô hàng triệu đơn vị. Dù vậy, công cụ này đã không phát huy tác dụng khi giá cổ phiếu YEG vẫn liên tiếp phá đáy, từ mức 250.000 đồng xuống chỉ còn quanh quẩn 50.000 đồng hiện nay.